Tiếng Việt | English

28/11/2018 - 13:53

Đằng sau tai nạn giao thông là những nỗi đau dai dẳng - Bài 1: Thương tiếc người ra đi, nỗi đau người ở lại

Tai nạn giao thông (TNGT) không phân biệt già, trẻ, giới tính, giàu nghèo và luôn tiềm ẩn, rình rập trong đời sống. Từ những gia đình hạnh phúc đang yên ấm nhưng TNGT bỗng chốc cướp đi những người thân yêu nhất, đẩy cuộc sống của họ vào cảnh cùng cực của nỗi đau dai dẳng.

Chị Nguyễn Thị Ngạt cùng một lúc mất đi người chồng và con gái út vì tai nạn giao thông

Nỗi đau tột cùng

Chị Nguyễn Thị Ngạt (43 tuổi), ngụ ấp Tân Hòa, xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An là một trong những người đi đến tận cùng trong nỗi đau do TNGT gây ra. Hơn 1 năm trước, TNGT ập đến lấy đi mạng sống của chồng và con gái út 5 tuổi, con gái lớn 10 tuổi bị đa chấn thương nặng. Tỉnh dậy sau tai nạn, nghe tin chồng và con gái út đã mất, chị Ngạt bị sốc nặng, ngày đầu cứ liên tục chạy hoảng trong bệnh viện.

Những người đến viếng đám tang không cầm được nước mắt khi nhìn căn nhà lá tạm bợ, xiêu vẹo nép bên dòng kênh nhỏ, không để vừa 2 cỗ quan tài. Cảm thương vì hoàn cảnh, hàng xóm, chính quyền đã đứng ra lo ma chay cho người mất. Sau khi chồng, con gái út được chôn cất, chị Ngạt gắng gượng lên viện chăm lo cho con gái lớn đang cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM).

Tiền đâu để lo cho con, trong khi chi phí điều trị rất lớn? Đó là nỗi lo lắng của chị Ngạt. Tuy nhiên, khi biết được hoàn cảnh của gia đình chị, mạnh thường quân đứng ra giúp đỡ, thanh toán chi phí điều trị ở bệnh viện cho con gái chị.

Cánh tay phải của con gái lớn chị Ngạt bị chấn thương sau vụ tai nạn giao thông

Nghe hàng xóm gọi báo, có người quen ghé thăm, chị Ngạt đang lao động cách nhà không xa nhanh chóng về nhà. Vừa mở cửa, chị Ngạt vừa nói, căn nhà gạch vài chục mét vuông này cũng là do mạnh thường quân xây tặng sau khi biến cố lớn ập đến với gia đình. “Cũng nhờ nhà trường vận động, báo chí thông tin nên gia đình nhận được sự đồng cảm, giúp đỡ của cộng đồng. Nhờ đó, con gái lớn có được chi phí chữa trị, nối được cánh tay phải” - chị Ngạt xúc động.

Thắp nén nhang cho chồng, con, chị Ngạt đứng một lúc mới bình tâm lại để kể tiếp nỗi đau của cuộc đời. “Mỗi lần nhìn lên bàn thờ với 2 di ảnh chồng và con, tôi lại khóc. Từ ngày chồng và con gái út mất, tôi mất ngủ triền miên, sức khỏe giảm sút. Nhiều khi tôi buồn bã, chán nản, có lúc tưởng như gục ngã nhưng nghĩ đến đứa con gái lớn, tôi lại cố gắng nén nỗi đau vào lòng để đứng vững, làm lụng nuôi con ăn học” - chị Ngạt thổ lộ.

Đứa con gái lớn sau vụ tai nạn phải nằm điều trị ở bệnh viện hơn 3 tháng (cánh tay phải đã phải phẫu thuật 5 lần). Dù nối lại được cánh tay phải nhưng cũng bị dị tật và không thể bưng bê được những vật nặng. Sau vụ tai nạn, ngoài gây ra tổn hại nặng về sức khỏe thì tâm trạng em bị ảnh hưởng rất nhiều. Em thường hay cáu gắt, lầm lì, ít nói và tự ti hơn trước. Cũng may, nhờ được thầy, cô giáo, bạn bè, hàng xóm, láng giềng động viên, giúp đỡ nên tinh thần em dần ổn định, đang học lớp 6. “Nhìn vào những vết sẹo chi chít, lồi lõm trên cơ thể, nhất là cánh tay phải dị dạng, thỉnh thoảng con lại kêu đau, tôi rất lo lắng cho tương lai sau này của con” - chị Ngạt thổ lộ.

Giờ đây, trên đường đời, một mình chị phải vừa làm mẹ, vừa làm cha lo lắng cho đứa con gái. Do ít đất sản xuất nên sau giờ đưa, đón con đến trường, chị tranh thủ thời gian làm thuê, làm mướn kiếm đồng ra, đồng vào để trang trải cuộc sống, có chi phí đưa con đi tái khám hàng tháng.

Nỗi đau nối tiếp nỗi đau

Vì nhà nghèo, học hết cấp 2, em N.Đ.L (SN 1991, ngụ xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa) phải nghỉ học, vào làm cho một công ty ở gần nhà để phụ giúp gia đình. Thu nhập hàng tháng, L. đều đưa về nhà để trang trải cuộc sống gia đình (4 người, gồm ông, bà và cha, mẹ). Dù tuổi còn nhỏ nhưng L. đã là trụ cột gia đình. Hàng xóm vẫn luôn nghe L. thổ lộ, con phải siêng làm để kiếm thêm tiền phụ cha, trị bệnh cho mẹ và tích góp để cưới vợ.

Vì nhà cách nơi làm khoảng 3km nên suốt 8 năm, L. đều đi chung xe máy với bạn. Thế nhưng, vào chiều tối ngày 10/5/2016, sau khi tan ca ở công ty, bạn đã về trước nên L. theo xe đưa rước công nhân về nhà. Khi xe đang lưu thông trên Đường tỉnh 824 còn cách nhà chỉ mấy trăm mét thì bị lật xuống vệ đường. Ai ngờ, lần đầu đi theo xe đưa rước công nhân, L. lại là 1 trong 2 nạn nhân bị xe đè trúng tử vong.

“Chạy ra hiện trường, nhìn thấy con bị xe lật đè chết tại chỗ mà tim tôi tan nát, mẹ nó thì ngất lên ngất xuống. Nó là đứa con rất hiếu thảo. Chỉ vài ngày nữa, chúng tôi làm lễ hỏi vợ cho con, vậy mà nó đã ra đi mãi mãi, bao ước mơ, dự định cũng vụt tắt” - ông Nguyễn Thanh Lâm (47 tuổi) - cha của L., nghẹn ngào nói. Ông tâm sự, nỗi đau mất con mãi âm ỉ, kéo dài, dài mãi.

Mẹ của ông Nguyễn Thanh Lâm nhìn di ảnh con dâu mà lòng đau như cắt

Nỗi đau này chưa vơi thì không lâu sau, tai họa lại tiếp tục ập đến với gia đình này. Chỉ 8 tháng sau ngày con mất, người mẹ cũng qua đời vì TNGT. Nỗi đau nối tiếp nỗi đau càng làm cho những người ở lại thêm héo mòn. Theo gia đình, vào một buổi sáng, bà P.T.T điều khiển xe máy đi chợ, khi vừa ra cách nhà vài trăm mét lại bị rớt xuống lề đường và bị chính chiếc xe đè lên người, nơi đó có bếp lửa đốt rác cháy âm ỉ. Do sức yếu, bà không thoát ra được. Khi người qua đường phát hiện kéo ra thì sức cùng, lực kiệt, bà bị bỏng nặng, được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM nhưng đã không qua khỏi sau 21 ngày điều trị.

Giờ đây, trong căn nhà nhỏ, cuộc sống của ông Nguyễn Thanh Lâm và 2 người già trên 70 tuổi (cha, mẹ của ông Lâm) càng trở nên khó khăn. Theo gia đình, số tiền nợ 50 triệu đồng vay để chạy chữa cho vợ trong thời gian nằm viện vẫn chưa trả được đồng nào. Vợ và con trai "đi" rồi, ông Lâm thêm buồn rầu, mất phương hướng, sức khỏe giảm sút. Nhưng vì cuộc sống, để có tiền nuôi cha, mẹ già, hàng ngày, ông vẫn phải đi làm phụ hồ để có thu nhập.

“Việc làm thì ngày có, ngày không. Vừa rồi, nó đi làm bị va đập trúng người đau âm ỉ nhưng về nhà vẫn không nói cho ai biết vì không muốn chúng tôi phải lo lắng. Nhiều đêm thức dậy, tôi thấy nó buồn rầu, ngồi thẫn thờ trước di ảnh vợ, con mà lòng đau như cắt. Chúng tôi đã già rồi, chẳng làm gì giúp được cho con. Tội nghiệp con tôi quá!” - bà Bùi Thị Rắt - mẹ của ông Lâm, mếu máo nói khi ngoài trời bắt đầu đổ mưa, bầu trời xám xịt vì những đám mây đen kéo đến./.

(còn tiếp)

Bài 2: Trở thành tàn phế, gánh nặng cho cả gia đình

Lê Ðức

Chia sẻ bài viết