Tiếng Việt | English

02/08/2017 - 11:13

Đoàn kết phòng, chống lũ lụt

Lũ về, lòng người chống lũ càng đồng thuận. Lũ về cũng là cơ hội cho thấy những người sống thiếu gắn kết với cộng đồng rất đáng chê trách. Đó là những người không đồng tình cho đào, đắp đê bao qua ruộng, đất mình...

Đoàn kết là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc ta, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn. Truyền thống ấy luôn đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với người dân khu vực Đồng Tháp Mười- Long An, truyền thống đoàn kết luôn được phát huy trong điều kiện sống gặp nhiều thiên tai, địch họa. Trước đây, họ đoàn kết chống chọi với thú dữ, bệnh tật, thiên nhiên khắc nghiệt trong bước đường khai hoang, nay, họ đoàn kết trong bảo vệ mùa màng, tài sản, tính mạng trước những con lũ lớn.

Những ngày qua, mưa bão cùng nước từ thượng nguồn đổ về, mực nước lên nhanh, diễn biến bất thường, lũ sớm hơn mọi năm. Nhiều cánh đồng lúa bị ảnh hưởng, uy hiếp, một số diện tích lúa gần đến kỳ thu hoạch bị nước lũ nhấn chìm. Tài sản, công sức lao động của nông dân có nguy cơ bị mất trắng, phải rơi vào cảnh nợ nần. Trong hoàn cảnh đó, sợi dây đoàn kết cộng đồng càng thêm khắng khít. Dưới sự tập trung của các cấp ủy, chính quyền, tinh thần đoàn kết của nhân dân, ngày đêm chung sức gia cố đê bao. Nhiều người luân phiên làm việc cật lực trong mưa gió, để bảo vệ những cánh đồng lúa, bảo vệ tài sản của nhau và của chính mình.

Trong những đoàn người đang lặn hụp dưới nước thu hoạch lúa chạy lũ, trong những nhóm người hối hả khiêng vác cây cối, đất đai gia cố đê bao, có những người lính Cụ Hồ, dân quân, thanh niên xung kích,…Họ không quản ngại gian lao vất vả, trầm mình dưới nước, trong mưa bão, khẩn trương cứu lấy tài sản của dân. Ở những nơi ấy, tình quân- dân gắn bó như cá với nước, tinh thần xung kích cao độ, lan tỏa trong nhiệt huyết của tuổi trẻ. Ai cũng làm việc quên mình vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân. Những điểm sáng đó cần nhân rộng!

Lũ về, lòng người chống lũ càng đồng thuận. Lũ về cũng là cơ hội cho thấy những người sống thiếu gắn kết với cộng đồng rất đáng chê trách. Đó là những người không đồng tình cho đào, đắp đê bao qua ruộng, đất mình vì sợ giảm diện tích đất, hư hại hoa màu. Nhiều người đồng lòng nhưng một vài hộ không đồng tình tạo thành mắt xích yếu trong sợi dây đoàn kết. Những điểm yếu đó là nơi những con nước lớn tràn vào phá nát mùa màng, ruộng đồng.

Lịch sử khai khẩn và phát triển vùng đất Đồng Tháp Mười là lịch sử của quá trình đoàn kết cộng đồng, dân tộc. Chỉ có đoàn kết mới tồn tại và phát triển, nhất là ở những nơi còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Trong tương lai, để Đồng Tháp Mười “cất cánh” nhờ nông nghiệp, thì nông dân phải đoàn kết trong xây dựng cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao trong áp dụng lịch thời vụ, làm thủy lợi gắn hệ thống đê bao lửng,.... Đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh phòng, chống lũ lụt, tạo nên những mùa vàng và cuộc sống ấm no./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết