Một lần nữa, vấn đề đào tạo tiến sĩ lại được Bộ GD-ĐT đưa ra bàn luận sôi nổi nhằm giúp các cơ sở đào tạo người có học vị cao trong xã hội đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy đào tạo.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, có 3 nguyên nhân dẫn tới chất lượng đào tạo tiến sĩ hiện nay còn hạn chế. Đó là động lực của người học, cơ sở đào tạo buông lỏng quản lý, cơ sở vật chất đầu tư chưa thỏa đáng.
Cách đây 20-30 năm, dù điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn nhưng chất lượng đào tạo tiến sĩ vẫn tốt. Đó là vì chất lượng “đầu vào” tốt, 30-40 người thi lên học vị tiến sĩ chỉ có 2-3 người đỗ. Trong quá trình đào tạo mỗi người phải thi 3 chuyên đề nên phải học rất chắc chắn. Ngoài kết quả thông qua chất lượng của luận án, hội đồng còn xem xét người đó có xứng đáng không mới trao quyết định công nhận, nên có khi phải mất 5-7 năm mới đào tạo được một tiến sĩ.
Còn hiện nay, quy mô đào tạo tiến sĩ quá nhiều, trách nhiệm của giáo viên hướng dẫn chưa đảm bảo nên chất lượng đào tạo tiến sĩ còn yếu kém.
Việc đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam được đánh giá là rẻ nhất thế giới (ảnh minh họa)
Đồng ý với quan điểm siết chặt “đầu vào” trong tuyển sinh tiến sĩ, PGS.TS Vũ Lan Anh, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Luật Hà Nội cho rằng, tuyển sinh được đối tượng giỏi mới có thể đào tạo để trở thành tiến sĩ tốt, tìm ra đối tượng phù hợp với mục tiêu đào tạo tiến sĩ.
Mục tiêu đào tạo tiến sĩ là đào tạo nhà khoa học có khả năng nghiên cứu đóng góp cho nền khoa học nước nhà và có khả năng hội nhập. Vì vậy, các cơ sở đào tạo khi tuyển sinh tiến sĩ phải đảm bảo các yếu tố: Trình độ ngoại ngữ, khả năng nghiên cứu, căn cứ vào bài báo nghiên cứu, những gì nghiên cứu sinh đã làm trước khi đăng ký dự tuyển…
Khi nghiên cứu sinh có quá trình nghiên cứu nghiền ngẫm một vấn đề nào đó, thể hiện qua bài báo, hội thảo khoa học, tọa đàm, mới thể hiện có suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghiên cứu.
Trình độ ngoại ngữ là rất quan trọng đối với tiến sĩ. Nếu “đầu vào” đào tạo tiến sĩ không đặt ra điều kiện ngoại ngữ ở trình độ nhất định để tham gia hoạt động quốc tế, nghiên cứu tài liệu thì không thể có một tiến sĩ có khả năng hội nhập với thế giới.
Theo quy chế hiện hành trình độ tuyển ngoại ngữ là 3/6 (B1), thực tế ở ĐH Luật Hà Nội cho thấy, những người có trình độ này rất khó đọc tài liệu nước ngoài, vì đây là lĩnh vực khoa học xã hội, đọc tài liệu không đơn giản. Nếu yêu cầu ngoại ngữ đối với “đầu vào” đào tạo tiến sĩ cao hơn thì chất lượng đào tạo sẽ tốt hơn.
Không nước nào đào tạo tiến sĩ rẻ như Việt Nam
Các cơ sở đào tạo đã nêu lên những khó khăn vướng mắc để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ. Đúng như các sơ sở đã đề cập, chi phí bình quân cho việc đào tạo tiến sĩ là 15 triệu/năm thì quá thấp. Với đầu tư nhỏ bé như vậy khó đòi hỏi chất lượng cao được. Vì vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, vấn đề kinh phí đào tạo cũng rất quan trọng.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, Đề án 911 đã đề cập là kinh phí đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài là 30.000-40.000 USD/tiến sĩ. Còn trong nước đào tạo là 70 triệu đồng/tiến sĩ nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được vấn đề kinh phí.
Hiện chi phí bình quân đào tạo tiến sĩ là 15 triệu/năm quá thấp, khó có thể đào tạo nghiên cứu sinh một cách bài bản. Mỗi lần nghiên cứu sinh tìm kiếm ra vấn đề mới phải thí nghiệm thực hành, thực tập buộc phải có có đầu tư nhất định. Còn hiện tại, nếu có ít kinh phí, các cơ sở đào tạo nên tập trung đầu tư cho ít nghiên cứu sinh hơn, còn hơn đầu tư dàn trải.
Thứ trưởng Ga cho rằng, hiện Chính phủ đã cho phép các trường ĐH công lập được tự chủ về tài chính nhưng các trường không thể thu học phí quá cao được. Chính vì vậy, các trường ĐH không hy vọng sẽ được đầu tư bằng thế giới nhưng mong muốn việc đầu tư cho đào tạo tiến sĩ sẽ được nâng lên để từ đó nâng cao chất lượng đào tạo.
Xung quanh vấn đề này, GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nêu quan điểm: Chúng ta đang bàn đến những vấn đề rất cao nhưng nhìn lại giá 18 triệu đào tạo tiến sĩ mới thấy chưa quốc gia nào đào tạo rẻ vậy.
“Ngành Giáo dục chia sẻ và cảm thông với các cơ sở đào tạo, mặc dù kinh phí đào tạo tiến sĩ chỉ như vậy. Xã hội lo ngại về chất lượng tiến sĩ nhưng trách nhiệm của chúng ta là giải trình để xã hội hiểu là chi phí bình quân đào tạo tiến sĩ là 18 triệu/năm thì không ở đâu làm được”- GS.TSKH Trần Văn Nhung nhấn mạnh./.
Bích Lan/VOV.VN