Tiếng Việt | English

24/02/2020 - 14:06

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản

Phát triển công nghiệp chế biến được xem là khâu đột phá trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, con đường tối ưu nhất để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Thời gian qua, ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản của tỉnh Long An cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường xuất khẩu.

Nhiều lợi thế

Long An nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát triển công nghiệp xây dựng và đô thị diễn ra khá sôi động. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Những năm gần đây, tỉnh đã và đang hình thành nhiều khu, vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo hướng hàng hóa, tỉnh đã liên kết, hợp tác, trao đổi, kết nối tiêu thụ nông sản. Với lợi thế về phát triển nông nghiệp, trong đó lúa là cây chủ lực của tỉnh với diện tích gieo trồng hơn 500.000ha, sản lượng 2,7-2,8 triệu tấn/năm; thanh long với diện tích 11.700ha, sản lượng gần 310.000 tấn; chanh chủ yếu là giống chanh không hạt với diện tích trồng gần 10.000ha, sản lượng trên 156.000 tấn. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có hơn 1.320ha áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất lúa, rau, quả và chăn nuôi thủy sản.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường, Long An là địa phương thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, có rất nhiều doanh nghiệp liên kết tiêu thụ và chế biến

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 200 doanh nghiệp chế biến nông sản. Cụ thể, về lúa gạo có khoảng 115 doanh nghiệp xay xát, chế biến đầu tư hệ thống dây chuyền hiện đại có công suất chế biến và kho chứa gạo thuộc loại lớn, trong đó có trên 20 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu trực tiếp sang thị trường khó tính. Về chế biến hạt điều nhân có gần 50 doanh nghiệp.Về chế biến rau, củ, quả, có hơn 20 doanh nghiệp với quy mô dây chuyền hiện đại sử dụng các loại rau, quả tươi. Một số sản phẩm đặc trưng như sản phẩm chế biến từ thanh long, chanh, khoai mỡ, khóm, đậu phộng,…Chế biến thịt có quy mô nhỏ.Trên địa bàn tỉnh có một số công ty (Cty), doanh nghiệp, nhà máy chế biến thịt với dây chuyền công nghệ hiện đại.Tổng công suất 100.000 tấn/năm và Tập đoàn Masan chuẩn bị đưa vào vận hành dây chuyền giết mổ, chế biến thịt heo với công suất 140.000 tấn/năm. Chế biến thủy sản có 26 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh thủy sản hoàn toàn đáp ứng yêu cầu về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm để xuất khẩu sang thị trường khó tính như các nước EU, Nhật Bản, Mỹ,… Các doanh nghiệp đều áp dụng các chương trình quản lý chất lượng trong sản xuất, chế biến HACCP,…

Tại Long An, Lavifood được xem là Cty chuyên sơ chế, sản xuất, chế biến các loại trái cây, rau, củ và các nông sản chất lượng cao. Tổng Giám đốc Cty - Đặng Ngọc Cẩn cho biết: “Lavifood được thành lập từ năm 2014, bắt đầu là Nhà máy Lavifood (Khu công nghiệp Phú An Thạnh, xã An Thạnh, huyện Bến Lức) sản xuất, chế biến trên 80 sản phẩm đông lạnh (IQF) các loại rau, củ, quả và xuất khẩu sang các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Hoa Kỳ, Canada, Singapore, Đài Loan, Algeria, Pháp. Các sản phẩm của Lavifood được các tổ chức đánh giá chất lượng toàn cầu cấp giấy chứng nhận ISO 22000-HACCP-BRC (Bureau Veritas), Halal, Kosher. Năm 2017, trên cơ sở phát triển thị trường, Lavifood tiếp tục xây dựng thêm một nhà máy sơ chế thanh long trái tươi để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và được thị trường đón nhận tích cực dựa trên hệ thống tiêu chuẩn nguyên liệu nghiêm ngặt từ vùng trồng đến nhà máy. Tháng 01-2019, Cty chính thức đưa vào hoạt động Nhà máy Tanifood tại huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.Đây là nhà máy được xây dựng trên khu đất có diện tích gần 15ha và tổng số vốn đầu tư lên đến 1.780 tỉ đồng. Nhà máy Tanifood có công suất 150.000 tấn nguyên liệu/năm với 6 dây chuyền sản xuất cùng lúc, xử lý trái tươi bằng công nghệ VHT (Vapour Heat Treatment), đông lạnh (IQF), chần trụng (Blanching), sấy (Drying), cô đặc (Concentrated) và xay nhuyễn (Puree), nước ép nguyên chất (Natural Juice) được thanh trùng bằng công nghệ áp suất cao HPP (High Pressure Processing)…”.

Tương tự Lavifoods, Cty CP Nafoods Group đang tiêu thụ khoảng 200 tấn thanh long/ngày cho nông dân trong tỉnh.Cty CP Nafoods Group là doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nước ép trái cây và rau, củ, quả đông lạnh.Được biết, đầu năm 2018, Cty CP Nafoods Group tổ chức khánh thành nhà máy “Tổ hợp sản xuất và chế biến hoa, quả xuất khẩu” tại huyện Đức Hòa với tổng diện tích hơn 6,5ha và tổng mức đầu tư lên đến hơn 410 tỉ đồng. Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Cty - Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: “Nafoods đang đẩy mạnh xuất khẩu vào châu Âu với sản lượng hàng chục tấn sản phẩm/tuần thông qua đường hàng không. Bên cạnh đó, Cty đã thử nghiệm xuất khẩu chanh leo bằng đường biển, thời gian đi tàu từ TP.HCM đến cảng Rotterdam (Hà Lan) khoảng 21-25 ngày. Kỳ vọng, tiếp theo đó, chanh leo tươi của Việt Nam sẽ sớm có mặt tại các siêu thị ở Mỹ. Hiện tại, Cty đang chú trọng cơ cấu thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm và xây dựng vùng nguyên liệu. Năm 2019, thị trường trong nước tăng đáng kể trong cơ cấu doanh thu của Nafoods với 44% (năm 2017 chỉ 30%). Với mục tiêu đa dạng hóa thị trường, ngoài Trung Quốc, châu Âu, Nafoods đã ký kết hàng loạt thỏa thuận hợp tác với các đối tác đến từ những thị trường lớn và tiềm năng như Nga, Australia, Ấn Độ, Trung Đông,…”.

Long An là địa phương có nhiều cơ sở chế biến nông, lâm sản

Vẫn còn khó

Theo ông Phạm Văn Cảnh, mặc dù tỉnh tập trung số lượng lớn doanh nghiệp chế biến, kho chứa nông sản, nguồn cung cấp nguyên liệu đa dạng về chủng loại sản phẩm nhưng chất lượng vùng nguyên liệu chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa thực hiện được hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến; người dân đang thiếu vốn sản xuất, thông tin thị trường nên sản xuất theo tập quán, kinh nghiệm dẫn đến tình trạng lúc thì khan hiếm nguồn nguyên liệu, lúc thì sản xuất dư thừa dẫn đến biến động về giá cả. Phần lớn doanh nghiệp chế biến chủ yếu là sản phẩm thô, thiếu chế biến sâu nên giá trị gia tăng không cao. Đa số doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có quy mô lớn nhưng sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu: Thủy sản biển, thịt gia súc nhập, nhập nguyên liệu nước ép cô đặc,… nên tiêu thụ nông sản trong công nghiệp còn hạn chế.

Bên cạnh đó, nông sản của tỉnh tương đồng với nhiều địa phương (lúa gạo, thanh long) nên tính cạnh tranh tiêu thụ trong nước ít; sản phẩm thanh long, chanh,… chủ yếu xuất khẩu tươi sang Trung Quốc; trình độ công nghiệp ở mức trung bình tiên tiến; mức độ chế biến chưa sâu, giá trị gia tăng thấp (ngoại trừ doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được đầu tư bài bản), trong đó do thiếu đầu tư và tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị phát triển vững chắc nên hiệu quả chưa cao, phần lớn sản phẩm tiêu thụ ở dạng thô và sơ chế.

Vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp” do Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh kiến nghị: “Chính phủ có chính sách khuyến khích ưu đãi đặc thù cho các doanh nghiệp chế biến, có quy mô lớn làm vai trò dẫn dắt, đầu mối kết nối giao thương với các doanh nghiệp nước ngoài, đầu tư kho, bảo quản nông sản ứng dụng công nghệ hiện đại. Việc xây dựng vùng nguyên liệu đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, HACCP,… còn nhiều khó khăn mặc dù tỉnh đã có chính sách hỗ trợ chi phí chứng nhận ban đầu nhưng do thị trường hiện nay còn chưa rạch ròi chất lượng sản phẩm chứng nhận và không chứng nhận nên nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã và người dân còn ngán ngại, không thực hiện tái chứng nhận lại do chi phí cao. Vì vậy, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét có giải pháp giảm chi phí chứng nhận; ưu đãi lãi suất vay vốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp”./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết