Các đại biểu chia sẻ tại hội thảo
Thể hiện vô số khía cạnh hào hùng, bi thương của cuộc chiến
Chuyên gia nhận định rằng, cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta kéo dài hơn 20 năm viết nên trang sử bi hùng của dân tộc và cũng là nguồn cảm hứng cho các tác phẩm nghệ thuật của nước nhà. Những tác phẩm điện ảnh Việt Nam trong nhiều năm đã thể hiện vô số những khía cạnh hào hùng cũng như bi thương của cuộc chiến.
Theo Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam - Nguyễn Thị Thúy Hà, điện ảnh Mỹ là một nền điện ảnh lớn. Nghiên cứu nhân vật trong phim truyện đề tài chiến tranh Việt Nam của điện ảnh Mỹ để hiểu hơn về điện ảnh Mỹ trong xử lý đề tài chiến tranh Việt Nam. Từ đó có cách nhìn khách quan, sâu sắc để xây dựng tốt hơn các tác phẩm điện ảnh đề tài chiến tranh Việt Nam; đồng thời, thấy rõ hơn vị trí, vai trò quan trọng của nhân vật trong tác phẩm nghệ thuật nói chung và trong phim truyện điện ảnh nói riêng.
Hội thảo là hoạt động thuộc khuôn khổ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu của Đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ giai đoạn 2023-2024 Sự vận động của nhân vật trong phim truyện đề tài chiến tranh Việt Nam của điện ảnh Việt Nam và điện ảnh Mỹ sau năm 1975 do Tiến sĩ Ngô Đặng Trà My - Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam, làm chủ nhiệm.
Tiến sĩ Hoàng Như Yến - nguyên Viện trưởng Viện Phim Việt Nam, nhận định, bên cạnh dòng phim truyện đề tài chiến tranh do Việt Nam sản xuất, tồn tại một dòng phim khác thể hiện góc nhìn của các nhà làm phim Mỹ và nước ngoài về cuộc chiến tranh Việt Nam. Những góc nhìn trong phim nước ngoài về chiến tranh Việt Nam rất đa dạng và thay đổi theo từng thời kỳ tùy vào bối cảnh lịch sử.
Chuyên gia cho rằng, dòng phim đề tài chiến tranh Việt Nam của điện ảnh Việt Nam cũng như điện ảnh Mỹ, bằng những cách thức khác nhau đều có tác động tích cực, góp phần thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau để có mối quan hệ bang giao Việt Nam - Mỹ như ngày hôm nay.
Theo nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm, hàng loạt bộ phim lấy chủ đề chiến tranh Việt Nam cho thấy cuộc chiến này để lại một vết sẹo lớn và vẫn tiếp tục đóng một vai trò to lớn trong nền chính trị và văn hóa đại chúng của Mỹ nhiều thập niên qua... “Những bộ phim xuất sắc về đề tài chiến tranh Việt Nam của điện ảnh Mỹ rõ ràng đóng góp một vai trò lớn trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, bắt đầu từ việc nhận diện cuộc chiến ấy một cách chi tiết và cụ thể nhất thông qua những trải nghiệm cá nhân cho đến khi tìm ra được căn nguyên của nó và cuối cùng là tìm cách chữa lành nó” - ông Lê Hồng Lâm nhận định.
Hướng tới các giá trị hòa bình, nhân văn sâu sắc
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Luân Kim - nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, các tác phẩm điện ảnh Mỹ mang điểm chung là phản ánh tương đối trung thực các sự kiện diễn ra tại chiến trường cũng như tại quê nhà của các nhân vật trong phim, nổi bật xuyên suốt là dù tham gia chiến đấu, các nhân vật và quân đội Mỹ nói chung đều mơ hồ về mục đích của cuộc chiến; họ bế tắc trong hành động, buộc phải đương đầu với một cuộc chiến quá khó khăn, ác liệt, không có chính nghĩa. Bằng cách đó, các tác phẩm điện ảnh của Mỹ hoặc vô tình hoặc cố ý đã gieo rắc trong nhận thức cũng như tâm lý người Mỹ một tâm thức chán ghét chiến tranh.
Trong lúc đó, các tác phẩm đề tài chiến tranh của Việt Nam lại phản ánh quân - dân đoàn kết một lòng, hừng hực khí thế xông lên, quyết tiêu trừ giặc xâm lược. Hành động của các nhân vật cá thể cũng như tập thể trong phim Việt Nam đề tài chiến tranh chói ngời truyền thống ngàn đời chống giặc ngoại xâm. Điều đó không chỉ khích lệ, cổ vũ người Việt Nam một lòng thẳng tiến, quyết giành độc lập, tự do mà còn làm cho người Mỹ dần dần hiểu rõ khí thế không thể đảo ngược ý chí của dân tộc Việt cùng truyền thống, lịch sử truyền kiếp của dân tộc Việt.
Theo chuyên gia, các loại hình nghệ thuật, trong đó có điện ảnh đều bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống. Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến kéo dài, ác liệt trong thế kỷ XX. Bằng khả năng phản ánh hiện thực rộng lớn và trung thực, điện ảnh đã phản ánh cuộc chiến ở các góc nhìn đa chiều. Điều này phần nào lý giải sự ra đời những bộ phim điện ảnh đề tài chiến tranh Việt Nam của điện ảnh Việt Nam và điện ảnh Mỹ.
Cánh đồng hoang (đạo diễn Nguyễn Hồng Sến, năm 1979) mô tả lòng dũng cảm và can trường của người dân Việt trong cuộc chiến không cân sức giữa đôi vợ chồng du kích miền Nam giữa sông nước mênh mông và tên lính Mỹ
“Quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia Việt - Mỹ đã được thiết lập và ngày nay đã được nâng cấp quan hệ cao nhất, là một quá trình dài nhiều năm tháng, với nhiều cố gắng thông hiểu của cả hai bên. Trong đó, các tác phẩm điện ảnh của hai bên đã phản ánh, vẽ nên những hình tượng trung thực, góp phần thúc đẩy hai nước hiểu nhau để có mối quan hệ như ngày hôm nay” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Luân Kim nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hà cũng bày tỏ, chiến tranh đã lùi xa, cuộc chiến nào cũng để lại những thương đau cho các bên tham chiến. Hiện thực cuộc sống đi qua lăng kính của nghệ thuật, trở thành một hiện thực khác trong tâm tưởng. Lịch sử là những gì đã “cũ”, đã qua, tuy nhiên “dân ta phải biết sử ta” (Chủ tịch Hồ Chí Minh), đó chính là nền tảng để dân tộc tồn tại và phát triển. Việc nghiên cứu những tác phẩm điện ảnh đề tài chiến tranh như một lời nhắc nhở về một dân tộc với những năm tháng bi hùng, nhắc nhở trân trọng quá khứ, sống xứng đáng với các thế hệ đi trước.
Các tác phẩm điện ảnh của Mỹ và Việt Nam đề tài chiến tranh Việt Nam sản xuất sau năm 1975 có nội dung bám sát hiện thực, với lực lượng sáng tác mới (không chỉ là những người tham gia, trải nghiệm cuộc chiến mà còn có cả những đối tượng ở vị thế đứng ngoài chiêm nghiệm cuộc chiến) và độ lùi lịch sử,... có cách nhìn nhận nhiều chiều, hướng tới các giá trị hòa bình, nhân văn sâu sắc./.
Thùy Trang