Năm nào cũng vậy, cứ đến hè, số trẻ em bị đuối nước lại tăng, nhất là ở vùng nông thôn, nơi có nhiều ao, hồ, sông, suối,... Tai nạn đuối nước ở trẻ em được cảnh báo nhiều nhưng vẫn còn xảy ra ở các địa phương trên cả nước.
Góp phần phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em, từ năm 2018, bơi lội được đưa vào môn học tự chọn và tùy điều kiện, cơ sở vật chất mà các trường tổ chức dạy bơi cho học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các địa phương bố trí ngân sách đầu tư xây dựng bể bơi tại trường hoặc cụm trường; tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn lực khác nhau đầu tư xây dựng bể bơi phục vụ việc dạy bơi. Tuy nhiên, qua một thời gian triển khai, việc dạy bơi cho học sinh chưa phát huy hiệu quả bởi thiếu cơ sở vật chất và cả đội ngũ giáo viên, nhất là ở thành thị không thể bố trí các em đến hồ bơi trong tiết học, trong khi các trường thì không đủ diện tích xây bể bơi. Một số trường tại nông thôn thí điểm xây dựng bể bơi bằng nhựa tại trường để phục vụ việc dạy bơi nhưng cũng chưa hiệu quả. Phần lớn gia đình cho trẻ học bơi vào dịp hè tại các cơ sở dạy bơi tư nhân nhưng số lượng học sinh học bơi cũng không nhiều. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 kéo dài nên 2 năm qua, công tác dạy bơi cho học sinh cũng bị gián đoạn.
Thực tế cho thấy, không phải biết bơi là không bị đuối nước. Có nhiều trường hợp, trẻ em biết bơi nhưng vẫn bị đuối nước khi tắm ở những khu vực nước sâu, có xoáy, bị vọp bẻ hoặc đuối sức khi bơi,... Thế nên, ngay cả khi trẻ đã biết bơi, cha mẹ cũng không được chủ quan để trẻ tắm ao, hồ, sông, suối một mình mà phải có sự quan sát của người lớn. Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn, trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5-2022, cả nước ghi nhận ít nhất 14 trẻ em tử vong do đuối nước. Năm 2021, tại Long An, ghi nhận 9 trẻ tử vong do đuối nước. Phần lớn vụ đuối nước là do các em rủ nhau đi tắm sông, suối, đi chơi gần khu vực có nước và bị trượt chân.
Ở độ tuổi học sinh, các em rất hiếu động, thích khám phá nhưng lại thiếu kỹ năng tự bảo vệ mình và người khác. Có trường hợp, khi chứng kiến bạn bị đuối nước lại lúng túng, không kêu cứu mà tự ý nhảy xuống cứu bạn trong khi bản thân chưa biết bơi hoặc bơi chưa vững, dẫn đến đuối nước. Ở vùng nông thôn, hầu hết cha mẹ đều phải đi làm nên dịp hè, khi không phải đến trường, các em tự chơi đùa, trong đó, tắm sông là một điều thú vị của trẻ. Một số em không biết bơi nhưng vẫn tự ý đi tắm ao, hồ, đi bơi hoặc rủ nhau chơi đùa ở những nơi gần ao, hồ, sông, suối,... mà thiếu sự quan sát của người lớn nên rất dễ xảy ra tai nạn đuối nước.
Dạy bơi cho trẻ là một trong những giải pháp phòng, chống đuối nước hiệu quả. Trách nhiệm dạy bơi cho trẻ trước hết thuộc về phụ huynh. Mùa hè, phụ huynh có thể đưa trẻ đến các lớp dạy bơi. Tuy nhiên, học bơi cũng chưa đủ, các em còn phải được trang bị những kỹ năng cần thiết để khi gặp sự cố thì biết cách ứng phó. Khi biết bơi, phải thường xuyên đi bơi, rèn luyện sức khỏe chứ không phải biết bơi rồi thôi, đến khi gặp sự cố lại không biết cách ứng phó. Vai trò của nhà trường cũng rất quan trọng trong việc dạy bơi và các kỹ năng cho học sinh. Vào dịp hè, các nhà trường có thể phối hợp địa phương, Đoàn Thanh niên và cơ sở dạy bơi mở lớp dạy bơi cho học sinh.
Trước kỳ nghỉ hè năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai bộ tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn phòng tránh đuối nước cho học sinh nhằm nâng cao nhận thức, ý thức để các em biết và tuân thủ các quy định về phòng, chống đuối nước. Bên cạnh đó, nhằm hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ, mỗi gia đình, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần tạo môi trường an toàn cho trẻ, không để trẻ một mình đến những nơi nguy hiểm như ao, hồ, sông, suối,... Tại những nơi nguy hiểm, cần cắm biển báo, dựng rào chắn để cảnh báo các em./.
Tâm Yên