Nặng nợ với sách cũ
Xuất thân trong một gia đình nghèo, lại đông con ở Sài Gòn, từ nhỏ, bà không được học hành. Thời trẻ, bà cùng gia đình bươn chải nhiều nghề. Sau này, khi có chồng ở huyện Cần Đước, cả hai vợ chồng bắt đầu buôn bán sách cũ. Họ “lê la” qua những công viên lớn tại TP.HCM, nhiều nhất thuộc địa bàn quận 10 để bày bán sách cũ.
Ngày ấy, bạn đọc tìm mua sách cũ khá đông, đủ các đối tượng từ công nhân, viên chức đến học sinh, sinh viên, kể cả những người dân lao động nghèo. Họ tìm mua sách cũ vì một lý do đơn giản: Yêu văn hóa đọc và thích sưu tầm những cuốn sách thời xưa, điều quan trọng hơn là sách cũ được bán với giá rẻ, hợp với túi tiền của sinh viên, học sinh và người lao động. Thời gian đó, công việc của vợ chồng bà Hai rất thuận lợi. Cũng nhờ mua bán sách cũ, vợ chồng bà chăm sóc, nuôi nấng các con và trang trải cuộc sống gia đình.
Thỉnh thoảng, quầy sách cũ nhỏ của bà Hai có khách đến tìm mua. Công việc này của bà Hai kéo dài đến nay được hơn 40 năm
Nhớ lại thời vàng son ấy, bà Hai thở dài: “Một thời vợ chồng tôi ăn nên làm ra nhờ mua bán sách cũ. Sau này vì sự phát triển của báo mạng và xã hội thay đổi, rất ít người tìm mua sách cũ. Buôn bán ế ẩm, chồng tôi chuyển sang chạy xe Honda khách để kiếm thêm tiền. Có những ngày, chúng tôi chở sách ra công viên nhưng không có người mua. Chiều về gặp trời mưa, chồng sách cũ bị ướt hết,... Khi ông ấy bị bệnh và qua đời cách đây 2 năm, không còn ai “đồng hành” nên tôi chuyển về Cần Đước buôn bán”.
Dù chữ nghĩa không nhiều nhưng nhờ bán sách cũ, bà Hai có vốn sống và kinh nghiệm phong phú. Bà kịp nắm bắt những xu hướng của độc giả nên “truy lùng” những loại sách phù hợp với thị hiếu khách hàng. Nếu như ở TP.HCM, bà bán nhiều loại sách, các bộ truyện ngắn, truyện dài nhiều tập, văn học nước ngoài thì khi về Cần Đước, bà chủ yếu bán sách, truyện cổ tích Việt Nam.
Hiện nay, quầy sách cũ nhỏ của bà Hai được chị bán hàng tạp hóa tốt bụng cho để nhờ. “Dì Hai lớn tuổi, không có chỗ buôn bán, cuộc sống khó khăn nên tôi cho dì gửi sách nhờ trong nhà phòng khi trời mưa không bị ướt” - chị Hương - chủ tiệm tạp hóa cho biết.
Không nỡ bỏ nghề
Về chợ Cần Đước, có ngày bán được, có ngày bà cũng không bán được quyển sách nào nhưng bà không nỡ bỏ nghề vì trót... yêu sách cũ. “Gắn bó với nghề cũng lâu, dù có lúc nản lòng nhưng tôi không nỡ từ bỏ. Hơn nữa, bây giờ nhà tôi nhiều sách cũ lắm! Tôi chỉ trưng bày ở đây được một ít thôi, còn lại cất hết ở nhà. Tôi nghỉ bán thì kho sách cũ này biết làm gì? Bán ve chai thì tiếc lắm vì toàn sách hay, bao nhiêu tâm huyết của vợ chồng tôi ngày xưa. Tôi nhớ, hồi trước, chồng tôi cũng là người mê sách cũ, ông ấy cứ đi sưu tầm về vừa bán, vừa đọc. Những cuốn nào hay, ông cất trong tủ. Giờ ông mất rồi, những trang sách cũ cũng vàng úa theo thời gian. Tôi giữ lại những cuốn sách đó để làm kỷ niệm” – bà Cúc tâm sự.
Còn gắn bó với nghề buộc bà phải đi tìm nhiều loại sách cũ phong phú các thể loại để thu hút khách. Cứ như vậy, ngày qua ngày, bà vẫn lặng lẽ bám trụ với việc bán sách cũ. Hiện nay, khách hàng của bà chủ yếu là những mối quen, thích tìm đọc sách cũ. Thỉnh thoảng, vào dịp cuối tuần, bà đón xe buýt về TP.HCM để tìm sách cũ. Sách mua về, bà phân loại theo thể loại, quyển nào rách bìa, bà bao lại, quyển nào cũ quá bà “tân trang” lại nhưng vẫn phải bảo đảm càng nguyên gốc càng tốt.
Công việc dù vất vả nhưng bà cảm thấy vui vì đâu đó vẫn còn những vị khách đến tìm đọc. Sách cũ được bán với giá từ 5.000-10.000 đồng/quyển; cao giá nhất là những sách về khoa học, sách dạy nấu ăn có giá 15.000 đồng/quyển. Trong kho sách cũ của bà hiện có truyện Doremon, cổ tích Việt Nam, tuyển tập vọng cổ của Viễn Châu, những cuốn sách hay viết về phóng sự nghề báo, sách tướng số, phong thủy,... Thậm chí, truyện Bác sĩ Aibôlít của Liên Xô cũ vốn được các bạn nhỏ yêu thích một thời hoặc những sách về đề tài cách mạng, địa danh,... bà vẫn còn lưu giữ. Những loại sách này hiện ở thị trường trở nên khan hiếm.
Lặng lẽ lật từng trang sách, ông Nguyễn Văn Chiến, ở thị trấn Cần Đước cho biết: “Tôi sinh ra trong thời chiến nên không có cơ hội được đọc sách. Vì chật vật mưu sinh nên cũng quên đi sở thích của mình. Đến tuổi xế chiều, những cuốn sách tôi thích không tái bản nữa nên đành tìm sách cũ”.
Sách cũ với người này nhưng lại mới với người khác. Trong thời đại công nghệ thông tin, những tưởng sách cũ dần bị khai tử nhưng nó vẫn lặng lẽ đồng hành cùng người đọc. Và đâu đó trong cuộc sống, sách cũ làm ấm lòng không ít người đọc bằng những giá trị rất riêng!./.
Thanh Nga