Hồi ấy, má tôi ít khi nào để ba tôi đi chợ. Chỉ vì bà tiết kiệm ngân sách gia đình, bởi theo bà, đàn ông đi chợ không biết trả giá, nói nhiêu mua nhiêu nên dễ bị các bà tiểu thương "ăn gian" bán mắc.
Má rất vui khi ba làm những việc mang tính chia sẻ như đi chợ, nấu ăn, quét nhà hoặc lúc tiện tay lấy bộ đồ phơi ngoài sào vào - Ảnh minh họa
Nhưng thỉnh thoảng, ba tôi vẫn "lén" đi chợ. Nói là lén, chớ thực ra, mỗi tháng ông có một lần lên ủy ban xã lãnh lương hưu và ủy ban xã thì sát bên chợ. Vậy là ông ghé chợ, chọn mua một miếng thịt thiệt ngon, một túm rau củ quả mà vườn quê không có để về "đãi đằng" vợ con một bữa.
Má tôi biết ông luôn sử dụng đâu gần hết tiền lãnh lương cho một lúc "vung tay quá trán", bà tiếc rẻ vô cùng, thành ra, miếng ngon cũng thành miếng dở trong mắt má.
Ba tôi luôn giữ quan điểm: thà ăn ít mà ngon. Còn với má, rẻ mới đúng là đáng "đồng tiền bát gạo".
Ba ít vào bếp nhưng hễ ông đứng bếp thì bữa cơm sẽ luôn có một món rất lạ miệng, dù món đó cũng là từ những vật liệu mà má tôi thường dùng để nấu. Bởi ông không nấu những món "thuần nông" kiểu như má, gì má cũng đem kho mặn hay kho khô để "ăn cho lâu". Còn ba tôi, bữa ăn không phải chỉ để no, còn để thưởng thức và nhìn ngon mắt.
Kiểu phong lưu trong mọi hoàn cảnh của ông rất trái với những lo lắng cơm áo gạo tiền của má. Tôi chẳng thuộc "phe" nào, vì thấy ai cũng có cái lý của riêng mình. Nhưng tôi cảm nhận được, dù có cằn nhằn thế này thế nọ, má vẫn rất vui khi ba làm những việc mang tính chia sẻ như đi chợ, nấu ăn, quét nhà hoặc lúc tiện tay lấy bộ đồ phơi ngoài sào vào giúp. Chính những niềm cảm động nhỏ nhoi như vậy khiến cho những bất đồng và những lầm lỗi cũng trở nên nhẹ nhàng như không.
Chuyện đi chợ cũng khiến tôi nhớ đến hình ảnh của ba má bạn mình. Bà đau chân thấp khớp, nên việc đi đứng, nhất là đi bộ, hơi khó khăn. Nhưng bên bà lúc nào cũng có ông. Ông xách giùm bà cái giỏ, đi bộ cùng bà đến chợ. Lúc nào ông cũng lăng xăng bên bà để phụ này giúp nọ. Hình ảnh ấm áp của cặp đôi yêu thương đó gần như nổi tiếng trong cái chợ đầu xóm và cũng khiến cả những đôi tre trẻ thầm ao ước, trầm trồ. Theo ông bà, nhờ cái duyên lớn, nên đến tuổi này, tình yêu của hai người vẫn ngọt ngào đến từng giây từng phút.
Duyên lớn là cùng trải qua nhiều kiếp nạn nhưng duyên lớn cũng được đắp bồi bởi những điều giản dị nhỏ nhoi tinh tế. Chúng có riêng sức gắn kết lớn lao trong vô vàn những thứ không thuộc phạm trù phải trái đúng sai của gia đình. Như chuyện đàn ông đi chợ hay chở vợ đi chợ vào mỗi cuối tuần ở phố thị tôi vẫn thường trông thấy.
Hình ảnh đó không còn là điều đặc biệt (kiểu như ba tôi đi chợ hồi xưa) trong mắt mọi người xung quanh nhưng đem lại nhiều ấm áp trong cái nhìn về gia đình hiện đại. Bởi áp lực đi chợ, mua cái gì, ăn thức gì, không còn chỉ là chuyện đàn bà. Ở đó, tiến lên một bước mới hơn của sự chia sẻ, cảm thông là việc "giành quyền" hiểu biết trong "nghề đi chợ".
Như bạn, một nhà nghiên cứu hẳn hoi, sau những lần đi chợ thay vợ khi vợ mang trọng bệnh, thì anh bỗng nhiên… ghiền chợ, bởi anh tin rằng mình đủ "nhạy cảm" với những món đúng kiểu quê, ít hóa chất.
Từ khi vợ bệnh nặng, anh tự tay lựa từng món thực phẩm ở chợ - Ảnh minh họa
Và anh hiểu ra, một người đi chợ thường xuyên sẽ sắm hẳn cho mình một "trí thông minh chợ búa", tầm ra được những sản vật cho bữa cơm gia đình bằng niềm tin chắc ngon chắc đúng. Chuyện đi chợ không còn chỉ là một công việc giản đơn.
Rủ nhau đi chợ ngày cuối tuần, dù chỉ để chờ ngoài cửa chợ, sẻ chia một chút việc nhà, cùng chia nhau những tỉ mỉ trong vô vàn những điều tỉ mỉ… tôi vẫn tin, cái dáng đẹp đẽ nhất chính là dáng hình thấu hiểu và đồng hành của chồng/vợ trong hàng ngàn điều trải qua ở cõi sống cùng. Chỉ là những điều xem ra bình thường, nhưng sẽ khắc rất lâu trong trí nhớ và yêu thương./.
nld.com.vn(Theo phunuonline.com.vn)