Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân có nhiệm vụ quản lý vùng biển, đảo Tây Nam từ cửa sông Gành Hào, tỉnh Bạc Liêu đến Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang với chiều dài bờ biển khoảng 450 km, diện tích vùng biển rộng khoảng 150.000 km2, giáp ranh với vùng biển các nước Campuchia, Thái Lan, Malaixia.
Huấn luyện nội dung cờ tay trong quá trình tuần tra chung. Nguồn ảnh: Văn Định (Vùng 5 Hải quân)
Đây là vùng biển có vị trí đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh đối với các tỉnh, thành Tây Nam Bộ. Để góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, suốt 45 năm qua (26/10/1975-26/10/2020), Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân xác định tăng cường công tác đối ngoại quốc phòng, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc.
Sau 3 hồi còi chào cảng, biên đội tàu 264,265, Hải đội 512, Lữ đoàn 127, BTL vùng 5 Hải quân rời bến thực hiện nhiệm vụ tuần tra chung với Hải Quân Hoàng gia Thái Lan. Đại uý Trịnh Đình Chiến, Thuyền trưởng tàu 264 cho biết, đây là nhiệm vụ rất quan trọng nên ngay từ khi nhận kế hoạch cấp trên giao, toàn thể cán bộ chiến sĩ (CBCS) trên tàu đã tập trung làm công tác chuẩn bị, từ con người đến máy móc, trang thiết bị để đảm bảo chuyến tuần tra an toàn tuyệt đối.
“Thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, mỗi chuyến đi của con tàu có thể coi là hành trình “sứ giả hòa bình” vì tàu đại diện cho lực lượng Hải quân, Quân đội và đất nước, giao lưu với nước bạn. Chính vì vậy, mỗi CBCS trên tàu 264 luôn cảm thấy vinh dự và tự hào vì góp phần bảo vệ an toàn, an ninh trên vùng biển, thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại quốc phòng của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Quân đội, Hải quân Việt Nam với Quân đội và Hải quân Hoàng gia Thái Lan." - Đại úy Trịnh Đình Chiến tự hào nói.
Tuần tra chung với Hải quân Hoàng gia Thái Lan. Nguồn ảnh: Văn Định (Vùng 5 Hải quân)
Theo Thiếu tá Khúc Văn Hậu, Hải đội trưởng Hải đội 512, đến nay, biên đội tàu thuộc Hải đội đã thực hiện 41 chuyến tuần tra chung với Hải quân Hoàng gia Thái Lan. Trong các chuyến tuần tra chung, Biên đội tàu Hải quân 2 nước Việt Nam- Thái Lan phối hợp thực hiện các nội dung huấn luyện trên 6 tuyến với các tình huống khác nhau như huấn luyện cờ tay theo luật tín hiệu quốc tế, huấn luyện đội hình và báo cáo của sỹ quan trực canh; diễn tập tìm kiếm cứu nạn; tổ chức luyện tập theo Bộ quy tắc ứng xử cho cuộc gặp bất ngờ trên biển (CUES); buổi tối hai bên tổ chức huấn luyện sử dụng tín hiệu ánh đèn theo luật tín hiệu quốc tế. Việc luyện tập các nội dung đó giúp Hải quân hai nước trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.
Quá trình phối hợp tuần tra chung, từng lực lượng tổ chức quan sát, phát hiện và kiểm tra các phương tiện hoạt động qua lại vùng biển tuần tra chung theo quy chế. Thường xuyên giữ vững thông tin liên lạc, kết hợp sử dụng cờ tay, cờ hiệu, thông tin vô tuyến điện, ngôn ngữ sử dụng tiếng Anh theo quy luật thông tin tín hiệu Quốc tế để trao đổi những thông tin cần thiết và sẵn sàng phối hợp để xử lý các phương tiện vi phạm theo nguyên tắc, quy chế đã thoả thuận.
Trong thời gian qua, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân Việt Nam và Căn cứ biển Hải quân Hoàng gia Campuchia cũng đã tổ chức tuần tra chung 60 chuyến trên vùng nước lịch sử của hai nước Việt Nam - Campuchia. Trực tiếp tham gia tuần tra chung lần thứ 60 giữa Vùng 5 Hải quân và Hải quân Hoàng Gia Campuchia là tàu 251, Hải đội 512, Lữ đoàn 127.
Vùng 5 Hải quân Việt Nam và Căn cứ biển Hải quân Hoàng gia Campuchia trao biên bản ghi nhớ tại Hội nghị rút kinh nghiệm lần thứ 28. Nguồn ảnh: Văn Định (Vùng 5 Hải quân)
Trung úy Phan Thành Luân, Thuyền trưởng tàu 251 chia sẻ, chuyến tuần tra chung lần thứ 60, cả hai lực lượng đã phối hợp huấn luyện các nội dung vận động đội hình biên đội, tìm kiếm cứu nạn, tổ chức thông tin liên lạc giữa hai bên, cờ tay, ánh đèn và cờ hiệu, góp phần nâng cao khả năng hoạt động trên biển cho cán bộ chiến sỹ trên tàu, tăng cường sự hiểu biết, tin tưởng lẫn nhau, duy trì tốt an ninh, trật tự trên biển.
Trong hai chuyến tuần tra chung, các tàu tham gia tuần tra chung đã tổ chức quan sát, phát hiện hơn 100 lần chiếc tàu, thuyền các loại của ngư dân hai nước Việt Nam - Campuchia hoạt động đánh bắt hải sản trong vùng nước lịch sử. Mặc dù còn nhiều khó khăn thi thực hiện nhiệm vụ trên biển, đặc biệt là nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, xong mỗi CBCS tàu 251 luôn xác định rõ tầm quan trọng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giữ bình yên vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Chuẩn đô đốc Nguyễn Duy Tỷ, Tư lệnh Vùng 5 Hải quân cho biết, đơn vị có nhiệm vụ quản lý vùng biển có vị trí đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh đối với các tỉnh Tây Nam Bộ giáp ranh với vùng biển các nước Campuchia, Thái lan, Malaixia. Vùng biển Tây Nam có khoảng 130 hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó có 5 quần đảo gồm: An Thới, Thổ Chu, Nam Du, Bà Lụa, Hải Tặc và một số đảo độc lập. Ý thức rõ nhiệm vụ, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng luôn quán triệt, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng về công tác đối ngoại quốc phòng, chủ động khắc phục khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Tàu 253 Vùng 5 Hải quân Việt Nam tuần tra chung với Hải quân Hoàng gia Campuchia. Nguồn ảnh: Văn Định (Vùng 5 Hải quân)
Chuẩn đô đốc Nguyễn Duy Tỷ nhấn mạnh: “Đặc thù nơi biển đảo xa xôi, dẫu còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trước tình hình trên biển có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, song suốt chiều dài lịch sử 45 năm qua, Vùng 5 Hải quân luôn kế thừa và phát huy tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, nghĩa tình. Hiện nay Vùng 5 Hải quân được coi là “điểm sáng” trong công tác đối ngoại quốc phòng. Tính đến tháng 9 năm 2020 Vùng 5 Hải quân đã hoàn thành 60 chuyến tuần tra chung và giao lưu với Hải quân Hoàng gia Campuchia, 41 chuyến Hải quân Hoàng gia Thái Lan góp phần tăng cường và củng cố mối quan hệ hợp tác, đoàn kết, hữu nghị, tin cậy, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau xây dựng vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển”.
Các biên đội tàu chiến đấu của Lữ đoàn 127 huấn luyện trên biển. Nguồn ảnh: Văn Định (Vùng 5 Hải quân)
Theo Chuẩn đô đốc Nguyễn Đăng Tiến, Chính ủy Vùng 5 Hải quân, một trong những yếu tố quyết định thành công trong hoạt động đối ngoại quốc phòng của Vùng là chất lượng công tác tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo ngày càng được quan tâm, chú trọng. Để làm được điều đó, Vùng đã chỉ đạo cơ quan chức năng biên soạn, hoàn thiện các nội dung tuyên truyền, đảm bảo vừa đúng đường lối, quan điểm của Đảng, vừa sâu sắc trong lập luận, sâu rộng về nội dung, linh hoạt về hình thức, đa dạng về đối tượng.
Trong đó, khẳng định rõ cơ sở pháp lý, bằng chứng lịch sử về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; phản ánh sinh động, kịp thời ý chí, nguyện vọng và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Quá trình thực hiện, các đơn vị tập trung tuyên truyền cho ngư dân Việt Nam và ngư dân các nước trong khu vực về Luật biển quốc tế; các quy định của pháp luật Việt Nam và các nước về khai thác hải sản; phạm vi vùng biển của các nước; các hiệp định Việt Nam đã ký kết với các nước trong khu vực. Qua đó, góp phần ngăn chặn và hạn chế việc ngư dân của ta khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài, cũng như việc ngư dân các nước vi phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam.
Biên đội tàu 264, 265 Hải đội 512, Lữ đoàn 127 tuần tra trên biển. Nguồn ảnh: Văn Định (Vùng 5 Hải quân)
Hiện nay vùng biển, đảo Tây Nam cơ bản ổn định, tuy nhiên, hoạt động buôn lậu, khai thác hải sản trái phép vẫn tiếp tục xảy ra; thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp. Trong khi đó, các thế lực thù địch tăng cường hoạt động chống phá ta trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xuyên tạc lịch sử, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc và quyết liệt, v.v.
Để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tây Nam, đảm bảo an toàn an ninh vùng biển, cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân hôm nay tiếp tục nỗ lực phấn đấu, trau dồi bản lĩnh chính trị, mài sắc ý chí quyết tâm, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, luôn sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc, xứng đáng với truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng và niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân dành tặng./.
Trước yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, ngày 26/10/1975 Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 141 thành lập các vùng duyên hải, trong đó có Vùng 5. Đến ngày 27/10/1978, Vùng 5 Duyên hải đã được đổi thành Vùng 5 Hải quân, với nhiệm vụ ban đầu được giao: “Là lực lượng nòng cốt trong thế trận chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân trên biển, đảo Tây Nam Tổ quốc. Phòng thủ vững chắc các đảo được giao. Chống địch phong toả đường biển, bảo vệ giao thông trên biển. Tham gia đánh địch đổ bộ đường biển, chi viện cho các đơn vị bạn giữ đảo và bờ biển. Hiệp đồng với các lực lượng vũ trang khác bảo vệ chủ quyền và trật tự trị an trên biển”. Tháng 01/2011, Vùng 5 được nâng cấp lên Bộ Tư lệnh như hiện nay.
Trải qua 45 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển, lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sỹ của Vùng đã không ngừng cống hiến công sức, trí tuệ, mồ hôi, xương máu và cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế, xây đắp nên truyền thống vẻ vang: “Chiến đấu anh dũng; Giúp bạn tận tình; Đoàn kết hiệp đồng; Làm chủ vùng biển”.
|
Theo VOV.VN