Tiếng Việt | English

02/05/2018 - 14:13

Di tích lịch sử cách mạng - Nơi giáo dục lòng yêu nước

Di tích lịch sử (DTLS) cách mạng không chỉ là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt, tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của cha anh ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà còn là bài học lịch sử quý giá, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Đoàn viên, thanh niên thắp hương tưởng niệm tại Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh

Bài học lịch sử sinh động

Toàn tỉnh hiện có 109 DTLS - văn hóa, trong đó có 20 di tích cấp quốc gia và 89 di tích cấp tỉnh. Các DTLS - văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

Khu DTLS Cách mạng tỉnh (xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ) là một trong những địa chỉ đỏ, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Đây là nơi ghi dấu những sự kiện quan trọng và hoạt động của Tỉnh ủy Long An trong công cuộc chống ngoại xâm, đặc biệt là trong kháng chiến chống Mỹ. 

Về thăm khu DTLS hôm nay, các hạng mục: Đền tưởng niệm, nhà khách - nhà truyền thống cơ bản được xây dựng hoàn chỉnh. Dự án Khu DTLS Cách mạng tỉnh có tổng diện tích 98,25ha, trong đó, phần diện tích xây dựng 20,2ha, tổng kinh phí đầu tư gần 183 tỉ đồng. Khu di tích tái hiện một cách chân thực hệ sinh thái tự nhiên, giúp du khách có thể hình dung phần nào vóc dáng của vùng căn cứ xưa.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thị Thủy cho biết: “Khu DTLS Cách mạng tỉnh là 1 trong 20 di tích cấp quốc gia được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm đầu tư tôn tạo và được Đại hội IX Đảng bộ tỉnh xác định là công trình trọng điểm của nhiệm kỳ 2010-2015. Việc phục dựng, tôn tạo khu di tích có ý nghĩa rất lớn trong công tác giáo dục truyền thống, lịch sử, hun đúc lòng yêu nước cho thế hệ trẻ”.

Cùng với Khu DTLS Cách mạng tỉnh, Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” là biểu tượng sinh động cho chủ nghĩa yêu nước, tinh thần bất khuất, đấu tranh anh dũng của toàn dân tộc nói chung và người dân Long An nói riêng.

Ngày 28/4/2010, Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” được hoàn thành và đưa vào sử dụng nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ấn tượng đầu tiên của du khách khi đặt chân đến đây là bị cuốn hút bởi không gian trưng bày được đầu tư khá công phu. Đó là một tổ hợp gồm các hộp hình giới thiệu 8 chuyên đề về những chiến công, dấu ấn tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân, dân tỉnh nhà. Qua đó, tái hiện cuộc chiến tranh nhân dân trên mảnh đất Long An với 2 dòng sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông hiền hòa, bình dị nhưng rất đỗi anh hùng.

Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” là địa điểm được các cơ sở Đoàn chọn tổ chức hoạt động Về nguồn

Ngoài 2 địa danh trên, tỉnh còn nhiều DTLS được các bạn đoàn viên, thanh niên chọn làm nơi tổ chức các hoạt động Về nguồn: Khu DTLS Nhà Tổng Thận; Khu DTLS Vàm Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ), DTLS Ngã tư Rạch Kiến (huyện Cần Đước), Khu Lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (huyện Bến Lức),... Các khu DTLS không chỉ là điểm tham quan có ý nghĩa lịch sử - văn hóa sâu sắc mà còn là những sản phẩm du lịch giá trị, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, 
tinh thần, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương.

Lòng biết ơn của thế hệ trẻ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Thế hệ hôm nay cần hiểu rõ về địa phương, vùng đất đang sinh sống, góp phần bồi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc, phấn đấu rèn luyện bản thân, xây dựng quê hương.

Bí thư Tỉnh đoàn - Bùi Quốc Bảo cho biết, thực hiện Chỉ thị 78 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015-2030”, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh triển khai, thực hiện nhiều công trình, phần việc giáo dục truyền thống lịch sử, tiểu sử các vị anh hùng của dân tộc, tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên giao lưu với những nhân chứng lịch sử và tham quan, về nguồn tại các địa chỉ đỏ trong, ngoài tỉnh;...

“Nhà gần Khu DTLS Cách mạng tỉnh nên em và các bạn thường đến đây tham quan, tìm hiểu về địa điểm lịch sử nổi tiếng này. Em cảm thấy tự hào về nơi mình sinh ra và lớn lên có một DTLS cấp quốc gia” - em Nguyễn Thị Diệu Hiền - học sinh Trường THPT Đức Huệ, huyện Đức Huệ, chia sẻ.

Bí thư Huyện đoàn Đức Huệ - Nguyễn Thị Xuân Lân cho biết: “Các cấp bộ Đoàn trong huyện thường xuyên tổ chức các hoạt động Về nguồn, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ tại Khu DTLS Cách mạng tỉnh. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, giúp các bạn trẻ nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước”.

Đoàn viên, thanh niên tham quan Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh và nghe thuyết minh về nơi ghi dấu những sự kiện quan trọng

Hầu hết DTLS cách mạng trong tỉnh đều được đầu tư kinh phí để xây dựng các công trình tôn tạo: Bia, đài tưởng niệm,... trên cơ sở thực hiện nghiêm túc quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi DTLS văn hóa và danh lam thắng cảnh. “Song song với công tác trùng tu, tôn tạo, việc phát huy tác dụng di tích cũng được sở chú trọng bằng nhiều hình thức: Tuyên truyền, quảng bá, phối hợp các cơ quan chuyên môn kết nối, đưa di tích vào các tuyến du lịch trong dự án phát triển du lịch của tỉnh” - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh. 

Việc gìn giữ, chăm sóc các DTLS trên địa bàn luôn được tỉnh quan tâm. Từ đó, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử địa phương, tự hào truyền thống dân tộc, ra sức học tập, rèn luyện./.

Phong Nhã

 

Chia sẻ bài viết