Tiếng Việt | English

27/09/2017 - 01:20

Đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân

Thời gian qua, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tỉnh Long An huy động được nguồn lực lớn từ nhân dân. Hàng trăm ngàn mét vuông đất được người dân tự nguyện hiến để thi công các công trình giao thông, thủy lợi, từng bước hình thành nên bức tranh nông thôn tươi đẹp. Thành công đó phải kể đến vai trò, hiệu quả của công tác tuyên truyền, một trong những khâu quan trọng, quyết định trong XDNTM ở các địa phương.

Dân có hiểu, xây dựng nông thôn mới mới thành công

Dự kiến, cuối tháng 11/2017, xã Long An, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đạt chuẩn NTM. Đến nay, xã hoàn thành 17/19 tiêu chí NTM. Đầu tháng 9/2017, UBND huyện Cần Giuộc khánh thành 2 tuyến đường: Vĩnh Nguyên và Thầy Ba Lô kết nối từ Quốc lộ 50 đến đê Trường Long. Đây là 2 tuyến đường giao thông chính nối liền các ấp đến trung tâm xã. Công trình được đầu tư nâng cấp với mặt đường bêtông rộng 5m, 2 bên đường được lắp đặt hệ thống chiếu sáng, trồng cây xanh và hệ thống cống thoát nước với kinh phí 27 tỉ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa.

Công tác tuyên truyền - một trong những khâu quan trọng trong xây dựng nông thôn mớiTheo Chủ tịch UBND xã Long An - Đặng Minh Giao, nếu chỉ có nguồn vốn xã hội hóa thì không đủ kinh phí để thực hiện 2 công trình này. Chính vì vậy, xã tuyên truyền, vận động người dân sống dọc 2 bên đường hiến đất cùng Nhà nước thực hiện tuyến đường. “Ban đầu họp triển khai dự án để dân nắm rõ chủ trương, sau là tuyên truyền, vận động dân hiến đất làm đường” - ông Giao chia sẻ. Chính vì thế, chỉ trong thời gian ngắn, tất cả hộ dân sống ven đường đều đồng ý hiến đất, tháo dỡ các công trình trên đất, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 8/2017, phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa, tạo điều kiện thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển và đưa xã hoàn thành tiêu chí giao thông.

Tương tự, tại huyện Tân Hưng, để xây dựng các tuyến: Bờ Tây - Kênh Ngang, qua địa bàn 2 xã Vĩnh Đại và Vĩnh Bửu, tuyến Rượng Lưới - Đường Xe, xã Vĩnh Thạnh đi Thạnh Hưng,... người dân hiến hàng chục hécta đất. Ông Nguyễn Văn Nhân, ngụ ấp Đường Xe, xã Vĩnh Thạnh, cho biết: “Khi mới phát động XDNTM, chúng tôi đều nghĩ, đây là việc của Nhà nước nhưng sau đó, qua tuyên truyền, người dân ý thức được trách nhiệm của mình trong việc chung tay XDNTM, đóng góp cùng chính quyền địa phương thực hiện các công trình giao thông, thủy lợi. Khi phát động xây dựng tuyến đường liên ấp, gia đình tôi tự nguyện hiến hơn 2.000m2 đất”. Theo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh - Võ Ngọc Nhồi, muốn tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Một khi dân hiểu thì việc triển khai thực hiện sẽ thành công.

Khi dân đồng thuận

Tại Tân Hưng, khi phát động XDNTM, một số hộ dân chưa hiểu nên còn thụ động. Thời gian qua, huyện phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh tuyên truyền XDNTM. Qua đó, khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong nhân dân.

Tân Hưng: Nhiều vấn đề rút ra trong xây dựng nông thôn mới 

Cập Nhật 29-08-2017

So với trước đây thì việc đi lại, giao thương, vận chuyển nông sản trên địa bàn huyện Tân Hưng, tỉnh Long An thuận tiện hơn nhiều.

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Tân Hưng - Nguyễn Văn Chiến cho biết: “Trong tháng 9/2017, chúng tôi tổ chức hội thi tuyên truyền XDNTM, với các chủ đề xoay quanh công tác tổ chức, thực hiện chương trình, công tác vận động người dân cùng tham gia những mô hình hay và gương điển hình tiên tiến trong XDNTM. Từ đó, nâng cao kiến thức, nhận thức, kỹ năng về công tác tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và lực lượng tuyên truyền viên trong toàn huyện. Đồng thời, huyện nhân rộng những cách làm hay, mô hình hiệu quả để phục vụ tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí XDNTM”.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh - Nguyễn Văn Sáu, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hội trong thời gian tới chính là công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên chung sức XDNTM. Trong đó, hội phối hợp các địa phương, các xã điểm NTM, tuyên truyền giúp nông dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, quyền lợi và trách nhiệm của các tổ chức, hộ gia đình. Từ đó, mỗi người dân, hội viên hiểu được XDNTM là việc làm không chỉ của Nhà nước mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân.

Có thể thấy, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền XDNTM thời gian qua đưa chương trình lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, mang lại những chuyển biến mới trong XDNTM ở mỗi địa phương./.

Năm 2016, toàn tỉnh huy động được 2.168 tỉ đồng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, các tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân đóng góp 81,3 tỉ đồng, người dân đóng góp tiền mặt, ngày công, đất phục vụ xây dựng các công trình với giá trị 61,9 tỉ đồng.

Kiên Định - Văn Đát

Chia sẻ bài viết