Tiếng Việt | English

03/06/2021 - 09:42

Để trẻ em an toàn trước nạn xâm hại

Nạn xâm hại trẻ em (XHTE) gây bức xúc trong dư luận xã hội. XHTE thậm chí xảy ra ngay tại gia đình, nhà trường và cơ sở chăm sóc trẻ. Đây là sự báo động đòi hỏi các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa trong việc giáo dục đạo đức, lối sống và từng gia đình phải quan tâm bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh cho trẻ (Ảnh tư liệu minh họa)

Hồi chuông cảnh tỉnh

Từ đầu năm 2021 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh ghi nhận 1 trường hợp học sinh Trường THCS Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng bị xâm hại. Theo báo cáo của Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Lợi, vào khoảng 22 giờ ngày 05/3/2021, em Nguyễn Thị Như Lan(*) (lớp 7) đang ở nhà một mình thì có một thanh niên lẻn vào thực hiện hành vi xâm hại. Một số người đang uống cà phê ở quán gần đó phát hiện, báo cho ông ngoại của em. Bị phát hiện, thanh niên này bỏ chạy để lại chiếc xe gắn máy. Gia đình em trình báo Công an xã Vĩnh Lợi và qua làm việc được biết thanh niên này là Phạm Minh Tuấn có hộ khẩu tại ấp Cầu Tranh, xã Bình Tân, thị xã Kiến Tường, là thợ xây dựng. Hiện tại, công an thụ lý vụ việc để xác minh, điều tra, làm rõ.

Được biết, năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 43 vụ liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE), riêng tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi xảy ra 10 vụ. Tuy nhiên, đây chỉ là con số đã được đưa ra ánh sáng, trên thực tế, một lượng lớn vụ việc chưa được xử lý vì gia đình, nạn nhân không tố giác hoặc vì e ngại thông tin sẽ ảnh hưởng trẻ em trong gia đình.

Đối tượng XHTE có thể là người lạ, người quen, thầy giáo, thậm chí là người trong gia đình, có quan hệ huyết thống cha - con,… Dư luận vẫn còn bàng hoàng và phẫn nộ khi một số trẻ bị chính người thân xâm hại. Đây là một tội ác, không thể chấp nhận được trong xã hội văn minh. Nó đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn XHTDTE đang ở mức báo động.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tội phạm nêu trên là công tác truyền thông giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa tốt. Trẻ em chưa được định hướng dẫn đến thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng, tránh bị XHTD. Cha mẹ ít quan tâm dạy con kỹ năng tự bảo vệ và đôi khi vì e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con mình nên cũng không mạnh dạn tố giác kẻ phạm tội.

Nâng cao cảnh giác

Hiện nay, không chỉ bé gái mà ngay cả bé trai cũng có thể trở thành nạn nhân bị XHTD. Việc này ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ. Nhiều phụ huynh, thậm chí cả cơ quan quản lý cũng chưa có cái nhìn đầy đủ về việc XHTDTE.

Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh -  Đỗ Thị Kim Thắm, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan quản lý, nhà trường, xã hội thì cha mẹ chính là người giáo dục kiến thức, hướng dẫn, trang bị kỹ năng phòng vệ cho trẻ một cách hiệu quả nhất.

Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh, chị Thắm có những lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh. Cha, mẹ hay người chăm sóc trẻ cần quan tâm, nhận ra những dấu hiệu khác thường của trẻ để bảo vệ trước khi quá muộn. Đặc biệt, nâng cao cảnh giác với những người khác giới mà con mình tiếp xúc, kể cả người thân trong gia đình. Cha, mẹ, người thân và giáo viên cần dạy trẻ một số bộ phận cơ thể là "bất khả xâm phạm".

Trong trường hợp bị xâm hại, phụ huynh cần bình tĩnh, nhanh chóng trình báo cơ quan công an xử lý, không vì mặc cảm, xấu hổ và sợ hãi mà không tố cáo các hành vi XHTE, gây khó khăn trong công tác điều tra.

Về phía giáo dục, ngành xác định xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phòng, chống XHTD, XHTE là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Ngay từ đầu mỗi năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, các trường tiếp tục thực hiện mô hình Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền Luật Trẻ em năm 2016, giáo dục pháp luật về giới, quyền trẻ em, lồng ghép các nội dung vào cuộc sinh hoạt ngoại khóa, các tiết sinh hoạt dưới cờ hay bản tin,... nhằm nâng cao kiến thức cho các em. Đặc biệt, ngành quan tâm quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn, có nhiều khả năng bị xâm hại.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - Phan Thị Dạ Thảo thông tin, nếu như các cơ quan bảo vệ pháp luật, gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội cùng chung tay thực hiện các giải pháp thì trẻ em sẻ được chăm sóc, bảo vệ tốt hơn./.

"Tôi có 2 con (bé trai 4 tuổi và bé gái 2 tuổi). Để bảo vệ con mình, khi con lên 3, tôi mua nhiều sách về giáo dục giới tính cho trẻ rồi đọc cho các con nghe, để các con hình thành ý thức cũng như biết cách bảo vệ bản thân mình”.

  Chị Huỳnh Thị Thúy Phương (xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành)

 

"Theo tôi, các bậc phụ huynh phải thay đổi suy nghĩ của chính mình. Ở mỗi gia đình, ông bố, bà mẹ hãy cùng con chia sẻ kiến thức về giới tính theo từng độ tuổi. Đặc biệt, phụ huynh cần trò chuyện nhiều hơn, làm bạn với trẻ, cung cấp kiến thức cũng như chia sẻ những vấn đề “nhạy cảm” để các con có thể tự tin làm chủ bản thân, tránh những rủi ro như bị xâm hại tình dục”.

Chị Nguyễn Thị Kim Hằng (xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa) 

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.

Hà Lan

Chia sẻ bài viết