Tiếng Việt | English

15/02/2021 - 07:00

Độc đáo lễ hội đầu Xuân

Các lễ hội đầu xuân đều mang nét đặc trưng riêng của địa phương mà nhiều người dù đi xa vẫn luôn tự hào và nhớ về như một điều thiêng liêng. Về với lễ hội, ngoài tín ngưỡng, nhiều người còn có dịp tham gia những trò chơi dân gian, xem hát, múa bóng rỗi và gặp gỡ nhau sau một năm dài tất bật mưu sinh.

Lễ hội Làm Chay còn được xem là “cái tết thứ hai” với nhiều hoạt động vui chơi

“Ai về lễ hội Làm chay”

Vừa qua Tết Nguyên đán, người dân Châu Thành, tỉnh Long An nhất là các bạn trẻ lại nhắc nhau chuẩn bị đi Lễ hội Làm Chay. Ai đang học hành, làm việc nơi xa đều nôn nao trở về bởi Lễ hội Làm Chay không chỉ là lễ cúng cầu mưa thuận gió hòa, tưởng nhớ người anh hùng vì nước quên thân mà còn được xem là “cái tết thứ hai” với nhiều hoạt động vui chơi. 

Nếu người địa phương tất bật làm mâm bánh, thuyền hoa, động yêu quái chuẩn bị cho lễ hội thì khách phương xa có thể hòa mình vào những trò chơi dân gian được tổ chức vào sáng 16 tháng Giêng, xem múa lân và tham gia trò “bắt vịt” vào trưa cùng ngày. Chiêu u đường bộ cũng là một hoạt động thu hút khá nhiều bạn trẻ xem. Đoàn “đánh động” của thầy trò Đường Tăng cũng là một trong những phần hấp dẫn của Lễ hội Làm Chay. Khách đến xem đánh động để thấy người dân Châu Thành nói riêng và miền Tây nói chung tin vào những điều tốt đẹp, vào sự chiến thắng của điều đúng, điều thiện. 

Khách phương xa có thể hòa mình vào những trò chơi dân gian được tổ chức vào sáng 16 tháng Giêng. (Ảnh: Ngọc Thạch)

Hoạt động được chờ đón nhất là xô giàn đốt ông Tiêu vào lúc 0 giờ. Lưỡi ông Tiêu, hoa, trái cây cúng được xem là lộc, ai có được sẽ gặp điều may mắn. Vậy nên, lộc được chia đều cho đám đông dự hội trước khi ông Tiêu bốc cháy, ai nấy đều có 1 viên kẹo, 1 nhành hoa như niềm vui mang về nhà sau lễ hội. Có đông đúc, có vui tươi nhưng không giẫm đạp, chen lấn nhau mà chỉ có nụ cười. 

Lễ hội Làm Chay khép lại. Khách thập phương có thể về miền hạ tham gia 2 lễ hội khác của Long An.

Xem múa bóng, nghe đờn ca

Hội thi đờn ca tài tử Nam bộ tại đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước (ngày 16-17 tháng Giêng) và Lễ hội Vía bà Ngũ Hành Long Thượng, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc (diễn ra từ ngày 18-21 tháng Giêng) tiếp nối Lễ hội Làm Chay tạo thành một chuỗi lễ hội đầu xuân ở Long An.

Lễ hội Vía bà Ngũ Hành Long Thượng có nhiều nghi thức bắt đầu từ ngày 18. Khách thập phương (đặc biệt là người Hoa) đến viếng rất đông. Mọi người cầu sự bình an, hưng phát và nán lại xem múa bóng rỗi, hát bội trong không khí rộn ràng, nhộn nhịp của mùa xuân. Các cô bóng với trang phục lộng lẫy, cầu kỳ hát bóng rỗi khai tràng có dàn nhạc diễn tấu nhạc lễ và đệm cho điệu hát. Sau đó là những bài hát bóng rỗi chầu mời Ngũ Hành nương nương, chư tiên, chư thánh, các chiến sĩ,... về dự lễ. Múa bóng rỗi là bộ môn nghệ thuật diễn xướng dân gian có mặt từ lâu trong đời sống tinh thần của người dân và được lưu giữ đến tận ngày nay. Ngoài ra, điệu múa mâm vàng cũng được biểu diễn một cách nghiêm trang và thành kính với vũ điệu điêu luyện, nhịp nhàng, đẹp mắt. Và chương trình lễ hội chuyển dần sang phần hội với các tiết mục tạp kỹ được biểu diễn ngay sau đó. Không khí từ trang nghiêm chuyển sang sôi động và nhận được nhiều sự tán thưởng của người dân. 

Khách phương xa có thể hòa mình vào những trò chơi dân gian được tổ chức vào sáng 16 tháng Giêng. (Ảnh: Ngọc Thạch)

Đến với các lễ hội của Long An, du khách còn được xem lại những vở tuồng hát bội vang bóng một thời. Trước đây, hát bội từng có một thời “vàng son”, được người dân yêu mến. Nhưng với sự phát triển của xã hội, bộ môn nghệ thuật này phải “lùi lại”, chỉ xuất hiện trong các lễ hội tại đình, miễu. Muốn xem hát bội và cảm nhận không khí hội hè thì khách thập phương nên nán lại vào đêm 14 tháng Giêng tại Lễ hội Làm Chay hoặc đêm 19 tháng Giêng tại Lễ hội Vía bà Ngũ Hành Long Thượng để được thấy các nghệ sĩ thực hiện đầy đủ các nghi thức: Xây chầu, đại bội và trình diễn những trích đoạn trong các vở tuồng xưa cũ. 

Tại đất Cần Đước, trong khuôn viên đình Vạn Phước, nơi thờ phụng đức nhạc sư Nguyễn Quang Đại mà nghe đờn ca tài tử thì còn gì thiêng liêng và xúc động hơn

Không nhiều nghi thức và hoạt động như 2 lễ hội kể trên nhưng Lễ húy kỵ nhạc sư Nguyễn Quang Đại tại đình Vạn Phước cũng có nét riêng “níu chân” du khách. Nhà thơ Nguyễn Xuân Trường đã viết về Lễ húy kỵ Đức nghệ nhân - nhạc sư Nguyễn Quang Đại và Liên hoan đờn ca tài tử Nam bộ như sau: 

Tháng Giêng rồi mai là lễ kỵ cơm

Con về đây nghe tiếng đàn quê ngoại

Tiếng nhạc cung đình thuở chàng trai Ba Đợi

Mang hạt giống kinh đô gieo xuống chốn bưng biền...

Tiếng đờn ca tài tử dìu dặt sẽ làm say lòng những người yêu mến nghệ thuật truyền thống. Tại đất Cần Đước, trong khuôn viên đình Vạn Phước, nơi thờ phụng đức nhạc sư Nguyễn Quang Đại mà nghe đờn ca tài tử thì còn gì thiêng liêng và xúc động hơn. Giới đờn ca tài tử trong và ngoài tỉnh cùng đờn hát bên nhau, tưởng nhớ người đặt viên gạch đầu tiên cho bộ môn nghệ thuật được công nhận là di sản trên đất phương Nam. Những ngón đờn bậc thầy, những giọng ca lão luyện từ các nghệ nhân ưu tú, những tài tử trẻ mười tám đôi mươi sẽ “níu hồn” người nghe. 

Về lại quê hương những ngày đầu năm mới, nghe tiếng nhạc hội réo rắt dặt dìu, tham gia lễ hội nhộn nhịp, vui tươi sẽ khiến người con Long An và khách phương xa thêm nhớ thương mảnh đất này. Và rồi những năm sau, dù bận bịu đến mấy, ai nấy cũng trở về tham gia mùa lễ hội đầu xuân./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết