Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 là một bước ngoặt lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam. Thực tiễn hơn 90 năm qua đã chứng minh rằng sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta.
Trên con đường phát triển của cách mạng Việt Nam, Đảng đã không ngừng vượt qua mọi khó khăn, thử thách; đưa ra những quyết sách có ý nghĩa bước ngoặt, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu lịch sử.
Đảng lãnh đạo toàn dân đấu tranh giành chính quyền, đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên cả nước, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước.
Lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân còn non trẻ
Ở tuổi 15, với 5.000 đảng viên, chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, Đảng đã lãnh đạo toàn dân tộc làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại, đánh đổ thực dân Pháp, phátxít Nhật và ách thống trị phong kiến, lập nên nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Ngày 19/8/1945, sau cuộc míttinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn, quần chúng nhân dân Thủ đô đã đánh chiếm Bắc Bộ phủ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ. Cách mạng Tháng Tám là một bài học lịch sử, mở ra một thời đại mới ở Việt Nam, thời đại nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của chính mình. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Từ đây, đất nước Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Đây là một trong những sự kiện vĩ đại nhất trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc."
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Và trong thế nước "ngàn cân treo sợi tóc" với những khó khăn chồng chất của một chính quyền non trẻ, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vững tay chèo lái, tranh thủ thời cơ để duy trì hòa bình, dưỡng sức dân, chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ.
Lãnh đạo hai cuộc kháng chiến trường kỳ giành những thắng lợi to lớn
Chín năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân xâm lược Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn dân, toàn quân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" là minh chứng không gì thuyết phục hơn cho sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ, cho sức mạnh vô địch của nhân dân, của đại đoàn kết toàn dân tộc được Đảng khơi dậy và tổ chức.
Ngày 7/5/1954, toàn bộ Tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị tiêu diệt. Lá cờ 'Quyết chiến, Quyết thắng' của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt đầy hy sinh, gian khổ kéo dài suốt 9 năm. (Ảnh: Triệu Đại/TTXVN)
Chiến thắng Điện Biên Phủ còn là đòn đánh cuối cùng quyết định, kết liễu số phận của chủ nghĩa thực dân cũ, là đột phá khẩu mở ra cơ hội và động viên thức tỉnh các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vùng lên đấu tranh giải phóng, tự cứu lấy mình.
Nhưng dường như lịch sử nhân loại nửa cuối thế kỷ 20 đã chọn dân tộc Việt Nam là điểm tựa thử thách cho lương tri con người, làm người chiến sỹ tiên phong trong cuộc chiến đấu chống lại cái ác và thói cường quyền đế quốc. Những hy sinh gian khổ của chín năm kháng chiến trường kỳ chỉ mới mang lại hòa bình cho một nửa đất nước, nửa miền Nam ruột thịt còn nằm dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta lại bước vào một thời kỳ mới, thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam.
Thực hiện tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng," năm cánh quân chủ lực hùng mạnh của ta tiến hành tổng tiến công vào Sài Gòn cùng với sự phối hợp chiến đấu của lực lượng vũ trang địa phương và phong trào nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng nhân dân, chúng ta đã đập tan sự kháng cự của địch, buộc nội các chính quyền Sài Gòn phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Xe tăng quân Giải phóng chiếm Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975, đánh dấu việc kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. (Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN)
Đúng 11h30 ngày 30/4/1975, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc lập, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi. Lời căn dặn của Bác kính yêu trước lúc đi xa “Chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn” đã được quân và dân ta thực hiện trọn vẹn.
Chiến thắng lịch sử của Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975 đã viết nên một trong những trang sử tươi thắm rực rỡ nhất của dân tộc, đuổi sạch bóng quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. |
Đây là chiến thắng của lòng quả cảm, đức hy sinh, trí thông minh, tinh thần yêu nước, đoàn kết đồng lòng của dân tộc, được Đảng, Bác Hồ khơi dậy, tổ chức và rèn luyện thành lực lượng bách chiến, bách thắng. Đây cũng là chiến thắng của xu thế thời đại, của tình đoàn kết giúp đỡ của các nước anh em, của các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Có thể khẳng định “trong cuộc trường chinh để giành độc lập, tự do cho dân tộc, ở đâu và lúc nào cũng có Đảng. Đảng đi đầu trong chiến đấu. Đảng xông pha nơi khó khăn. Đảng gắn bó với Nhân dân bằng những gì Đảng đã làm cho sự nghiệp giải phóng đất nước."
Thành tựu vô cùng to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Sau khi đất nước được thống nhất, trong muôn vàn khó khăn, Đảng đã lãnh đạo nhân dân vừa khôi phục kinh tế, vừa tiến hành hai cuộc chiến đấu chống xâm lược ở hai đầu biên giới, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước vừa đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất, vừa tìm tòi, tháo gỡ khó khăn, khắc phục trì trệ, khủng hoảng kinh tế-xã hội, từng bước hoạch định đường lối đổi mới.
Năm 1986, Đảng đề ra đường lối đổi mới, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đất nước ta đã thu được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Nước ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 4.000 USD năm 2022.
Hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cảng Hải Phòng. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Đặc biệt, năm 2022, tăng trưởng GDP toàn quốc đạt 8,02%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Năm 2023, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra trên các lĩnh vực; được nhiều tổ chức quốc tế uy tín ghi nhận. Tăng trưởng Tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả năm đạt 5,05%. Việt Nam hiện là một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Kinh tế Việt Nam hội nhập mạnh mẽ với khu vực và thế giới.
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao chính thức với toàn bộ 35 quốc gia châu Mỹ và 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 6 Đối tác Chiến lược Toàn diện, 12 Đối tác Chiến lược và 12 Đối tác Toàn diện.
Chiều 12/12/2023, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)
Quốc hội có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 quốc gia. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tổ chức nhân dân cũng đã triển khai đối ngoại thiết thực với 1.200 tổ chức nhân dân và đối tác nước ngoài.
Hiện Việt Nam có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, ký hiệp định thương mại song phương với hơn 100 nước, trong đó có nhiều hiệp định thế hệ mới. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Lễ đón Tổng thống Hoa Kỳ Joseph R. Biden, Jr. thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (11/9/2023). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Trên bình diện đa phương, với thế và lực mới Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO...
Việt Nam cũng tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn và hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế quan trọng với tư cách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch luân phiên ASEAN, chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEM, Hội nghị thượng đỉnh APEC, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN…
Việt Nam đã cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, thể hiện hình ảnh một đất nước Việt Nam thân thiện, yêu chuộng hòa bình, nhân văn, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt.
Những năm gần đây, Đảng tiếp tục tự đổi mới, tự làm mới mình để hoàn thành ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Đảng đã tập trung cho công tác xây dựng Đảng, coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Từ đó, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng từng bước được nâng lên. Tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên có tiến bộ; việc ngăn chặn, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, xử lý tiêu cực, sai phạm, thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ có chuyển biến rõ nét.
Có thể khẳng định thắng lợi của công cuộc "Đổi mới" lại một lần nữa thể hiện sức mạnh văn hóa tiềm ẩn của dân tộc, tài năng, trí tuệ của con người Việt Nam. Hơn thế nữa, đó là minh chứng hùng hồn cho sự đúng đắn của con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, minh chứng cho vai trò và năng lực lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam trong xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc và phát triển nền kinh tế./.
Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Anh Tuấn/TTXVN)
Theo TTXVN
- Phản bác luận điệu xuyên tạc công tác phòng, chống tham nhũng của đảng (27/11)
- Mời quý độc giả đón đọc Ấn phẩm Long An tháng 11/2024 (27/11)
- Quốc hội biểu quyết thông qua 3 luật, 2 nghị quyết và họp riêng về nhân sự (27/11)
- Lãnh đạo UBND tỉnh Long An đối thoại với thanh niên (26/11)
- Chương trình 'Bàn tròn chính sách' lần thứ 2 sẽ diễn ra vào lúc 9 giờ ngày 30/11/2024 (26/11)
- Hội thảo ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong canh tác lúa (26/11)
- Hơn 300 đại biểu tham gia tập huấn công tác thông tin đối ngoại năm 2024 (26/11)
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (25/11)