Tiếng Việt | English

30/04/2021 - 14:50

Khu di tích Lịch sử Cách mạng tỉnh

Địa chỉ đỏ trong hành trình về nguồn

Có một nơi ghi dấu lịch sử đấu tranh của quân và dân Long An trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; là địa chỉ đỏ trong hành trình về nguồn, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Đó là Khu di tích lịch sử (DTLS) Cách mạng tỉnh, tọa lạc xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.

Một góc Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh

Căn cứ của lòng dân

Khu DTLS Cách mạng tỉnh (hay còn gọi là Khu DTLS Bình Thành) được mệnh danh là căn cứ của lòng dân. Chị Trần Thị Thu Hương - thuyết minh viên Khu DTLS Cách mạng tỉnh, giới thiệu sơ lược về khu di tích. Theo chị Hương, nơi đây là vùng đất trũng thấp nằm giữa 2 con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, địa hình hiểm trở lại tiếp giáp giữa miền Đông và Tây Nam bộ, rất gần với Sài Gòn, khi mở về phía Tây có thể liên kết với chiến khu Đồng Tháp Mười, về phía Đông có thể đến với những chiến khu vùng rừng già Đông Nam bộ, lại liền kề biên giới nước bạn Campuchia. Từ đó, khu vực này trở thành căn cứ bưng biền độc đáo trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, từng là căn cứ của Tỉnh ủy Chợ Lớn và Khu 7 với tên gọi “Quân khu Đông Thành”.

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, một số cán bộ, đảng viên 2 tỉnh Tân An, Chợ Lớn rút lên Bình Thành, thành lập Bộ Tư lệnh Trung Nam bộ. Tháng 8/1957, Xứ ủy thành lập tỉnh Long An trên cơ sở sáp nhập 2 tỉnh Tân An, Chợ Lớn. Ở từng thời kỳ, Tỉnh ủy Long An linh hoạt lãnh đạo cách mạng, lúc ở nhà dân, cất chòi tranh trong bưng trấp, lúc tạm lánh sang Ba Thu hay di chuyển về Đức Hòa, Bến Lức và vùng hạ. Trong đó, địa danh Giồng Ông Bạn, xã Bình Thành là nơi Tỉnh ủy và các cơ quan trực thuộc hoạt động lâu nhất trong kháng chiến chống Mỹ. Các cơ quan: Tuyên huấn, Binh vận, Hậu cần, Quân y,... cũng nằm rải rác trên các gò cao trong căn cứ.

Mặc dù hứng chịu nhiều trận bom, pháo của địch nhưng tại căn cứ này, lực lượng cách mạng đã ngoan cường chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ lãnh đạo, bảo đảm giao thông liên lạc và vai trò hành lang chiến lược. Từ đây, Tỉnh ủy kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng tỉnh nhà đi đến thắng lợi hoàn toàn nhờ sự đấu tranh bí mật, cơ động và tấm lòng yêu thương, đùm bọc của nhân dân. Do vậy, có thể nói, căn cứ Bình Thành là căn cứ của lòng dân. Với những giá trị lịch sử to lớn, năm 1998, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận Khu DTLS Cách mạng tỉnh là Khu DTLS cấp Quốc gia. 

Phó Trưởng ban Quản lý Khu DTLS Cách mạng tỉnh - Phạm Hoàng Trang thông tin: “Nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau, năm 2004, khu di tích được khởi công xây dựng với tổng kinh phí gần 200 tỉ đồng được trích từ nguồn ngân sách địa phương đầu tư cho các hạng mục như đền tưởng niệm, nhà khách - nhà truyền thống, nhà trưng bày,... trên diện tích 20ha. Hiện nay, các hạng mục đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Bình quân mỗi tháng, khu di tích đón khoảng 400 lượt khách đến tham quan”.

Địa chỉ đỏ trong hành trình về nguồn

Tại nhà trưng bày, bức tranh sơn dầu tái hiện quá trình đấu tranh của quân và dân Long An càng thể hiện rõ ý nghĩa 8 chữ vàng mà Long An được phong tặng: “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Em Huỳnh Văn Thức - học sinh Trường Cao đẳng Long An, nói: “Bức tranh sơn dầu tái hiện thật sống động về ý nghĩa 8 chữ vàng Long An được phong tặng. Đó là những hình ảnh tra tấn - tội ác của thực dân Pháp; hình ảnh đoàn míttinh chào mừng Cách mạng Tháng Tám thành công, giành chính quyền về tay cách mạng; chiến đấu của Chi đội Hải ngoại 4 trong trận đánh Giồng Dinh ngày 09/3/1947; đấu tranh chính trị, biểu tình đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ; đánh Mỹ qua hình thức chiến tranh nhân dân; trạm quân y, công binh xưởng tại căn cứ Đám lá tối trời; trong giai đoạn Phân khu 2 và 3 lãnh đạo quân dân Long An thực hiện nhiệm vụ “Bám trụ vùng ven” và chống bình định; thắng lợi của lực lượng vũ trang Long An trong chiến dịch Hồ Chí Minh tại Sài Gòn;... Qua đó, thế hệ trẻ cảm thấy tự hào về truyền thống lịch sử của dân tộc”.

Chị Trần Thị Thu Hương giới thiệu về Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh

Phát huy truyền thống cách mạng trên quê hương anh hùng, tuổi trẻ xã Bình Hòa Hưng ra sức thi đua học tập, lao động để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ đi trước cho nền hòa bình, độc lập dân tộc hôm nay. Bí thư Đoàn xã Bình Hòa Hưng - Nguyễn Thị Ngọc Ngân cho biết: “Nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, hàng tháng, Đoàn xã đều tổ chức cho đoàn viên, thanh niên đến khu di tích dọn vệ sinh và tìm hiểu về lịch sử trên quê hương mình. Khi nhìn thấy các bia ghi danh liệt sĩ, chúng tôi càng cảm nhận sự hy sinh to lớn của những vị anh hùng liệt sĩ. Chúng tôi càng phải nỗ lực nhiều hơn nữa để viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc trong thời đại mới”.

Khép lại hành trình về nguồn tại Khu DTLS Cách mạng tỉnh, thế hệ hôm nay càng ý thức hơn trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết