Tiếng Việt | English

26/05/2021 - 20:00

Đời người chỉ sống một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận

Sống có ích cho gia đình và xã hội, nuôi con ăn học thành tài, tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương, giàu nghị lực vượt khó vươn lên,... là những việc làm của ông Huỳnh Văn Hảo (thương binh hạng 2/4), ngụ xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An đáng được nhiều người noi theo.

Ông Huỳnh Văn Hảo - thương binh hạng 2/4, xứng đáng cho thế hệ hôm nay và mai sau hỏi hỏi về nghị lực vượt khó

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Huỳnh Văn Hảo và bà Nguyễn Thị Một vào một buổi sáng giữa tháng 5. Ngôi nhà cấp 4 được xây dựng khang trang, với đầy đủ tiện nghi cùng nhiều giấy khen, bằng khen được treo trang trọng trong một góc nhà. Để có được thành quả đáng tự hào hôm nay, ít ai biết rằng, vợ chồng ông Hảo phải trải qua biết bao năm tháng gian truân, khó nhọc mà có lẽ đến cuối cuộc đời này, ông không thể nào quên. Và chính những năm tháng gian truân, khó nhọc ấy đã viết nên câu chuyện tình đẹp giữa ông Hảo và bà Một khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Ngày nhỏ, ông Hảo và cô gái chung xóm Nguyễn Thị Một rất thân, đôi bạn trẻ đi đâu cũng cặp kè nhau, kể cả những buổi trưa nắng gắt. Khi đến tuổi thanh niên và thương cho đôi trẻ, hai bên gia đình tổ chức đám cưới cho ông Hảo, bà Một. Đám cưới chưa được bao lâu, ông Hảo thấy chiến trường biên giới Tây Nam diễn ra ác liệt nên bàn với vợ tạm gác niềm vui riêng để ông lên đường góp phần tham gia bảo vệ Tổ quốc.

Sau khi ông Hảo đi, bà Một mới hay tin mình mang thai. Lúc đó, bà rất mừng, viết thư gửi cho chồng nhưng mãi vẫn không liên lạc được. Năm 1983, ông Hảo đạp mìn và bị thương nặng, phải cưa mất 1 chân. Sau khi tỉnh lại, ông Hảo đã mất hết niềm tin, nhất là không muốn gặp lại người vợ từng thề non, hẹn biển nên không một lá thư hồi âm hay một tin tức gì, vì sợ là gánh nặng cho người mình yêu thương.

Khi hay tin ông Hảo bị thương và được đưa về Việt Nam điều trị, bà Một ngày đêm bồng con đi tìm cha. Ngày gặp được chồng trong bệnh viện, bà vừa mừng, vừa lo. Mừng vì tìm được chồng, còn lo vì sợ ông Hảo mặc cảm thân hình khiếm khuyết, bỏ rơi hai mẹ con. Bà Một trải lòng: “Sau khi gặp được chồng, tôi luôn ở bên cạnh động viên, chia sẻ và nhắc lại lời Bác Hồ dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế”; đồng thời, lúc nào cũng khuyên chồng chỉ cần có ý chí, nghị lực vượt khó, siêng năng, ham học hỏi thì khó khăn nào cũng vượt qua được. Sau thời gian động viên, chồng tôi bắt đầu suy nghĩ tích cực và hăng hái phát triển sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống”.

Có thể thấy, chiến tranh đã cướp đi biết bao sinh mạng, sức khỏe của người dân. Nhưng cũng từ đau thương, mất mát ấy đã xuất hiện những tình yêu đẹp, không gợn chút so đo, không mảy may tính toán,… Và câu chuyện tình của ông Hảo, bà Một minh chứng cho những điều tốt đẹp này.

Được biết, sau khi trở về quê hương (thị trấn Thủ Thừa), vợ chồng ông Hảo đến xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa khai hoang lập nghiệp. Từ hai bàn tay trắng nhưng nhờ chăm chỉ làm ăn, đến nay vợ chồng ông Hảo có hơn 7ha đất trồng lúa, một ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, nhất là nuôi các con ăn học thành tài. Hiện ông có 1 người con làm việc ở công ty xuất, nhập khẩu, 1 người con công tác tại Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh.

Khi kinh tế gia đình ổn định, ông Hảo tiếp tục tham gia vận động người thân, bạn bè giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống như xây nhà tình thương, tặng quà cho người nghèo nhân các dịp lễ, tết,... Những việc làm, hành động của ông Hảo được các cấp, các ngành ghi nhận bằng việc tặng nhiều giấy khen, bằng khen.

Ông Hảo cho biết: “Câu nói tôi tâm đắc nhất cuộc đời, đồng thời cũng là động lực để tôi có được cuộc sống hôm nay là “Cái quý nhất của con người là sự sống. Đời người ta chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí”. Nhờ câu nói này mà tôi đã sống tốt, sống có ích cho gia đình và xã hội. Hy vọng, thế hệ hôm nay và mai sau sẽ lấy câu nói trên làm phương châm sống và hành động, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”./.

Minh Thư

Chia sẻ bài viết