Tiếng Việt | English

30/06/2021 - 08:38

Để Luật Đất đai 2013 đi vào thực tế cuộc sống (Bài 2)

Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, tạo sự thống nhất, đồng bộ chung trong quá trình triển khai, thực hiện các công việc, nhiệm vụ liên quan, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực chuyên ngành, tạo động lực, thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng trên địa bàn, Luật Đất đai vẫn còn những vướng mắc, hạn chế nhất định. Long An kiến nghị, đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số quy định, điều khoản để Luật Đất đai năm 2013 phù hợp, sát thực tiễn và đi vào thực tế cuộc sống.

Bài 2:  Vẫn còn bất cập

Mặc dù Luật Đất đai (LĐĐ) năm 2013 được triển khai, thực hiện trên địa bàn tỉnh Long An đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng quá trình thi hành luật vẫn còn những vướng mắc, hạn chế nhất định, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên đất đai tại địa phương.

Một số quy định còn chưa phù hợp gây khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (ảnh minh họa)

Vướng mắc

Tỉnh đã đạt những kết quả rất lớn trong quá trình triển khai LĐĐ, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH địa phương. Tuy nhiên, quá trình thi hành LĐĐ tại một số địa phương trên địa bàn còn gặp những vướng mắc, hạn chế nhất định. Một số quy định, điều khoản chưa phù hợp với thực tế, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai.

Dù kết quả thi hành LĐĐ tại địa bàn thị xã Kiến Tường khá khả quan nhưng hiện nay, địa phương vẫn còn những tồn tại, bất cập khi thực hiện. Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thị xã Kiến Tường - Huỳnh Thanh Tâm cho biết: “Hiện nay, thị xã gặp khó khăn liên quan đến việc tách thửa khi chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính (còn nợ tiền sử dụng đất (SDĐ)); quy định về thủ tục chuyển mục đích SDĐ. Theo đó, việc lập hồ sơ, thủ tục chuyển mục đích SDĐ từ đất rừng sang đất ở cho các hộ dân theo quy định phải qua rất nhiều công đoạn: Lập, trình hồ sơ về Sở TN&MT và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau đó các đơn vị thẩm định, tiếp tục trình UBND tỉnh xem xét, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh cho chủ trương, phê duyệt. Quá trình thực hiện thường kéo dài, có khi thời gian lên đến cả năm, trong khi yêu cầu của nhiều hộ xin chuyển mục đích SDĐ với diện tích rất nhỏ, có khi dưới 100m2; điều này gây ra khó khăn cho người dân cũng như trong công tác quản lý nhà nước”.

Tương tự, huyện Bến Lức cũng gặp một số vướng mắc khi triển khai, thực hiện LĐĐ. Thông tin từ UBND huyện Bến Lức, một số quy định và các văn bản hướng dẫn thi hành LĐĐ, địa phương còn lúng túng, khó khăn khi triển khai. Một số chỉ tiêu SDĐ, kế hoạch SDĐ chưa được thực hiện đúng theo thời gian, kế hoạch đề ra, làm ảnh hưởng đến một số quyền của người SDĐ. Nguyên nhân chủ yếu do phần lớn chủ đầu tư triển khai chậm tiến độ hoặc không đủ năng lực về tài chính, một số người dân không chấp nhận giá đất bồi thường; thời gian đưa chỉ tiêu diện tích đất lúa trên 10ha vào kế hoạch SDĐ hàng năm rất khó xác định vì phải chờ cấp Trung ương chấp thuận chỉ tiêu. Các quy định, hướng dẫn về tách thửa còn chưa phù hợp với thực tế tại địa phương. Thời gian qua, việc tách thửa, nhất là tách thửa tặng, cho từ cha mẹ cho con bị một số người dân lợi dụng làm manh mún đất đai. Một số thửa tách ra có diện tích rất nhỏ sẽ gây khó khăn trong cấp phép xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng sau này.

Trưởng phòng TN&MT huyện Đức Hòa - Phan Văn Tâm cho biết: “Địa phương cũng gặp một số khó khăn khi triển khai LĐĐ trên địa bàn, nhất là LĐĐ và Thông tư 30 của Bộ TN&MT chỉ nói việc xác định diện tích chuyển mục đích SDĐ của hộ gia đình, cá nhân là chỉ xác định theo nhu cầu, không nói rõ diện tích tối đa là bao nhiêu mét vuông, do đó rất khó cho cán bộ chuyên muôn khi đi thẩm tra thực địa. Bên cạnh đó, các dự án, (DA) công trình SDĐ lúa diện tích trên 10ha theo quy định tại khoản 1, Điều 58 LĐĐ năm 2013 phải trình Thủ tướng Chính phủ; trong khi thời gian UBND tỉnh trình Bộ TN&MT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến lúc Thủ tướng Chính phủ có văn bản chấp thuận khá dài làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các DA trên địa bàn.

Một số quy định chưa phù hợp

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT - Nguyễn Văn Thông, quá trình thi hành LĐĐ năm 2013 trên địa bàn tỉnh, Sở ghi nhận từ các địa phương vẫn còn một số quy định, điều khoản chưa phù hợp thực tế, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về đất đai. Trong đó, thời gian phê duyệt quy hoạch SDĐ cấp tỉnh chậm do chờ quy hoạch SDĐ cấp quốc gia được Quốc hội thông qua mới phân bổ cho cấp tỉnh. Vì vậy, làm ảnh hưởng đến việc lập quy hoạch, kế hoạch SDĐ của cấp huyện.

Đối với quy hoạch SDĐ giai đoạn 2021-2030 cấp huyện đã hoàn thành dự thảo. Tuy nhiên, do quy hoạch SDĐ cấp quốc gia, quy hoạch tỉnh chưa được hoàn thành và phê duyệt, do đó khả năng phát sinh không thống nhất giữa các cấp sau khi các quy hoạch trên được phê duyệt.

Bên cạnh đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn, kéo dài dẫn đến việc triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng chậm, tạo ra nhiều phản ứng do đa phần vốn triển khai, thực hiện DA đều là vốn vay làm ảnh hưởng lớn đến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (chỉ số PCI).

Hiện nay, tỉnh tiếp nhận đầu tư nhiều DA có SDĐ lúa với diện tích trên 10ha, căn cứ theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 58 LĐĐ năm 2013, phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Tuy nhiên, việc xin chủ trương Chính phủ mất nhiều thời gian (từ 6 tháng đến 2 năm). Nguyên nhân do Bộ TN&MT chủ trì lấy ý kiến chấp thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận. Điều này ảnh hưởng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, làm chậm tiến độ triển khai DA, gây bức xúc.

Việc quản lý, sử dụng hồ sơ địa chính đã lập còn một số tồn tại như việc sử dụng nhiều nguồn tư liệu, tài liệu và kể cả việc sử dụng phương pháp điều vẽ từ ảnh hàng không để thành lập bản đồ địa chính phục vụ công tác kê khai, đăng ký và cấp giấy chứng nhận trước đây gây ra nhiều sai sót về ranh giới thửa đất, hình thể thửa đất, cấp sai vị trí thửa đất; đánh giá chất lượng hồ sơ địa chính đã lập trước đây thiếu tính đồng bộ, chưa thống nhất, việc cập nhật, chỉnh lý biến động ở 3 cấp chưa kịp thời và hiệu quả sử dụng, độ chính xác chưa cao.

Đồng thời, hiện nay, việc xác định giá đất để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính gặp bất cập khi việc xác định dựa trên giá trị khu đất tính theo bảng giá đất (trên dưới 20 tỉ đồng). Giá đất để bồi thường cho người dân bị thiệt hại do thu hồi đất trong các DA là giá thị trường. Trong khi đó, giá đất để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính (khu đất có giá trị dưới 20 tỉ đồng) lại tính theo giá đất tại bảng giá đất nhân hệ số điều chỉnh. Điều này gây ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách vì thực tế giá đất tại bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành và hệ số điều chỉnh giá đất do UBND tỉnh ban hành hàng năm chưa bảo đảm phù hợp sát với giá đất thực tế trên thị trường (do tình hình biến động tăng cao). Các phương pháp xác định giá đất có nhiều hạn chế, một số nội dung không rõ ràng, việc thực hiện còn nhiều vướng mắc; đồng thời, chưa có hướng dẫn cụ thể về phương pháp, kỹ thuật định giá đất nên gặp khó khăn khi xác định giá cụ thể.

Mặt khác, một số quy định khác vướng mắc khác liên quan đến DA có sử dụng đất trồng lúa; lập thủ tục đất đai đối với các trường hợp kiểm đếm vắng chủ, kiểm đếm bắt buộc; về việc xác định hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; về quản lý, sử dụng quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích; hủy giấy chứng nhận quyền SDĐ; về công tác định giá đất; về giải quyết tranh chấp đất đai; việc khiếu nại đòi lại đất cũ,...

Ngoài ra, một số quy định còn chồng chéo giữa LĐĐ với một số luật khác nên ít nhiều cũng gây ra những khó khăn nhất định trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai./.

"Quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn tỉnh, Sở ghi nhận từ các địa phương vẫn còn một số quy định, điều khoản chưa phù hợp thực tế, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về đất đai”.

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT - Nguyễn Văn Thông

(còn tiếp)

Bài 3: Cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết