Tiếng Việt | English

25/11/2021 - 16:55

Để không ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch

Dù đối mặt với nhiều khó khăn về nhân lực và kinh phí nhưng các cấp, các ngành và toàn xã hội luôn quan tâm chăm lo cho người nghèo bằng nhiều hành động, việc làm thiết thực để không ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch Covid-19.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Thanh Hải tặng túi “An sinh - ấm tình Công đoàn” cho đoàn viên, người lao động tại huyện Bến Lức

Huy động nhiều nguồn lực cùng tham gia

Long An là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch Covid-19 lần 4. Thế nhưng, càng trong gian khó, hoạn nạn, người dân của mảnh đất “trung dũng kiên cường” lại càng phát huy tinh thần “tương thân, tương ái” của dân tộc. Điều này được minh chứng qua các gói an sinh xã hội từ Trung ương đến địa phương được triển khai nhanh chóng, kịp thời, minh bạch. Trong đó, ngay sau khi Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 có hiệu lực, tỉnh nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ này.

Các địa phương trong tỉnh chủ động ứng kinh phí hỗ trợ người bán vé số, rà soát nhanh các ngành, nghề lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để tiếp tục hỗ trợ. Thời gian đó, cán bộ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội làm việc gấp 2-3 lần so với ngày thường, không phân biệt thứ bảy, chủ nhật.

Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An - Nguyễn Thị Thanh Tuyền thông tin: “Đối tượng bán vé số đa số là người nghèo, làm ngày nào chi tiêu ngày đó. Vì vậy, ngay khi có chủ trương chi tiền hỗ trợ người bán vé số thuộc nhóm lao động tự do, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện ứng ngân sách huyện để giải ngân ngay; đồng thời, phối hợp các trưởng ấp, khu phố đến tận nhà trao tiền hỗ trợ cho người dân với phương châm “tiền đến tay người dân càng sớm càng tốt””.

Không chỉ là “điểm sáng” trong thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh còn huy động tốt các nguồn lực chăm lo cho người nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương và đẩy lùi dịch Covid-19.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai khẳng định: “Đợt dịch thứ 4 bùng phát, tỉnh xuất hiện rất nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong việc chăm lo cho người nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương như mô hình Phiên chợ 0 đồng, Đường dây nóng hỗ trợ người dân gặp khó do Covid-19,... Đến đầu tháng 11/2021, tỉnh vận động xã hội hóa trên 190 tỉ đồng thực hiện các hoạt động an sinh xã hội ở địa phương”.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai (bìa phải) trao tiền hỗ trợ trẻ em mồ côi do Covid-19

Tiếp tục đồng hành

Hiện nay, tỉnh cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, các hoạt động dần trở lại trạng thái “bình thường mới”. Song, địa phương vẫn tiếp tục nỗ lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, trong đó có người nghèo tái sản xuất sau dịch.

Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Long An (Cơ sở chính) - Lê Minh Tâm cho biết: “Hiện nay, trường phối hợp GIZ mở hơn 10 lớp đào đạo ngắn hạn như hàn, cơ điện tử, điện công nghiệp, cắt gọt kim loại, công nghệ ôtô, lắp đặt và bảo trì,... cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, với thời gian đào tạo 4 tuần, tương đương 120 giờ/tháng.

Khi tham gia học nghề, học viên (HV) được hưởng đầy đủ các quyền lợi. HV nam sau khi hoàn thành khóa học sẽ nhận học bổng 2 triệu đồng/HV, tiền đi lại 500.000 đồng/tháng và hỗ trợ tiền ăn trưa 80.000 đồng/ngày. HV nữ sau khi hoàn thành khóa học được nhận học bổng 2,5 triệu đồng/HV và người khuyết tật nhận 3,5 triệu đồng/HV, các khoản hỗ trợ còn lại tương tự HV nam. Sau khi các HV hoàn thành khóa học, Trường Cao đẳng Long An sẽ cấp giấy chứng nhận nghề và cam kết giới thiệu việc làm cho các HV trong các công ty, doanh nghiệp”.

Ngoài thiệt hại về kinh tế, dịch Covid-19 còn gây nhiều đau thương, mất mát, nhất là đối với trẻ em có cha hoặc mẹ hay cả cha, mẹ mất do Covid-19. Chia sẻ và đồng cảm với những hoàn cảnh này, tỉnh kêu gọi các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chăm sóc thay thế bằng việc nhận đỡ đầu đến khi các em trưởng thành. Được biết, hiện nay, hầu hết trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có cha hoặc mẹ hay cả cha lẫn mẹ mất do Covid-19 đều được nhận đỡ đầu đến khi trưởng thành.

Nhằm chia sẻ với người lao động, công nhân có hoàn cảnh khó khăn sau dịch Covid-19, Liên đoàn Lao động tỉnh trao 100.000 túi “An sinh - ấm tình Công đoàn” cho đoàn viên, người lao động. Mỗi túi an sinh gồm 200.000 đồng tiền mặt và 5kg gạo hoặc nhu yếu phẩm, trị giá 100.000 đồng, với tổng kinh phí hỗ trợ tiền mặt là 20 tỉ đồng từ nguồn tài chính Công đoàn tích lũy. Riêng nguồn gạo hoặc nhu yếu phẩm cần thiết do các địa phương vận động xã hội hóa để hỗ trợ.

Bằng nhiều hành động, việc làm thiết thực, tỉnh thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, góp phần sớm phục hồi kinh tế, ổn định đời sống người dân./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết