Trung tá Cấn Ngọc Sơn - Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND thị trấnTrường Sa (bên phải), hướng dẫn chiến sĩ cách trồng và chăm sóc cây
Thực vật trên đảo Trường Sa chủ yếu là cây phong ba, bàng vuông, dừa, phi lao, muống biển. Những tháng cuối năm, gió mang hơi muối mặn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc trồng và chăm sóc cây xanh, chăn nuôi, tăng gia sản xuất. Tuy nhiên, vượt lên mọi khó khăn, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân luôn hoàn thành nhiệm vụ để Trường Sa mãi xanh.
Chính quyền địa phương thường tổ chức phát động toàn quân, toàn dân trồng cây; giao nhiệm vụ cụ thể cho công chức, hộ gia đình, trường học,... Các lực lượng đều có khu vực trồng riêng. Khi trồng, đất và cát san hô được làm vụn rồi trộn lẫn vào nhau. Mỗi cây trồng được che chắn kỹ vì ở đây gió rất mạnh, phải kiểm tra hàng ngày. Các khung che được làm bằng gỗ, có lưới bao quanh. Tùy giai đoạn phát triển của cây mà tháo khung che để cây quen dần với điều kiện thời tiết.
Theo Thượng tá Phạm Tiến Điệp - Chính trị viên đảo Trường Sa, khi trồng cây gặp gió muối, trời không có mưa phải tưới nước ngọt để rửa mặn, nếu không cây sẽ chết. Hiện đảo có 9 giếng nước ngọt, vừa phục vụ quân, dân, vừa tận dụng nước sinh hoạt để tưới cây.
Những con đường trên đảo Trường Sa rợp bóng cây xanh
Nhờ quân, dân nhiệt tình, trách nhiệm mà đảo cơ bản được phủ xanh, góp phần điều hòa khí hậu, tạo bóng mát để quân, dân an tâm công tác, sinh sống nơi đầu sóng ngọn gió. Việc ươm, chiết các loại cây ở Trường Sa khó nhiều lần so với đất liền do khí hậu khắc nghiệt. Nhưng với bàn tay khéo léo của các chiến sĩ, hàng ngàn cây xanh đã đâm chồi. Hiện tại, đảo Trường Sa có diện tích vườn ươm 150m2 để ươm giống gửi các đảo còn ít cây. Trung úy Lê Như Dũng chia sẻ: “Tôi rất tự hào khi làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa. Tôi yêu mảnh đất, con người và cả cây cối nơi đây. Khi sử dụng nước ngọt, tôi và đồng đội tiết kiệm, dành ra một phần tưới cây để hòn đảo luôn xanh tươi, xinh đẹp”.
Chiến sĩ đảo Trường Sa tăng gia sản xuất
Đến đảo Trường Sa và các đảo khác, rất dễ nhìn thấy những vườn rau tươi tốt. Cách trồng và chăm sóc rau cơ bản giống như các loại cây lâu năm. Nơi đây có nhiều loại rau như mồng tơi, rau muống, bầu, bí,... Trước đây, rau chủ yếu để nấu canh nhưng nay đã có dư để chế biến nhiều món theo ý thích, quân và dân đã tự cung cấp được 100% nhu cầu rau xanh. Năm 2023, đảo tăng gia được gần 15 tấn rau xanh, gần 3 tấn giá. Năm 2024, đảo hỗ trợ các tàu cá của ngư dân gần 1,3 tấn rau các loại. Ngoài ra, đảo còn trồng được một số cây ăn quả như hồng xiêm, chà là, trứng cá.
Ngoài trồng cây, các loại rác thải dạt vào bờ được cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tổ chức thu gom; thực hiện phong trào Thứ bảy tình nguyện, Chủ nhật xanh; khu vực hoạt động của bộ đội đều có “ngôi nhà xanh”. Sau khi thu gom, rác thải rắn sẽ được đóng bao, niêm phong, gửi tàu vào đất liền để xử lý, có biên bản bàn giao cho đất liền. Nội dung này được chính quyền địa phương làm rất chặt chẽ, thường xuyên, góp phần bảo vệ môi trường cho đảo Trường Sa. Khi có tàu cá của ngư dân neo đậu trong âu tàu, chính quyền địa phương đều tuyên truyền để họ giữ gìn môi trường bằng nhiều hình thức khác nhau.
Sau gần 50 năm giải phóng, đảo Trường Sa cũng như nhiều đảo khác đã "khoác" lên mình "tấm áo" xanh tươi. Trường Sa xanh trở thành một phần máu thịt, là điều thiêng liêng trong trái tim người Việt Nam để khi nhắc đến, ai cũng tự hào, yêu quý./.
Châu Thanh