Tạo sự hài lòng của người dân
Năm 2004, Long An bắt đầu triển khai cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết TTHC theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg, ngày 04/9/2003 về ban hành Quy chế thực hiện cơ chế “một cửa” tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Sau gần 17 năm thực hiện, đến nay, cơ chế “một cửa” đã góp phần vào quá trình đẩy mạnh CCHC, đặc biệt là TTHC, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân đối với cơ quan hành chính nhà nước.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ - Trần Kỳ Đức, việc triển khai, thực hiện cơ chế “một cửa” góp phần khắc phục các TTHC rườm rà, chồng chéo. Bộ máy hành chính nói chung, bộ máy cung ứng dịch vụ hành chính công nói riêng được tinh giản, gọn nhẹ; đồng thời, khắc phục được trình trạng cán bộ lãnh đạo mất thời gian vào các công việc hành chính, không có thời gian dành cho những nhiệm vụ và chức năng quản lý khác; giảm dần việc cán bộ lãnh đạo phải tham gia trực tiếp giải quyết các công việc, sự vụ, khiếu kiện; khắc phục được tình trạng tùy tiện đặt ra và thu các loại phí;…
Phấn đấu đến cuối năm 2021, Long An thực hiện quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm 100% tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trung tâm hành chính công cấp huyện và bộ phận “một cửa” cấp xã
Ông Nguyễn Văn Dũng, ngụ xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, chia sẻ, sau khi thực hiện cơ chế “một cửa”, thái độ phục vụ của công chức tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ TTHC dần thay đổi, không còn tính cửa quyền, sách nhiễu như trước, luôn niềm nở đón tiếp, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tận tình.
“Chúng tôi không phải đi lại nhiều lần, nhiều nơi như trước. Đặc biệt, thời gian cung ứng các dịch vụ hành chính được niêm yết công khai, quy định rõ ràng, giảm được chi phí, thời gian đi lại. Chúng tôi thật sự hài lòng với việc áp dụng cơ chế “một cửa” trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của tổ chức, công dân tại các sở, ngành, địa phương trong tỉnh” - ông Dũng chia sẻ.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, bên cạnh những kết quả đã đạt, việc thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết TTHC hiện còn bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc về tổ chức, nhân sự, thẩm quyền và hoạt động tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC tại bộ phận “một cửa”.
Đặc biệt, hạ tầng, ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC còn nhiều hạn chế. Đó là việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các phần mềm, cơ sở dữ liệu liên quan đến việc giải quyết TTHC, nhất là các phần mềm chuyên ngành, ngành dọc không kết nối, chia sẻ với hệ thống thông tin một cửa điện tử và Cổng Dịch vụ công (DVC) tỉnh; việc điện tử hóa hồ sơ chưa được quan tâm thực hiện theo quy định, tỷ lệ hồ sơ được điện tử hóa còn thấp, chưa bảo đảm quy định. Mặt khác, hệ thống máy vi tính, máy in, scan của các sở, ngành, UBND cấp huyện, xã được đầu tư nay đã xuống cấp nên việc áp dụng CNTT trong giải quyết TTHC còn chậm, chưa kịp thời,…
Tiếp tục cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông"
Nhằm khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế việc thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết TTHC, Long An khẩn trương triển khai Quyết định số 468/QĐ-TTg, ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC”.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út, mục đích của việc triển khai Đề án là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ; sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết TTHC theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông"; đáp ứng mục tiêu, yêu cầu CCHC, nhất là việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC thông qua việc ứng dụng CNTT. Bên cạnh đó, việc thực hiện Đề án nhằm đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, cung cấp DVC, thay đổi cách thức quản trị hành chính từ truyền thông sang hiện đại, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.
Đề án “Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC” được tỉnh xác định, đề ra mục tiêu cụ thể từ nay cho đến năm 2025. Qua đó, nhằm gắn kết việc số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC với quá trình tiếp nhận, xử lý TTHC tại bộ phận “một cửa” tạo cơ sở hình thành dữ liệu sống, sạch, đủ và chính xác; đổi mới tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc đơn giản hóa trong chuẩn bị, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông"; mở rộng việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên cơ sở ứng dụng CNTT trong thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông"; nâng cao tính chủ động trong đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của bộ phận "một cửa"; đổi mới việc giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC theo thời gian thực trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới.
Hiện Long An khẩn trương triển khai Đề án “Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC”. Theo đó, phấn đấu đến cuối năm 2021, tỉnh thực hiện quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC bảo đảm 100% tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trung tâm hành chính công cấp huyện và bộ phận “một cửa” cấp xã; hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực tối thiểu tương ứng 30%, 20%, 15% đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, huyện, xã; thực hiện thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công đạt 25%; 35% đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh triển khai, thực hiện việc cung cấp dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; thực hiện đồng bộ đầy đủ kết quả xử lý hồ sơ TTHC trên Cổng DVC quốc gia bảo đảm đạt 100%; 100% kết quả xử lý hồ sơ TTHC của tỉnh được đồng bộ đầy đủ trên Cổng DVC quốc gia;…
Đề án “Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC" của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu tổng quát đổi mới việc thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC,...
Qua đây, đẩy mạnh chuyển đổi số, làm thay đổi một cách căn bản cách thức giải quyết cũng như việc theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" từ thủ công sang điện tử, tự động, theo thời gian thực cũng như cắt giảm, đơn giản hóa việc thực hiện TTHC, tăng năng suất lao động, giảm thời gian, chi phí thực hiện TTHC"./.
|
Phong Nhã