Tiếng Việt | English

28/09/2020 - 16:29

Đẩy mạnh việc thực hiện Luật phòng chống tác hại của rượu, bia

Sử dụng rượu, bia gây ra một số tác hại khác diễn ra từ từ và kéo dài như ung thư, bệnh lý tim mạch, xơ gan, rối loạn tâm thần, sa sút trí tuệ...


Đại diện Bộ Y tế phổ biến các quy định chi tiết một số điều của Luật phòng chống tác hại của rượu bia. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, rượu, bia đứng thứ 5 trong số 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh mãn tính. Việc sử dụng rượu, bia là một trong những yếu tố nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm gia tăng.

Tại hội nghị triển khai một số văn bản pháp luật hướng dẫn Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia diễn ra ngày 28/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh trước thực trạng trên, ngành y tế cần phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương khác đẩy mạnh việc thực hiện phòng chống tác hại của rượu, bia.

Theo ông Tuyên, trong giai đoạn vừa qua, ngành y tế đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, trở thành một điểm sáng trong thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững, được quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh việc đối phó với những bệnh truyền nhiễm, xử lý các vấn đề của bệnh không lây nhiễm luôn là một khó khăn của ngành y tế.

Sử dụng rượu, bia gây ra một số tác hại khác diễn ra từ từ và kéo dài như ung thư, bệnh lý tim mạch, xơ gan, rối loạn tâm thần, sa sút trí tuệ, ngộ độc bào thai do bà mẹ sử dụng rượu, bia... Uống rượu, bia không kiểm soát được còn gây tổn hại đến các mối quan hệ trong gia đình, xã hội, làm suy giảm chất lượng nhân lực, chất lượng dân số, phá vỡ các mối quan hệ gia đình, xã hội.

Chính vì vậy, rượu, bia là loại hàng hóa được hầu hết các quốc gia đưa vào kiểm soát chặt chẽ và không khuyến khích tiêu dùng.

Tại Việt Nam, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 với mục đích phòng, tránh, giảm thiểu các hậu quả về sức khỏe, xã hội và kinh tế do sử dụng rượu bia gây ra.

Để Luật này đi vào cuộc sống, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho hay cần có sự vào cuộc của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, sự đồng thuận mạnh mẽ của nhân dân và các địa phương cần thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống tác hại của rượu, bia để phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho từng cấp, ngành và xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung của Luật, Nghị định của Chính phủ.../.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết