Tiếng Việt | English

19/03/2018 - 15:29

Để lao động nông thôn có việc làm, thu nhập ổn định sau học nghề

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), tạo điều kiện cho các học viên có việc làm ổn định sau khi học nghề được xem là biện pháp giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, công tác này còn nhiều khó khăn, cần được tháo gỡ.

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tế

Hiện nay, nhu cầu học nghề của LĐNT rất cao. Sau khi học nghề, LĐNT có thể ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, tự tạo việc làm, tăng thu nhập. Năm 2017, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các cấp, các ngành và địa phương tạo điều kiện cho trên 5.500 LĐNT học nghề (đạt trên 100% kế hoạch), trong đó, mở 135 lớp đào tạo nghề nông nghiệp và 51 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp.

Tân Trụ là một trong những huyện tổ chức tốt các lớp đào tạo nghề cho LĐNT. Năm 2017, huyện mở 11 lớp dạy nghề cho LĐNT gồm: 10 lớp kỹ thuật trồng thanh long theo hướng VietGAP và 1 lớp kết hoa vải, có 359 người tham gia. Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Trụ - Võ Tấn Châu cho biết: “Đầu năm, ngành phối hợp các địa phương rà soát, lập danh sách những người có nhu cầu học nghề và ngành nghề đào tạo để tổ chức các lớp dạy nghề phù hợp. Qua khảo sát, nhiều người có nhu cầu học về kỹ thuật trồng thanh long theo hướng VietGAP nên huyện tổ chức các lớp học giúp nông dân biết cách phòng, chống dịch bệnh, tăng năng suất cho thanh long”.

Sau khi tham gia lớp kỹ thuật trồng thanh long theo hướng Vietgap, gia đình ông Nguyễn Văn Lòng biết cách chăm sóc giúp tăng năng suất thanh long

Năm 2014, ông Nguyễn Văn Lòng, ngụ ấp Bình Lợi, xã Đức Tân, chuyển 7.000m2 đất trồng lúa sang trồng thanh long nhưng do chưa nắm được kỹ thuật nên thanh long cho năng suất thấp. Sau khi tham gia lớp kỹ thuật trồng thanh long theo hướng Vietgap, ông biết cách phòng, trị bệnh cho cây ngay từ đầu mùa, tỉa bông để cây cho trái to, bán có giá. Nhờ có thu nhập ổn định từ cây thanh long, gia đình ông xây được ngôi nhà khang trang.

Bà Nguyễn Thị Ren có việc làm ổn định sau khi học nghề

Còn bà Nguyễn Thị Ren, ngụ ấp 3, xã Phước Tuy, huyện Cần Đước, nhờ tham gia lớp học cấp dưỡng mà có việc làm ổn định. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, một mình phải làm thuê nuôi 3 đứa con, sau khi tham gia lớp cấp dưỡng, bà Ren được giới thiệu vào làm việc trong nhóm nấu ăn với thu nhập 300.000 đồng/ngày. Với số tiền đó giúp bà Ren trang trải cuộc sống gia đình.

Còn nhiều khó khăn

Đào tạo nghề cho LĐNT góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, công tác này còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu. Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cần Giuộc - Võ Đình Xương thông tin: “Trước đây, huyện mở một số lớp dạy nghề đan giỏ nhựa, làm hoa giấy,... Ban đầu, doanh nghiệp xuống tận nơi, giao hàng cho học viên gia công nhưng vì thu nhập thấp nên việc gia công không được duy trì. Ngoài ra, những gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo rất ít tham gia các lớp dạy nghề bởi họ phải dành thời gian mưu sinh; một số nghề thời gian đào tạo rất ngắn, tay nghề người lao động chưa cao nên không thể tìm việc làm với nghề đã học; một số nghề lại không có giáo viên giảng dạy,...”.

Bà Trần Thị Huỳnh Như, ngụ xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, chia sẻ: “Trước đây, tôi tham gia lớp may công nghiệp. Sau khi kết thúc khóa học, tôi nhận may wtúi xách gia công, thu nhập bình quân 100.000 đồng/ngày. Số tiền đó ít hơn nhiều so với việc cấy lúa thuê. Vì vậy, những lúc không có việc làm, tôi mới nhận hàng về may gia công”.

Để công tác đào tạo nghề cho LĐNT mang lại hiệu quả cao, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, các cấp, các ngành cần thu hút doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các học viên có việc làm và thu nhập ổn định sau khi học nghề./.

Thiên Minh

Chia sẻ bài viết