Đề xuất trên là một trong những điểm mới tại dự thảo luật bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi vừa được Bộ LĐ-TB-XH đưa ra lấy ý kiến. Dự thảo luật BHXH gồm 9 chương, 133 điều (luật BHXH 2014 gồm 9 chương, 125 điều).
Quy định hiện hành khiến nhiều lao động nản lòng, rời bỏ hệ thống BHXH
Theo Bộ LĐ-TB-XH, quy định về thời gian đóng tối thiểu 20 năm để hưởng lương hưu chưa phù hợp với thực tế tham gia BHXH và nhu cầu hưởng lương hưu của người lao động (NLĐ). Điều này dẫn đến nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu, dẫn đến không đủ kiên nhẫn nên rời bỏ hệ thống BHXH. Đây là một nguyên nhân dẫn đến số người hưởng BHXH 1 lần tăng nhanh thời gian qua.
Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ 15 năm trở lên có thể được nhận lương hưu, thay vì 20 năm như luật hiện hành
Để mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH, trong dự thảo luật sửa đổi, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm, nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục nên có thời gian tham gia BHXH ngắn được hưởng lương hưu.
Cụ thể, NLĐ đóng BHXH từ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu khi có đủ điều kiện: nam đủ 61 tuổi 3 tháng, nữ 56 tuổi 8 tháng, tương ứng với tuổi nghỉ hưu. Mỗi năm sau đó, tuổi hưởng lương hưu tăng thêm 3 tháng với nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và thêm 4 tháng với nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Về mức lương hưu, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất, mức lương hưu được tính bằng 45% mức đóng, nếu tham gia BHXH đủ 15 năm với nữ và 20 năm đóng với nam. Sau đó, mỗi năm đóng BHXH được cộng thêm 2% vào lương hưu. Lương hưu tối đa bằng 75% mức đóng (nam đóng tối đa 35 năm, nữ tối đa 30 năm). Trường hợp thời gian tham gia BHXH từ 15-20 năm với nam, mỗi năm đóng được tính bằng 2,25% lương tháng tính đóng BHXH. Như vậy, nếu đề xuất trên được thông qua, nữ tới tuổi nghỉ hưu khi có 15 năm đóng BHXH sẽ được tính lương hưu bằng 45% mức đóng; nam tới tuổi nghỉ hưu nhưng mới tham gia BHXH 15 năm thì lương hưu được tính bằng 33,75% mức đóng.
Lý giải về sự thay đổi này, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng: "Điều kiện 20 năm đóng BHXH để được hưởng chế độ hưu trí hằng tháng còn dài, không phù hợp với khả năng tạo và duy trì việc làm của nền kinh tế cho NLĐ. Điều kiện này cùng với hoàn cảnh khó khăn khiến nhiều NLĐ nản lòng trong quá trình theo đuổi đóng góp hệ thống BHXH để được hưởng lương hưu".
Cơ hội cho người được hưởng lương hưu
Theo Bộ LĐ-TB-XH, nhiều nước quy định tham gia BHXH 10 năm là được hưởng lương hưu. Đóng BHXH ngắn thì lương hưu thấp, nhưng vẫn tốt hơn cho NLĐ khi về già, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong trợ cấp xã hội cho người cao tuổi. Mục đích của sự thay đổi này nhằm tạo điều kiện cho người tham gia BHXH ngắn được thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách lao động (Tổng liên đoàn Lao động VN), nhìn nhận: "Rút thời gian xuống 15 năm là thuận lợi cho NLĐ, đồng thời mở rộng diện người về hưu sau khi tăng người hưởng chính sách an sinh xã hội. Quy định này còn giảm thiểu tình trạng NLĐ rút BHXH 1 lần, bởi nhiều người không đủ điều kiện để hưởng chế độ hưu trí nên muốn rút BHXH".
Ủng hộ đề xuất trên, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho hay việc giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm là để khuyến khích và tạo cơ hội người ở độ tuổi trung niên, nam 45 và nữ 40 vẫn có thể tham gia BHXH.
Bộ LĐ-TB-XH đề xuất người lao động đóng BHXH 15 năm sẽ được nhận lương hưu
Trong trường hợp NLĐ đủ năm đóng BHXH, không may qua đời khi chưa đến tuổi nghỉ hưu thì NLĐ vẫn được hưởng trợ cấp mai táng phí 14,9 triệu đồng và được hưởng chế độ tử tuất hằng tháng đối với trường hợp đang nuôi con nhỏ, có cha mẹ già hoặc trả tiền tuất 1 lần theo quy định tại luật BHXH. Còn với những người trẻ tuổi, tham gia BHXH không chỉ là quyền lợi của chính mình mà còn là trách nhiệm và nghĩa vụ đóng góp cho xã hội để xây dựng các công trình giao thông, trường học, bệnh viện…
Tuy nhiên, với công nhân tại các khu công nghiệp, việc giảm năm đóng BHXH trong bối cảnh tuổi nghỉ hưu tăng thì họ vẫn phải chờ nhiều năm mới có thể được nhận lương hưu. Như vậy vẫn chưa giải quyết được tình trạng rút BHXH 1 lần.
Để giải quyết tình trạng này, TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - lao động xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), góp ý bên cạnh sửa đổi luật, cũng cần có chính sách đồng bộ như các gói hỗ trợ NLĐ vay vốn, đào tạo lại để những công nhân lao động đã đủ năm đóng BHXH duy trì cuộc sống hiện tại, tiếp tục đóng BHXH hoặc có thể bảo lưu, đóng tiếp khi có điều kiện.
Băn khoăn mức lương hưu thấp
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho hay: "Với mức lương tối thiểu vùng hiện nay là 3,25 - 4,68 triệu đồng/tháng, NLĐ đóng BHXH 15 năm sẽ được hưởng lương hưu vào khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. So với mặt bằng chung hiện nay là thấp, không đảm bảo mức sống tối thiểu. Hy vọng trong thời gian tới, với việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH, quỹ BHXH sẽ sinh lời có thể bù để tăng lương hưu cho những người có mức lương hưu thấp hoặc có thể lấy số đông bù cho số ít".
Hoàn thiện dự thảo trong tháng 6
Ông Trần Hải Nam, Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết theo kế hoạch, tháng 6 tới, Bộ LĐ-TB-XH sẽ hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ. Sau đó, tháng 8, Chính phủ trình dự thảo luật BHXH sửa đổi để Quốc hội thảo luận, cho ý kiến trong kỳ họp cuối năm 2023. Sau đó, tại kỳ họp thứ 7 (diễn ra vào tháng 5.2024), Quốc hội dự kiến thông qua để luật BHXH có hiệu lực từ đầu năm 2025. Theo Bộ LĐ-TB-XH, tới hết năm 2020, cả nước có hơn 14 triệu người hết tuổi lao động (tuổi nghỉ hưu). Trong đó, chỉ có hơn 3,1 triệu người có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng.
|
Về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng nhà nước cũng phải tính toán khả năng đóng ngắn thì sẽ được hưởng mức thấp. Do đó, phải có sàn an sinh xã hội, với những người có mức lương hưu thấp. "Quan điểm trong chính sách an sinh xã hội của Đảng và nhà nước ta là "không để ai bị bỏ lại phía sau", để lương hưu đủ sống, bên cạnh các chế độ phúc lợi xã hội, nhà nước có thể hỗ trợ mức đóng, hỗ trợ lương hưu khi về hưu, có cơ chế linh hoạt cân đối quỹ BHXH bằng sự chia sẻ giữa các thế hệ và các đối tượng... Vấn đề quan trọng là nhà nước phải có chính sách có thể điều chỉnh mức lương làm sao để người đóng BHXH 15 năm chí ít có mức sống tối thiểu để người về hưu đủ sống".
Ông Lê Đình Quảng cũng đề nghị: "Ngoài chính sách trên, cần phải có chính sách đi kèm, tiến tới BHXH đa tầng, linh hoạt. Trong các chính sách an sinh xã hội, chúng ta phải tính giải pháp đồng bộ, nhiều chính sách liên thông. Chúng ta nên khuyến khích NLĐ tham gia BHXH nhiều năm thì mới được hưởng chế độ cao. Đối với những trường hợp đóng 15 năm, chúng ta cũng phải tính toán để làm sao có sàn an sinh nhất định đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho những người về hưu. Dù có thấp thì có chế độ hưu trí vẫn đảm bảo hơn là không có".
Trước những lo ngại về mức hưởng lương hưu thấp, ông Trần Hải Nam, Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), cho hay dự thảo luật BHXH sửa đổi đang lấy ý kiến các bộ, ngành và nhân dân đến hết tháng 4. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và giải trình vấn đề người dân, NLĐ quan tâm./.
Theo Thu Hằng/Thanh niên