Tiếng Việt | English

19/10/2020 - 22:55

'Đòn bẩy' giảm nghèo

Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể tại địa phương quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền, đoàn thể thì sự chủ động, nỗ lực của các hộ nghèo, cận nghèo mới là nhân tố quyết định sự thành công của chương trình.

Được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, vợ chồng anh Nguyễn Hoàng Sơn mua bò về nuôi

Đến cuối năm nay, gia đình anh Nguyễn Hoàng Sơn, ngụ ấp Thanh Phú, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, sẽ được xem xét thoát nghèo. Tiếp khách trong căn nhà nhỏ, anh Sơn tâm sự: “Vợ chồng tôi ráng dành dụm, một thời gian nữa bán hết mấy con bò, gom góp cất lại căn nhà. Tôi mới bán bầy dê, còn 5 con bò vẫn đang nuôi, chắc chờ qua năm nữa”.

Gia đình anh Sơn ít đất sản xuất, 2 người con đang tuổi tới trường, mẹ già không còn sức lao động nên vợ chồng anh là trụ cột kinh tế gia đình. Ít đất, nghề nghiệp không ổn định nên kinh tế khó khăn. Khi cây thanh long bám rễ ở Châu Thành thì gia đình anh Sơn cũng dồn tất cả nguồn lực trồng thanh long ruột trắng. Thời điểm đó, thanh long ruột trắng hiệu quả kinh tế kém nên gia đình anh dự định trồng lại thanh long ruột đỏ. Tiền vốn đầu tư lại cũng không phải là ít. Đang chưa biết tính sao thì anh được chính quyền địa phương xem xét nhận nguồn vốn Hỗ trợ phát triển sản xuất. Số tiền đó giúp gia đình anh có thêm vốn đầu tư cho vườn thanh long. Đến nay, vườn bắt đầu cho mùa trái đầu tiên.

Hơn ai hết, vợ chồng anh Sơn hiểu rõ những khó khăn của gia đình nên luôn nỗ lực làm ăn để phát triển kinh tế, thoát nghèo. Ngoài chăm sóc vườn thanh long nhỏ, anh Sơn còn có nghề hàn sắt. Tuy nhiên, công việc cũng tùy thuộc vào thị trường nên anh bàn với vợ chăn nuôi thêm. Được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, vợ chồng anh Sơn mua bò về nuôi. Đến nay, đàn bò được 5 con, đang trong giai đoạn vỗ béo. Sắp tới đây, khi vườn thanh long bắt đầu cho huê lợi và khi đàn bò có thể xuất chuồng, căn nhà mới sẽ được cất lên thì vợ chồng anh Sơn chắc chắn sẽ thoát nghèo.

Chia sẻ với chúng tôi, anh kể, vợ chồng anh cố gắng làm việc để ổn định cuộc sống. Sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương, được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với anh như một động lực, chiếc “đòn bẩy” để nỗ lực nhiều hơn. Anh nói: “May mà gia đình tôi được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội và trả dần tiền gốc hàng tháng. Tôi thấy như vậy “nhẹ” hơn cho mình. Mỗi tháng một chút, lâu dần cũng hết và gia đình tôi còn được 5 con bò, cả một gia tài đó! Vợ chồng tôi nhắc nhau cố gắng làm vì còn trẻ, còn khỏe phải cố gắng thoát nghèo, nhường cái sổ hộ nghèo, nhường sự giúp đỡ lại cho hộ khác khó khăn hơn”.

Với những hỗ trợ từ chính quyền và nỗ lực cá nhân, dự kiến gia đình anh Sơn sẽ được xem xét thoát nghèo vào cuối năm 2020. Trong năm 2020, xã Thanh Phú Long có 62 hộ nghèo (trong đó có 26 hộ thuộc diện bảo trợ xã hội). Xã đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân. Hộ nghèo, cận nghèo tại xã được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay, tham gia các lớp dạy nghề nông thôn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật,…

Chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tại xã Thanh Phú Long nói riêng và huyện Châu Thành nói chung đang tạo tiền đề cho người nghèo, cận nghèo tại địa phương tham gia phát triển sản xuất, làm ăn hiệu quả, thoát nghèo bền vững. Bằng ý thức tự vươn lên, hộ nghèo, cận nghèo cũng chủ động hơn trong việc tiếp cận các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Đó sẽ là “đòn bẩy”, yếu tố quyết định sự thành công của công tác giảm nghèo./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết