Tiếng Việt | English

08/12/2016 - 14:50

Đánh bắt thủy sản bằng xung điện và cái chết được báo trước

Hiện nay, tình trạng dùng xung điện để khai thác thủy sản diễn ra phổ biến ở các địa phương vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An, nhưng chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.

Tận diệt nguồn thủy sản

Thời điểm này, khu vực Đồng Tháp Mười đang trong mùa nước nổi. Dọc theo các kênh, rạch hay các cánh đồng ruộng, dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân dùng điện để chích bắt cá. Trên cánh đồng thuộc xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, người phụ nữ độ chừng 35 tuổi dùng xung điện bắt cá. Thấy chúng tôi lại gần, chị bỏ đi. Nhưng sau khi nghe chúng tôi ngỏ ý muốn mua cá, chị quay lại tươi cười nói: “Mua cá đi em, chị bán rẻ cho. Mớ cá này chắc gần 2kg, trả chị 90.000 đồng thôi”. Sau một lúc làm quen, chị cho biết tên D., là người dân địa phương. Mùa khô, chị làm lúa mướn, còn mùa nước nổi thường đi bắt cá cùng chồng.


Dùng xung điện đánh bắt cá, tận diệt nguồn lợi thủy sản

Chị D. cho biết, dụng cụ bắt cá do ông xã tự chế, cũng khá đơn giản, chỉ cần 1 bình ắc-quy khoảng 12V với bộ phận kích điện khoảng 220V, 2 cần tre dài khoảng 2m, 1 cần có đầu là que thép nhọn nối với cực dương gắn công tắc, cần còn lại gắn với vợt sắt nối cực âm. Khi chọc 2 cần xuống nước, bật công tắc sẽ xảy ra hiện tượng xung điện, nếu gặp phải, cá sẽ bị giật nổi đầu lên rồi bắt.

Vợ chồng anh X. và chị M. đang bắt cá tại cánh đồng nước thuộc xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa. Anh X. cho biết, vợ chồng anh đi kiếm cá từ 3 giờ sáng, giờ chuẩn bị về cho kịp buổi chợ. So với mấy năm trước, lượng cá những năm gần đây giảm nhiều. Đi từ lúc sớm đến giờ mà chỉ kiếm được chừng 3kg cá lớn, nhỏ. Cũng theo anh X., đánh bắt cá kiểu chích điện là phạm pháp, nếu gặp phải lực lượng chức năng thì bị tịch thu công cụ, thậm chí còn bị phạt tiền. Tuy nhiên, vì sinh kế nên tới đâu hay tới đó!

Cái chết được báo trước

Dẫu biết chích điện, cào điện có thể bị điện giật gây tử vong nhưng không ít người vẫn bất chấp nguy hiểm. Người dân khu vực ấp 2, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa vẫn chưa khỏi bàng hoàng mỗi lần nhắc đến vụ tai nạn điện giật chết người cách đây hơn một tháng. Nạn nhân là anh Nguyễn Văn Đằng, ngụ cùng ấp và em rể là Lê Ngọc Giang, ngụ ấp Bình Đông, xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa. Gạt bỏ những lời khuyên của vợ, đêm xuống, anh Đằng rủ anh Giang đi cào điện, ngờ đâu lần đó là lần cuối 2 anh em ra đi, không về nữa!


Tình trạng dùng xung điện để khai thác thủy sản diễn ra phổ biến ở các địa phương vùng Đồng Tháp Mười

Mỗi lần nhắc đến chồng, chị Lê Thị Thuận, vợ anh Đằng lại xót thương người chồng vắn số và tự trách mình nếu hôm ấy kiên quyết không cho chồng đi cào điện thì đâu xảy ra cảnh thương tâm. "Chồng chết, bỏ lại cho tôi 3 đứa con thơ dại. Vì nhà quá khó khăn nên giờ có 2 đứa buộc phải nghỉ học".

Cũng như gia đình anh Đằng, gia đình anh Lê Ngọc Giang chẳng khá giả gì. Là lao động chính trong gia đình nên khi anh Giang mất đi, gia đình càng trở nên túng thiếu. Anh ra đi, bỏ lại vợ một mình lao động nuôi mẹ già 67 tuổi bị bệnh và 3 con đứa nhỏ dại.

Khó xử lý dứt điểm

Mặc dù công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện, tuy nhiên, hiện nay tình trạng sử dụng xung điện để khai thác thủy sản vẫn còn, khó có thể xử lý triệt để. Theo UBND tỉnh, nhằm hạn chế tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện, tỉnh tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền để người dân thông suốt các chủ trương, chính sách, pháp luật, quy định của Đảng, Nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản là bảo vệ tài nguyên quốc gia, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong quản lý, khai thác thủy sản.

Để hạn chế tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra 115 phương tiện hành nghề khai thác thủy sản, phát hiện và bàn giao 20 trường hợp vi phạm cùng tang vật tạm giữ cho phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và công an huyện xử lý theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, công an các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, bộ đội biên phòng, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, phát hiện 527 trường hợp vi phạm; ra quyết định xử phạt 126 trường hợp vi phạm, phạt tiền 588 triệu đồng, tịch thu 423 bình ắc-quy, 473 bộ kích điện, 156 công cụ vi phạm và 125kg thủy sản,...

UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn, tiến tới hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản; từng bước tái tạo (bằng cách thả con giống vào tự nhiên), bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững, kết hợp tốt giữa bảo vệ và khai thác thủy sản hợp lý, có chọn lọc nhằm bảo đảm ổn định đời sống cho ngư dân.

Vi phạm quy định về sử dụng điện để khai thác thủy sản sẽ bị áp dụng chế tài phạt theo quy định tại Điều 15, Nghị định số 103/2013/NĐ-CP, ngày 12-9-2013. Các hành vi này bị xử phạt từ 1-30 triệu đồng. Xử phạt bổ sung là tịch thu công cụ kích điện; tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản từ 3-6 tháng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp điện từ máy phát điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác để khai thác thủy sản./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết