Tiếng Việt | English

28/02/2018 - 20:02

Đam mê âm nhạc cần được chắp cánh

Đưa âm nhạc vào học đường nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Thời gian qua, các trường trong tỉnh từng bước đưa âm nhạc vào giảng dạy và đạt một số kết quả bước đầu.

Thầy Nguyễn Thanh Huy - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An: 

Trường thành lập câu lạc bộ (CLB) âm nhạc luyện tập chuyên sâu cho các em có năng khiếu và bố trí một phòng cho các em luyện tập. Hiện, trường có đàn guitar, organ,... hỗ trợ dạy nhạc. Qua đó, giáo viên phát hiện nhiều học sinh có năng khiếu âm nhạc. Tuy nhiên, hiện nay, chương trình lồng ghép quá nhiều môn học, kể cả các chương trình ngoại khóa dạy kỹ năng sống cho các em nên việc dành thời gian cho học nhạc chưa nhiều. 

Đưa âm nhạc vào trường học tại Trường THPT Tân Thạnh Ảnh: An Thuận

Thầy Nguyễn Hưng Phú - Phó Bí thư Đoàn trường THPT Lê Quý Đôn, TP.Tân An: 

Trong các chương trình âm nhạc do trường và CLB âm nhạc tổ chức, chúng tôi thường hướng các em biểu diễn, ca hát các loại nhạc dân tộc. Qua đó, phát hiện nhiều em có năng khiếu về âm nhạc. Sắp tới, theo chương trình giáo dục mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi đề nghị, trường tạo điều kiện cho giáo viên tập huấn thêm về âm nhạc. Các loại nhạc cụ trong trường học còn thiếu rất nhiều; trong khi các em lứa tuổi thanh, thiếu niên rất quan tâm đến âm nhạc, nhưng đa số còn yếu về kiến thức âm nhạc. Việc biểu diễn âm nhạc chủ yếu tập trung ở các em có năng khiếu trong CLB âm nhạc chứ chưa phổ biến rộng ra cho tất cả học sinh trong trường.

Nguyễn Hoàng Tiểu Phụng - giáo viên Trường THCS Mỹ Lệ, huyện Cần Đước:

Mỹ Lệ là cái nôi của đờn ca tài tử, ban giám hiệu nhà trường và lãnh đạo địa phương rất quan tâm việc phát huy truyền thống quý báu đó. Chính vì vậy, trường tạo mọi điều kiện thuận lợi để giáo viên, học sinh tham gia các phong trào ca hát, học nhạc dưới nhiều hình thức.

Khó khăn lớn hiện nay là cấp tiểu học chưa chú trọng đào tạo âm nhạc cơ bản cho học sinh, nên khi vào lớp 6, giáo viên phải dạy lại từ đầu. Mặt khác, chương trình học của các khối dày đặc, việc dành thời gian cho âm nhạc rất hạn chế nên các kiến thức về âm nhạc truyền thụ cho các em không được nhiều. Trường chưa có phòng dạy nhạc và thiếu nhiều nhạc cụ. Qua giảng dạy, tôi phát hiện nhiều em có năng khiếu về âm nhạc nên quan tâm theo sát và định hướng cho các em. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đưa âm nhạc thành một môn học, chú trọng dạy nhạc từ cấp tiểu học và cần hỗ trợ những em có năng khiếu về âm nhạc.

Tiết mục múa trên nền nhạc quê hương của các thí sinh trong Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” năm 2017

Em Phạm Ngọc Thảo Uyên - học sinh lớp 5/3, Trường Tiểu học An Vĩnh Ngãi:

Con rất thích ca hát, về nhà, lúc rảnh rỗi, con thường hát các bài hát yêu thích. Trong lớp, con cũng được thầy dạy nhạc chọn để hát trong chương trình âm nhạc do trường tổ chức. Về nhạc lý, con cũng được các thầy, cô dạy, nhưng chưa hiểu sâu. Con mong được học nhiều hơn về nhạc lý. 

Lê Hữu Minh Khang - học sinh lớp 11A2, Trường THPT Lê Quý Đôn: 

Em đam mê âm nhạc từ nhỏ và tham gia học đàn guitar, sắp tới tiếp tục học đàn organ, em là thành viên CLB âm nhạc của nhà trường. Em thấy, việc dạy nhạc trong trường học, nhất là cấp THPT chưa được quan tâm. Các bạn cũng có nhu cầu thưởng thức âm nhạc nhưng chủ yếu theo phong trào, chưa thật sự đam mê và có điều kiện học sâu về âm nhạc, chưa có người chỉ dạy cũng như hướng dẫn.

Lê Thanh Tùng - học sinh lớp 12A4, Trường THPT Lê Quý Đôn, đại diện Ban Quản lý CLB  Âm nhạc của trường:

Hàng tuần, vào các ngày thứ hai, thứ tư, thứ bảy vào các giờ ra chơi, chúng em tổ chức chương trình quà tặng âm nhạc cho các bạn yêu nhạc toàn trường. Những bài hát có nội dung được yêu cầu nhiều, phù hợp với định hướng của Đoàn trường sẽ được các bạn trong CLB biểu diễn vào giờ ra chơi. 

Vào dịp đầu năm học, trường tổ chức nhiều buổi biểu diễn, qua đó tìm kiếm tài năng âm nhạc cho CLB của trường. Trường tạo sân chơi về âm nhạc, thậm chí ngày nào, học sinh cũng có thể ca hát. Trường có nhiều học sinh đam mê âm nhạc và thi vào Học viện Âm nhạc TP.HCM. Theo em, trường cần có giáo viên chuyên về âm nhạc để định hướng cho học sinh, nhất là các bạn có năng khiếu và có nhiều loại nhạc cụ để việc học nhạc hiệu quả hơn.

Học sinh múa theo điệu nhạc bài hát của người dân tộc Ảnh: Ng.Thạch

Lại Phạm Xuân Thảo - học sinh lớp 7/3, Trường THCS Mỹ Lệ, huyện  Cần Đước:

Em rất thích hát những ca khúc dân ca và nhạc dành cho thiếu nhi. Mong muốn có thêm nhiều sân chơi để chúng em được thường xuyên ca hát. Nhà trường nên thành lập CLB âm nhạc để những bạn có năng khiếu, đam mê ca hát được rèn luyện kỹ năng âm nhạc và biểu diễn trong những dịp nhà trường tổ chức các sự kiện liên quan./.

Đ.Lâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết