Tiếng Việt | English

07/01/2019 - 09:45

Đòi nợ kiểu giang hồ

Mặc dù cơ quan thi hành án huyện có văn bản tạm hoãn thi hành án nhưng nhóm nhân viên công ty (Cty) đòi nợ thuê được ủy quyền đến đòi nợ nhiều lần đe dọa, khủng bố tinh thần, xúc phạm gia đình trong những lần đến đòi nợ.

Nhà máy xay xát của gia đình ông Phước - nơi nhóm đòi nợ đến tận nơi chửi bới, lăng mạ

Nhóm đòi nợ thuê đến khủng bố, đe dọa tinh thần

Theo phản ánh của ông Phan Hữu Phước - chủ nhà máy sấy lúa tại ấp 2, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An cuối tháng 11/2018, gia đình ông liên tục bị nhóm người của Cty Cổ phần (CP) đòi nợ An Khang tại TP.HCM do ông Lê Trọng Duy làm đội trưởng đến đòi nợ theo hợp đồng ủy quyền giữa Cty CP đòi nợ An Khang và bà Trần Thị Nguyệt về khoản nợ hơn 150 triệu đồng của gia đình ông liên quan đến bản án dân sự “Tranh chấp gia công và đòi tài sản”.

Ông Phước cho biết: “Ngày 26/11/2018, nhóm người của Cty CP đòi nợ An Khang đến gia đình ông liên tục dùng những lời lẽ khó nghe, thô lỗ, vô văn hóa để chửi bới, lăng mạ, xúc phạm đến ông cũng như các thành viên trong gia đình. Thậm chí con gái tôi mới 11 tuổi cũng bị bọn chúng xúc phạm khiến cháu hoảng loạn tinh thần. Mặc dù gia đình tôi có thông báo cho nhóm người đòi nợ về việc vụ án đang được Viện Kiểm sát Cấp cao, Tòa án Cấp cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm và quyết định tạm hoãn thi hành án của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bến Lức đối với số nợ hơn 150 triệu đồng của Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên trong vụ kiện, thế nhưng, nhóm người của Cty CP đòi nợ An Khang không màng tới mà quyết tâm đòi nợ. Đến 9 giờ, ngày 30-11/2018, nhóm người của Cty CP đòi nợ An Khang tiếp tục quay trở lại gia đình tôi để lăng mạ, chửi bới, khủng bố tinh thần với mức độ nghiêm trọng hơn. Lo sợ an nguy của gia đình, chị gái tôi điện thoại đến các cơ quan, Công an xã Thạnh Đức, Công an huyện Bến Lức để nhờ can thiệp và trợ giúp. Nhưng đến mãi hơn 14 giờ, mới có 2 công an viên của xã Thạnh Đức đến ghi nhận vụ việc. Sau đó, nhóm người đòi nợ của Cty CP đòi nợ An Khang cũng ra về, hẹn mấy ngày sau sẽ trở lại và yêu cầu gia đình tôi phải trả trước 50 triệu đồng”. Cũng vì lo cho sự an toàn của gia đình, chiều ngày 04/12/2018, ông Phước cùng với nhóm đòi nợ đến Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bến Lức để gặp và làm việc. Tại đây, nhóm này yêu cầu ông Phước nộp trước 50 triệu đồng và gia đình ông buộc phải nộp để được yên chuyện.

Tuy nhiên sau sự việc, gia đình ông Phước vẫn rất lo lắng. Bà Phan Thị Lan - chị ông Phước, cho biết: “Mặc dù gia đình đã nộp trước 50 triệu đồng để yên chuyện và hẹn sau khi gia đình kháng án sẽ tính tiếp, song nhóm đòi nợ của Cty CP đòi nợ An Khang rất hung hăng, chúng còn thảo sẵn biên bản làm việc giữa gia đình tôi và phía Cty yêu cầu sau 60 ngày mà Tòa án Cấp cao TP.HCM không xử lại và gia đình tôi chưa trả lại số tiền còn thiếu sẽ phải chịu trách nhiệm trước Cty CP đòi nợ An Khang". “Tôi không hiểu phía Cty CP đòi nợ An Khang có thế lực gì mà dám manh động, uy hiếp tinh thần gia đình chúng tôi như vậy. Nếu có gì, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật chứ sao lại phải chịu trách nhiệm trước Cty CP đòi nợ An Khang?” - bà Phan Thị Lan bức xúc.

Người ủy quyền cho công ty đòi nợ không có tên trong danh sách trả nợ

Một trong những điều lạ trong việc đòi nợ của Cty CP đòi nợ An Khang là bà Trần Thị Nguyệt - người ký hợp đồng ủy quyền cho Cty CP đòi nợ An Khang đến đòi nợ gia đình ông Phước, lại không có tên trong danh sách những người được trả nợ.

Theo ông Phước, trong bản án dân sự về “Tranh chấp hợp đồng gia công và đòi tài sản” ngày 06/6/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An thì gia đình ông phải có trách nhiệm liên đới trả số tiền hơn 150 triệu đồng cho những người gồm: Ông Huỳnh Văn Được, bà Huỳnh Thị Kim Cương, Huỳnh Thị Hồng Nhung, Huỳnh Thị Hồng Hạnh, Trần Thị Cảnh và ông Nguyễn Văn Dơn, hoàn toàn không có tên bà Trần Thị Nguyệt. Mặc dù bà Nguyệt đại diện ủy quyền của những người trên nhưng là ủy quyền trong việc tham gia xét xử vụ án dân sự chứ khi đòi nợ, nhóm người Cty CP đòi nợ An Khang cũng không hề có giấy ủy quyền của những người được trả nợ ủy quyền cho bà Nguyệt được đòi khoản nợ trên để bà Nguyệt tiếp tục ủy quyền cho Cty CP đòi nợ An Khang đến đòi nợ gia đình ông. Mặt khác, ngày 06/11/2018, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bến Lức cũng có Quyết định về việc tạm hoãn thi hành án số 02/QĐ-CCTHADS đối với gia đình ông Phước từ ngày 06/11/2018 đến ngày 06/5/2019 đối với bản án dân sự phúc thẩm trên. Do đó, việc bà Nguyệt ủy quyền cho Cty CP đòi nợ An Khang đến gia đình tôi buộc chúng tôi phải trả nợ cho bà là không đúng theo quy định.

Trước sự việc này, ông Phước cho biết: “Gia đình tôi không trốn tránh việc trả nợ, tuy nhiên, chúng tôi đang được tạm hoãn thi hành án và phía gia đình tôi đang làm thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Long An nên việc đòi nợ kiểu giang hồ của nhóm người Cty CP đòi nợ An Khang ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần, cuộc sống và trong công việc làm ăn của gia đình”.

Trước đó, ngày 06/6/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Long An xét xử vụ án dân sự về “Tranh chấp hợp đồng gia công và đòi tài sản” giữa gia đình ông Phước và những người thừa kế liên quan gồm: Ông Huỳnh Văn Được, bà Huỳnh Thị Kim Cương, Huỳnh Thị Hồng Nhung, Huỳnh Thị Hồng Hạnh, Trần Thị Cảnh và ông Nguyễn Văn Dơn. Sau phiên xử, Tòa án nhân dân tỉnh buộc gia đình ông Phước phải có trách nhiệm liên đới hoàn trả cho những người trên số tiền hơn 150 triệu đồng. Hồ sơ vụ án cho thấy, ngày 28 và 29/8/2014, bà Trần Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Lệ hùn mua lúa tươi của nông dân để sấy khô bán lại cho nhà máy số lượng gần 30 tấn. Sau khi mua lúa, ông Huỳnh Văn Được (con bà Lệ) vận chuyển đến nhà máy xay xát của vợ chồng ông Phan Hữu Phước để sấy. Thời điểm giao được chủ nhà máy ghi vào sổ theo dõi, cách 10 ngày sau đến nhận lúa khô. Sau khi sấy khô lúa, ông Phước giao cho một thương lái là bà Huỳnh Ngọc Bích Dung vì trước đó, bà Lệ (đã chết) gọi điện cho vợ ông Phước nói số lúa sấy đã bán cho bà Dung. Tuy nhiên, sau đó, bà Nguyệt và bà Lệ cho rằng ông Phước sấy lúa xong tự ý giao cho phía bà Dung chứ 2 bà không hề bán cho bà Dung số lúa đó và yêu cầu phía gia đình ông Phước phải đền bù gần 30 tấn lúa. Vụ việc từng được 2 lần xét xử phúc thẩm tại Tòa án nhân dân tỉnh, lần cuối gia đình ông Phước thua kiện./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết