Ngoài quyết định thu hồi đất, đền bù giải tỏa, thực hiện chính sách tái định cư cho người dân bị thu hồi đất, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương cần quan tâm thực hiện chính sách về hỗ trợ, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho những đối tượng này.
Dù được tái định cư, ổn định chỗ ở nhưng người lao động (NLĐ) bị thu hồi đất chưa được tạo việc làm ổn định thì xem như chưa “lạc nghiệp”. Đa phần người bị thu hồi đất trong độ tuổi lao động đều có nhu cầu được đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Tuy nhiên, công tác này còn nhiều hạn chế. Việc hỗ trợ, đào tạo nghề, tạo việc làm cho NLĐ bị thu hồi đất còn bị động, lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu. Các địa phương chủ yếu mở những lớp dạy nghề ngắn hạn, gắn với mùa vụ lao động ở nông thôn nên hiệu quả chưa bền vững. Việc hỗ trợ, đào tạo nghề có trình độ kỹ thuật cho NLĐ bị thu hồi đất còn “khiêm tốn”. Một số địa phương chưa quan tâm tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm miễn phí, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm cho NLĐ bị thu hồi đất.
Thời gian tới, công tác hỗ trợ, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho NLĐ bị thu hồi đất phải được quan tâm đúng mức. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác này. Tiến hành rà soát, khảo sát, thống kê NLĐ bị thu hồi đất có nhu cầu được đào tạo nghề tại địa phương để hỗ trợ gắn với xây dựng phương án giải quyết việc làm. NLĐ bị thu hồi đất phải được tạo mọi điều kiện thuận lợi để vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế gia đình, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, tích cực góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển./.
Trầm Bưng