Tiếng Việt | English

15/08/2019 - 20:40

Điện năng lượng mặt trời đang phát triển mạnh

Long An được xem là một trong những địa phương có tiềm năng phát triển điện năng lượng mặt trời (ĐNLMT) và thu hút nhiều nhà đầu tư cho các dự án điện mặt trời tại tỉnh. Đến nay, tỉnh có 3 nhà máy và nhiều công trình ĐNLMT áp mái đi vào hoạt động.

3 nhà máy đi vào hoạt động

Thông tin từ Sở Công Thương, đến thời điểm này, tỉnh có 16 dự án ĐNLMT đăng ký đầu tư trên địa bàn. Đến nay, có 8 dự án được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực, 8 dự án đang trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực. 

Trong 8 dự án đã được phê duyệt, có 1 dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với công suất 100,5MWp và 7 dự án được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Long An (mỗi dự án có công suất bình quân từ 40,6MWp đến 50MWp). Đến nay, có 3 nhà máy NLMT đi vào hoạt động và đã phát điện đấu nối với điện lưới quốc gia (Nhà máy TTC Đức Huệ 1, Nhà máy EuroPlast Long An (huyện Đức Huệ), Nhà máy BCG Băng Dương (huyện Thạnh Hóa)) với sản lượng phát điện đến hết tháng 7-2019 khoảng 22,592 triệu kWh. Ngoài ra, có 1 nhà máy đã vận hành thử nghiệm và 2 nhà máy được nghiệm thu phát điện. Như vậy, đến cuối năm 2019, sẽ có thêm 3 dự án ĐNLMT khác đi vào hoạt động và đấu nối điện lưới quốc gia. 

Nhân viên lắp đặt tấm pin năng lượng điện mặt trời trên mái nhà 

Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức cho biết, được sự quan tâm của các bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh, chính quyền địa phương và sự nỗ lực của nhà đầu tư nên các dự án nhanh chóng hoàn thành, đi vào hoạt động và đấu nối với điện lưới quốc gia. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển lĩnh vực NLMT tại tỉnh. Ở các dự án đang thực hiện hoặc chưa đủ điều kiện thực hiện, tỉnh sẽ tạo thuận lợi để các nhà đầu tư tiếp tục tìm hiểu, khảo sát, lập các dự án điện mặt trời khác trên địa bàn, đồng thời tạo điều kiện cho nhà đầu tư an tâm đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.

Doanh nghiệp thực hiện điện năng lượng mặt trời áp mái

Ngoài những nhà đầu tư lớn, có tiềm lực, sức hút của dự án ĐNLMT còn lan tỏa đến nhiều doanh nghiệp cũng như hộ gia đình trên địa bàn tỉnh. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, đầu tư ĐNLMT áp mái tuy tốn chi phí ban đầu nhưng họ có thể chủ động trong quá trình sản xuất và tiết kiệm chi phí đầu vào trên từng sản phẩm.

Công ty Cổ phần Năng lượng Mặt trời đỏ (Redsun) huyện Đức Hòa có nhà máy điện mặt trời đầu tiên của Việt Nam và đi vào hoạt động từ hơn 10 năm nay. Giám đốc công ty - ông Diệp Bảo Cánh chia sẻ, nếu như trước đây, sản phẩm chỉ dành cho xuất khẩu là chủ yếu thì vài năm trở lại đây, doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp bắt đầu quan tâm và lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái. Nhờ vậy, sản lượng thành phẩm tấm pin của công ty tăng lên rõ rệt. Công ty phải tăng công suất nhà máy lên mức tối đa.

Nhân viên lắp đặt tấm pin năng lượng điện mặt trời trên mái nhà 

Theo đó, 7 tháng năm 2019, RedSun thực hiện lắp đặt hệ thống ĐNLMT cho khách hàng là doanh nghiệp với công suất hơn 10MW.Tuy nhiên, ông Diệp Bảo Cánh cho rằng, vẫn chưa đáp ứng kịp hết nhu cầu đặt hàng của khách hàng. Một điểm thuận lợi của công ty là tự sản xuất tấm pin, thương hiệu đã có sẵn nên doanh nghiệp rất tin tưởng. 

Công ty TNHH Din Sen Việt Nam Chi nhánh Long An có nhà máy tại xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, với ngành nghề may mặc dành cho xuất khẩu. Đại diện công ty chia sẻ, ngành nghề may mặc phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng điện nên công ty muốn chủ động trong quá trình sản xuất. Giải pháp tốt nhất là lắp đặt hệ thống ĐNLMT áp mái. Do đó, công ty đã đầu tư hệ thống ĐNLMT áp mái với công suất 1MW, kinh phí hơn 7 triệu USD. Tuy chi phí đầu tư lớn nhưng sẽ chủ động và tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất.Bên cạnh đó, các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà giúp che nắng, giảm nhiệt rất tốt nên công ty sẽ hạn chế thêm được các chi phí về làm mát, chạy quạt trong quá trình sản xuất.

Ông Diệp Bảo Cánh chia sẻ thêm, sử dụng ĐNLMT đang là xu hướng sản xuất xanh, sạch và được Nhà nước khuyến khích.Thời gian tới, điện mặt trời được doanh nghiệp và hộ gia đình sử dụng rộng rãi và tăng trưởng rất nhanh.RedSun đặt mục tiêu tăng trưởng cho thời gian tới là 400% so với hiện tại nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết