Tiếng Việt | English

13/09/2023 - 09:11

Đồng hành cùng những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt

Sinh ra không được chạy nhảy, chơi đùa, học tập như các bạn cùng trang lứa, các em phải chịu đựng biết bao cơn đau về thể xác do bệnh tật hành hạ. Thế nhưng, các em chưa bao giờ đơn độc trong hành trình vượt qua khó khăn mà luôn có sự đồng hành, yêu thương từ gia đình, người thân và xã hội.

Dù sức khỏe em Trần Khánh Ngọc (phường 2, thị xã Kiến Tường) tạm ổn nhưng vẫn chịu đau đớn bởi những cơn động kinh

Một ngày đầu tháng 9/2023, chúng tôi theo Đoàn công tác của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Long An đến thăm và hỗ trợ đột xuất cho 11 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại huyện Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường. Điểm đầu tiên chúng tôi đến thăm là gia đình em Trần Khánh Ngọc (SN 2015, ngụ phường 2, thị xã Kiến Tường).

Ôm Khánh Ngọc vào lòng, chị Trần Thị Ánh Vàng (mẹ Khánh Ngọc) kể: “Lúc sinh ra, Ngọc bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng đến tháng thứ 5, vợ chồng tôi phát hiện vùng đầu của Ngọc to bất thường. Thấy vậy, gia đình đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) khám thì phát hiện bị não úng thủy phải phẫu thuật gấp. Khi hay tin, vợ chồng tôi khóc hết nước mắt, chạy lo vay tiền để làm phẫu thuật cho con”.

Sau khi phẫu thuật được 2 tuần, gia đình chưa kịp mừng thì Khánh Ngọc lại bị tắt ống dẫn, cần 30 triệu đồng để phẫu thuật gấp mới có thể sống. Đang loay hoay không biết tiền đâu lo cho con, chị Vàng được Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh và nhà hảo tâm hỗ trợ chi phí phẫu thuật. Hiện nay, dù sức khỏe của Khánh Ngọc tạm ổn định nhưng vẫn chịu đựng cơn đau từ căn bệnh não úng thủy, nhất là những cơn động kinh. Chị Vàng nghẹn ngào: “Nhìn con đau mà xót xa, giá như tôi có thể gánh chịu đau đớn thay con”.

Em Nguyễn Trí Cường (phường 1, thị xã Kiến Tường) sống nhờ tình thương của bà ngoại và sự hỗ trợ của mạnh thường quân

Rời gia đình chị Vàng trong niềm chua xót khôn nguôi, Đoàn công tác tiếp tục đến thăm và hỗ trợ đột xuất cho em Nguyễn Trí Cường (11 tuổi, ngụ phường 1, thị xã Kiến Tường). Thấy có người lạ ghé, Cường nhanh chân chạy ra sau nhà gọi ngoại có khách. Nắm tay Cường dẫn ra, bà Huỳnh Thị Huệ (bà ngoại Cường) nói: “Thấy nó vậy chứ không nhớ gì hết, nói chuyện cũng không rõ, dạo này, chân tay cũng yếu hơn trước. Được cái Cường rất hiếu thảo với ngoại, ai cho gì ăn cũng để dành cho ngoại”.

Theo bà Huệ, Cường bị bệnh thiểu năng trí tuệ là do em sinh thiếu tháng và sinh khó. Khi mới chào đời, Cường nặng 1,7kg, bác sĩ phải đưa vào chăm sóc đặc biệt. Sau thời gian, gia đình đón Cường về nhưng phát hiện em có triệu chứng lạ nên đưa đi khám và được bác sĩ thông báo Cường bị thiểu năng trí tuệ. Nghe tin đó, cha Cường chán nản, bỏ đi biền biệt. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ Cường đành gửi con cho bà ngoại nuôi, đến Bình Dương làm công nhân.

Em Nguyễn Ngọc Bích Trăm (ấp 4, xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh) nhận hỗ trợ đột xuất từ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh

Đồng cảnh ngộ với Cường, em Nguyễn Ngọc Bích Trăm (SN 2015, ngụ ấp 4, xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh) cũng bị thiểu năng trí tuệ và sống nhờ tình thương của bà nội. Bà Nguyễn Thị Kim Trang (bà nội Bích Trăm) bộc bạch: “Con dâu tôi sinh khó nên cháu Trăm bị thiếu oxy dẫn đến thiểu năng trí tuệ. Lúc mới sinh, cháu được đưa lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cấp cứu và thở oxy nhiều tháng liền. Đến 20 tháng tuổi, sức khỏe cháu ổn định, có thể tự thở, không cần bình oxy hỗ trợ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ Trăm gửi con cho tôi chăm sóc để đi làm xa”.

Đối với những bậc phụ huynh, con là tài sản quý giá nhất, không có gì thay thế được. Vì lẽ đó, họ không ngại vất vả, khó khăn để chăm sóc con một cách tốt nhất, chỉ mong con được phát triển bình thường. Đối với những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, các em càng cần sự chăm sóc, tình yêu thương nhiều hơn. Bên cạnh sự nỗ lực của gia đình, địa phương, ngành chức năng và mạnh thường quân luôn đồng hành trong hành trình chăm sóc các em./.

Kim Ngọc - Lê Ngân

Chia sẻ bài viết