Trầm mình dưới nước, cắt lúa mong giảm thiệt hại cho người dân
Do ở vùng trũng thấp, không có hệ thống đê bao, khi lũ tràn về, 20ha lúa của gia đình ông Nguyễn Văn Thông, ngụ ấp Láng Lớn, xã Thái Trị bị ngập sâu trong nước. Số diện tích lúa này vẫn còn xanh, chính quyền địa phương đưa phương tiện gia cố đê bao, gia đình ông Thông cũng huy động 4 máy để bơm nước ra.
Qua gần 20 ngày chống chọi với lũ, diện tích lúa này đến ngày thu hoạch nhưng ông không mướn được người cắt lúa. Hay tin, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh huy động 100 CBCS Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động, Đồn Biên phòng Long Khốt, huyện Vĩnh Hưng cũng huy động 60 CBCS Đại đội Bộ binh, công an, lực lượng dân quân nhanh chóng xuống địa bàn giúp dân thu hoạch lúa chạy lũ.
Chúng tôi có mặt tại ấp Láng Lớn, xã Thái Trị trong những ngày qua và chứng kiến công việc mà CBCS làm mới thấy được cái tình quân - dân trong lúc này. Như được quán triệt trước, khi đến nơi, mỗi người một nhiệm vụ, bắt tay ngay vào công việc. Đơn vị chia thành từng nhóm, người cắt lúa, người chất lúa lên xuồng, đưa về nơi tập kết, người thì suốt lúa, phơi lúa,...
Có mặt suốt 4 ngày liền để giúp nông dân thu hoạch lúa chạy lũ, chiến sĩ Đặng Thanh Lộc, Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động Bộ đội Biên phòng tỉnh, cho biết: “Việc làm này lúc đầu không quen, nhưng nghĩ đến những mất mát của người dân, chúng tôi cố gắng hết sức nhằm khắc phục phần nào cho người dân và cứ thế, chúng tôi động viên nhau khắc phục khó khăn; tiến độ công việc cứ như thế mỗi ngày một nhanh dần lên”.
Cùng ra quân giúp dân thu gom lúa và chuyển về nơi tập kết, chiến sĩ Trần Thanh Nhàn, Đại đội Bộ binh huyện Vĩnh Hưng, vừa điều khiển chiếc xuồng máy chuyển lúa vào bờ. Anh chia sẻ: “Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông, lúa đến vụ không thu hoạch được thì cuộc sống sẽ rất khó khăn nên dù vất vả nhưng em và đồng đội luôn cố gắng hết sức giúp người dân giảm thiệt hại”.
Sau bữa cơm ăn vội, các anh lại tiếp tục công việc
Đại úy Phạm Khắc Thụ - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Long Khốt, cho biết: “Chúng tôi tổ chức quán triệt để CBCS hiểu được nỗi khổ của người dân hiện tại, chung tay giúp đỡ. Từ đó, CBCS xác định rõ tinh thần trách nhiệm nên giúp dân với tinh thần không ngại khó, ngại khổ, hết việc chứ không hết giờ”.
Đối với gia đình được giúp đỡ thì không còn sự vui mừng nào hơn vì ngay thời điểm khó khăn nhất được sự hỗ trợ quý báu này. Ông Nguyễn Văn Thông chia sẻ: “Nước lũ về sớm, gặp mưa, bão nên nước lên nhanh quá, gia đình tôi trở tay không kịp, may nhờ có bộ đội, công an kịp thời giúp đỡ, giảm một phần thiệt hại. Nếu không có các anh em giúp, chắc vụ này coi như mất trắng!”.
Tình cảm của các CBCS chính là niềm tin,động lực giúp người dân như được động viên và cảm thấy ấm áp hơn rất nhiều trong lúc khó khăn./.
Trung Kiên