Tiếng Việt | English

06/05/2019 - 20:05

Điện Biên Phủ - đi và nhớ

1. Tôi đi Điện Biên vào dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ (ĐBP) 07/5 lịch sử. Chuyến đi để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Đường lên Mường Lễ bao xa/ Trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh. Mường Lễ từ Lai Châu tới Điện Biên đã vào thơ Lê Quý Đôn và thành ca dao từ mấy trăm năm nay, cho ta hình dung nơi địa đầu Tổ quốc phía Tây Bắc uy linh hiểm trở dường nào. Nơi đây, lịch sử đã ghi năm 1431, vua Lê Thái Tổ thân chinh dẹp giặc Đèo Cát Hãn, để lại bài thơ chữ Hán khắc lên đá núi Pù Hủi Chỏ, Điện Biên. Thơ rằng: Bọn giặc dữ tránh sao trừng phạt/ Dân biên thùy khao khát chờ ta/ Lạ chi thói kẻ gian tà/ Từ nay đất hiểm hóa ra yên lành... (Trần Lê Văn dịch). Và năm 1754, tướng quân Hoàng Công Chất chỉ huy các tù trưởng và nghĩa quân đánh tan giặc Phả cực kỳ gian ác do tên Phạ Chạu Tin Tong cầm đầu. 200 năm sau, năm 1954 nổ ra trận ĐBP “chấn động địa cầu” với cách “đánh chắc, tiến chắc” mà nhà sử học Phan Huy Lê ghi là “một quyết đoán táo bạo, kịp thời biểu thị tài năng, bản lĩnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ trận Bạch Đằng trong chống quân Nam Hán năm 938, trận Như Nguyệt trong chống Tống năm 1077, trận Bạch Đằng trong chống Nguyên năm 1288 đến trận Chi Lăng - Xương Giang trong chống Minh năm 1427, trận Rạch Gầm, Xoài Mút trong chống Xiêm năm 1785, trận Ngọc Hồi - Đống Đa trong chống Thanh năm 1789, không gian và thời gian quyết chiến đều do ta tính toán và chủ động “bày binh bố trận”, tạo nên sự bất ngờ và bị động cho đối phương. Trận ĐBP cũng nằm trong tư duy ấy” (Xưa&Nay số 447, tháng 5/2014). 

Di tích Đồi A1, cứ điểm cuối cùng của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị ta triệt hạ vào chiều 07/5/1954, kết thúc thắng lợi 55 ngày đêm “súng nổ rung trời giận dữ”

Trong bài phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp của nhà báo Pháp Alain Ruscio, có chi tiết: “Khi nào thì ông thay đổi kế hoạch?”, Tướng Giáp trả lời: “Vào phút cuối cùng. Đêm 25 rạng 26 tháng Giêng, tôi đưa ra quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời mình. Tôi còn bị lên cơn sốt. Tôi phải buộc lá thuốc quanh đầu! Tôi không ngừng nhắc đi nhắc lại trong óc câu nói của Bác Hồ: “Chỉ tấn công khi chú chắc thắng. Trong trường hợp ngược lại, hãy từ bỏ”. Sử ghi mệnh lệnh trước đó là “Đánh nhanh, thắng nhanh” và Đại tướng Tổng Chỉ huy chiến dịch ĐBP - Võ Nguyên Giáp đã thay bằng “Đánh chắc, tiến chắc”. Sau này viết sách, Đại tướng nhận định: “ĐBP là một chiến dịch lớn, là một trận đánh diễn ra trên lòng chảo Mường Thanh suốt 55 ngày đêm giao tranh quyết liệt và kết thúc vào ngày 07/5/1954 như một trận quyết chiến chiến lược”... Đại tướng viết tiếp: “Cuộc chiến tranh 30 năm được mở đầu bằng Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, được kết thúc bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 và ĐBP là một cái mốc khẳng định ý chí và sức mạnh của dân tộc Việt Nam chúng ta. Nó là sự kế thừa của Cách mạng Tháng Tám, nó cũng là tiền đề cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau này” (Xưa&Nay số 63b, tháng 5/1999). 

2. Sáng hôm ấy nắng rất tươi, rừng núi Điện Biên quang đãng. Chúng tôi đi sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm ĐBP ở Mường Thanh. Tập đoàn cứ điểm của Pháp để lại nơi đây cả hệ thống đồn bót, trận địa giao thông hào, dây thép gai nhằng nhịt và sân bay,... là những chứng tích sống động được ta bảo tồn để phục vụ khách tham quan du lịch trong nước và nước ngoài. Ai đặt chân tới đây mà không muốn leo lên nóc hầm de Castries (Đờ Cát) - tên viên tướng tổng chỉ huy tập đoàn cứ điểm ĐBP của Pháp. Giữa một khu đất trống nổi lên một nóc hầm dài với mấy lớp bao cát xếp trên các tấm vỉ sắt; trên cùng úp những tấm cover thép kiên cố che cho phần ngầm dưới đất rộng lớn hơn, có đến 4 phòng, mỗi phòng khoảng 10m2 dành cho ban chỉ huy và các bộ phận tham mưu của tập đoàn cứ điểm ĐBP, trong đó có phòng Đờ Cát và nữ thư ký riêng của ông ta là Pô-lin Buốc-giát. Ta nhớ trên đồi Mường Phăng, hầm và lán Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thật đơn sơ. Lán làm việc của Ðại tướng chỉ có cái bàn trải các tấm bản đồ tham mưu. Trên tường, Đại tướng cặp 2 tờ giấy lớn, trên đó Đại tướng vẽ những đồ thị về việc chuyên chở hàng ngày lương thực và đạn dược. Chỉ thế thôi. 

De Castries (thứ 3, phải qua) và toàn ban tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vừa ra khỏi hầm để đầu hàng (Ảnh tư liệu)

Tạp chí Xưa&Nay số tháng 5/2009 có bài của TS Génin Hugo (Pháp), qua bản dịch của Đào Hùng, nhan đề “Ngày 07/5/1954 với các cựu chiến binh quân đội nhân dân Việt Nam ở ĐBP” ghi lại hồi ức của những nhân chứng sống mà tác giả tiếp xúc được, trong đó có Hoàng Đăng Vinh (đại tá hưu trí) kể lại việc chiếm và bắt sống tổng chỉ huy cùng bộ tham mưu ở hầm Đờ Cát. Hoàng Đăng Vinh khi ấy là chiến sĩ chưa tròn 20 tuổi, chạm mặt Đờ Cát: “... Tôi chúc mũi súng xuống phía dưới bụng để không làm Đờ Cát quá sợ. Tôi chỉ biết có 3 chữ “hô lê manh” (giơ tay lên). Ông ta lùi lại. Tôi vẫn gí nòng súng vào bụng ông ta. Đờ Cát giơ tay lên và nói bằng tiếng Pháp nhưng tôi không hiểu ông ấy nói gì (…). Đại đội trưởng của tôi giải thích: Ông ấy nói “Đừng có bắn, chúng tôi đầu hàng”. Đờ Cát bước đi với cái đầu hói ngoẻo qua bên. Phó chỉ huy tập đoàn cứ điểm ĐBP là Đại tá Pi-e Lăng-gle cũng bị ta bắt sống, sau khi trao trả về Pháp, hết dám kiêu căng, ngạo mạn; viết hồi ký ĐBP, thú nhận mình đã sai lầm trong đánh giá đối phương. Theo Lăng-gle, “... bộ đội Việt Minh đã chứng minh phẩm chất tốt đẹp nổi tiếng của họ và đã chiến đấu quyết liệt chưa từng có. Kỷ luật chiến đấu của họ hoàn toàn chặt chẽ... Cuộc chiến đấu giáp lá cà xảy ra ngay lập tức, khiến ta không thể sử dụng pháo binh và không quân yểm trợ...” (Đào Hùng dịch). 

3. Trên hầm Đờ Cát, tôi nhìn xuống thung lũng Điện Biên nằm gọn trong vòng tròn “rừng núi dang tay” hàng hàng lớp lớp làm tôn thêm vẻ đẹp của khuôn mặt một thành phố tươi trẻ, lung linh sắc màu hoa lá núi rừng. Đây từng mệnh danh là “chảo lửa” trong Chiến dịch ĐBP 1954 thiêu đốt quân thù. Cũng từ trên nóc hầm này nhìn xuống cánh đồng Mường Thanh bao la bát ngát một màu xanh lúa. Hơn 4.000ha đất lúa Mường Thanh được coi là trọng điểm lương thực trên vùng Tây - Bắc nước ta. Đặc biệt, nơi đây có giống lúa IR64 chiếm một nửa diện tích toàn cánh đồng này đã làm nên thương hiệu gạo Mường Thanh dẻo thơm bùi ngọt.

Hầm De Castries (mới làm thêm mái che để bảo vệ di tích) (Ảnh: Tôn Thất Hùng, chụp vào tháng 3/2019)

Trên nóc hầm Đờ Cát, tôi nhớ tác giả Hữu Ngọc với bài viết Thế hệ lên đường: Tướng Cao Văn Khánh trên Hồn Việt số 37. Tháng 7/2010 về nhà giáo, nhà trí thức yêu nước vào bộ đội từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945, rồi trở thành tướng trận tài ba nổi tiếng. “Trong cuộc đời tư, anh Cao Văn Khánh không được số phận ưu đãi mấy. Đám cưới của anh ở hầm Đờ Cát hai tuần lễ sau chiến thắng ĐBP, lãng mạn như chuyện cổ tích, là đỉnh cao hạnh phúc đời anh. Anh đã gặp được “ý trung nhân”: Chị Toản, gái Huế học Đồng Khánh, đi giải phóng quân năm 15 tuổi. Đôi bạn đời quý mến nhau, nhưng trong 28 năm vợ chồng, tổng cộng ở với nhau chưa được 8 năm vì anh luôn ở chiến trường, chị là bác sĩ chuyên gia phụ khoa, cũng luôn đi công tác...”. Kèm bài viết có bức ảnh chú rể và cô dâu trong bộ đồ lính trận đứng trên ca bin xe tăng chiến lợi phẩm trí khẩu đại bác vươn nòng lên trời. Trước đó, lễ cưới diễn ra dưới hầm Đờ Cát với rượu và bánh kẹo đều là chiến lợi phẩm có trong căn hầm này. Cưới nhau xong, chú rể phải đi ngay để giải quyết những vấn đề cấp bách còn đọng lại trên bãi sa trường ĐBP./.

Tùy bút của Quang Hảo

Chia sẻ bài viết