Tiếng Việt | English

19/08/2021 - 11:00

Đi chợ online sao cho an toàn?

Thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các dịch vụ không thiết yếu, chợ truyền thống,...trên địa bàn tỉnh Long An tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19. Vì vậy, phương thức bán hàng trực tuyến (online) được nhiều cửa hàng lựa chọn.

Các mặt hàng thiết yếu được rao bán trên mạng xã hội, khách đặt mua sẽ được giao hàng đến tận nhà

Một số hàng quán chuyển sang bán online

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều người dân hạn chế ra đường để phòng, tránh lây nhiễm và dần thay đổi thói quen mua sắm. Để thích ứng với tình hình hiện nay, nhiều siêu thị, cửa hàng kinh doanh ăn uống,... trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh kênh bán hàng online thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo,...

Ngày 03/8/2021, Văn phòng Chính phủ có Công văn 5312/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong các chuỗi cung ứng. Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19 vào ngày 02-8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định tình trạng lây nhiễm qua hệ thống phân phối rất đáng báo động. Phó Thủ tướng yêu cầu đối với các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg cần chú trọng tổ chức các điểm phân phối ngoài không gian mở, bảo đảm khoảng cách tiếp xúc.

Hiện nay, ngoài phục vụ khách trực tiếp đến mua hàng, các siêu thị, cửa hàng tiện ích còn đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến, tiếp nhận đơn hàng qua Facebook, Zalo, nhận điện thoại trực tiếp,... sau đó nhân viên sẽ lấy hàng chuyển cho đội ngũ giao hàng mang đến tận nhà cho khách. Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, đội ngũ giao hàng được kiểm tra, theo dõi sức khỏe theo đúng quy định phòng, chống dịch. “Khi giao hàng tại nhà cho khách, chúng tôi cũng tuân thủ quy định về phòng, chống dịch, khử trùng, sát khuẩn khi giao, nhận hàng hóa” - anh Nguyên, quản lý hệ thống Vinmart Long An, thông tin.

Anh Nguyễn Thanh Tâm (chủ một quán ăn tại xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa) cho biết: “Để phòng, chống dịch bệnh, cửa hàng của tôi tạm đóng cửa và chuyển sang bán online trên Facebook. Khi khách đặt hàng, chúng tôi giao tận nhà và đều tuân thủ đúng các nguyên tắc phòng dịch như đeo khẩu trang, găng tay, bảo đảm khoảng cách,... vừa bảo vệ sức khỏe cho mình, vừa an toàn cho khách”.

Thực hiện các quy định về giãn cách xã hội, cơ sở kinh doanh ăn uống của anh Đoàn Thành Kiến (xã Bình Tâm, TP.Tân An) tạm đóng cửa nhưng vẫn nhận giao hàng cho khách quen. “Không sử dụng mạng xã hội nên tôi chỉ phục vụ những khách quen điện thoại trực tiếp đến mua hàng, vì thế lượng khách cũng không đông. Chúng tôi duy trì kinh doanh để trang trải các khoản chi phí sinh hoạt, thuê mặt bằng,... Mong dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi để các hoạt động kinh doanh trở lại bình thường” - anh Kiến chia sẻ.

Các mặt hàng thiết yếu được rao bán trên mạng xã hội, khách đặt mua sẽ được giao hàng đến tận nhà
Trong tình hình dịch bệnh, nhiều cửa hàng thay đổi hình thức bán hàng phù hợp. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho cả người giao hàng lẫn người nhận hàng, cần tuân thủ các quy định trong phòng, chống dịch. Anh Lê Hoài Thương - nhân viên giao hàng tiết kiệm, chia sẻ: “Khi đi giao hàng, chúng tôi đều thực hiện đúng thông điệp “5K”. Ngoài ra, công ty còn xịt khử trùng hàng hóa trước khi nhập kho và chuẩn bị đem giao cho khách hàng”.

Bảo đảm an toàn phòng dịch trong khâu giao, nhận hàng

Gần 2 tuần nay, gia đình chị Lê Phương Thùy (thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ) không đi chợ, những nhu yếu phẩm cần thiết đều được mua online. Chị Thùy cho biết: “Thực hiện khuyến cáo của các cơ quan chức năng, hạn chế ra đường khi không có việc cần thiết, gia đình tôi sử dụng dịch vụ mua sắm online, nhằm hạn chế tối đa việc tiếp xúc chỗ đông người”. Việc thực hiện cách ly toàn xã hội theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, ấp/khu phố cách ly với ấp/khu phố, xã/phường/thị trấn cách ly với xã/phường/thị trấn,… và người dân được yêu cầu hạn chế đi ra ngoài khi không thật sự cần thiết. Vì vậy, rất nhiều hộ dân đã chuyển việc mua sắm theo cách truyền thống sang online.

Các mặt hàng thiết yếu được rao bán trên mạng xã hội, khách đặt mua sẽ được giao hàng đến tận nhà

Chị Nguyễn Kim Hồng (xã Long Trạch, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Ưu điểm của mua hàng online là giúp tôi có thể đặt hàng bất cứ lúc nào mà không phải trực tiếp tới cửa hàng, vừa bảo đảm an toàn, vừa có thể
bảo đảm chất lượng bữa ăn cho gia đình trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp”. Nhưng điều đặt ra là mọi người phải bảo đảm an toàn phòng dịch trong khâu giao, nhận hàng bởi dịch bệnh vẫn có thể lây lan qua chuỗi cung ứng. Khi giao, nhận hàng cần chú ý giữ khoảng cách, khử khuẩn hàng hóa và hạn chế thanh toán bằng tiền mặt. Khách hàng có thể chuyển khoản hoặc thanh toán online qua các kênh khác.

Mua sắm online không phải là hình thức kinh doanh mới nhưng vào thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì đây là cách để mọi người có thể mua lương thực, thực phẩm và những hàng hóa thiết yếu mà không phải trực tiếp đến các cửa hàng, siêu thị, tránh tập trung đông người. Đồng thời, đây cũng là giải pháp giúp các cửa hàng duy trì kinh doanh và chấp hành đúng theo quy định phòng, chống dịch của các cấp chính quyền địa phương./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết