Hồi đó, đi đưa dâu thường là đi bộ, vậy mà vui, mang rất nhiều kỷ niệm đẹp
“Ô! Ô! Sáng hôm nay trên quê hương tôi, quê hương xinh xinh, quê hương hữu tình, quê hương xinh xinh, quê hương hòa bình...”.
Một buổi chiều xuân, ngồi nhâm nhi ly cà phê nơi quán vắng, nghe trọn bài hát Đám cưới trên đường quê của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, lòng tôi rất bồi hồi, xao xuyến khi nhớ về những hình ảnh đám cưới ngày xưa ở thập niên tám mươi của thế kỷ trước.
Đám cưới ngày xưa rất đơn giản nhưng cũng rất vui nhộn và mang nhiều kỷ niệm vô cùng đẹp đẽ. Thời đó, mọi người sống rất vô tư, không tính toán thiệt hơn vào thời kỳ cuộc sống còn vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Đám cưới ngày xưa đâu được như bây giờ, có nhiều dịch vụ cho gia chủ lựa chọn. Hồi đó, nhà ai tổ chức đám cưới thì gia chủ phải tự lo toàn bộ, hoàn toàn “cây nhà lá vườn”.
Trước đám cưới một tháng thì gia chủ phải lập danh sách khách mời và đi đặt thiệp. Thiệp in xong thì tranh thủ nhận về rồi tập trung con cháu và mượn thêm vài người hàng xóm biết chữ để ghi thiệp. Tối tối, bên ngọn đèn dầu, từng nhóm người xúm lại, người đọc, người ghi thiệp, người thì để ruột thiệp vào bì. Chủ nhà thì lăng xăng lo nấu nước, nấu chè, nấu khoai, hoặc có khi nấu nồi cháo đãi “khách ghi thiệp”. Không khí rất vui, ấm áp “tình làng, nghĩa xóm”. Thiệp ghi cả tuần mới xong. Ghi thiệp xong thì tới khâu mời thiệp. Khâu này cũng khá quan trọng nên gia chủ phải lựa chọn người có gương mặt sáng sủa chút, biết ăn nói mới nhờ đi mời thiệp trong xóm, ấp, còn khách hay bà con ở xa thì đích thân chủ nhà đi mời. Khâu ghi thiệp và mời thiệp xong xuôi, gia chủ mới thở phào nhẹ nhõm.
Còn khoảng nửa tháng tới đám cưới thì chú rể (hoặc cô dâu) tranh thủ mượn bạn bè đi rước dâu (hoặc đưa dâu), nhờ người làm rể phụ (dâu phụ), rồi lo đi thử áo cưới ở tiệm cho thuê, hợp đồng thợ trang điểm, chụp hình,... đây là những dịch vụ quan trọng cần tranh thủ lo sớm vì những dịch vụ này vào thời điểm đó cũng khan hiếm người làm, sợ “đám đụng đám” thì cũng khó!
Ngày cưới cũng đến, ai được gia chủ nhờ đi mượn bàn ghế thì lo rủ nhau đi mượn bàn ghế, ai lo dựng rạp thì xúm lại dựng rạp, ai đi đốn đủng đỉnh thì kéo nhau đi đốn đủng đỉnh, ai làm gà, làm vịt thì hè nhau làm gà, làm vịt, nấu nướng. Ai cũng có công việc cả, tùy theo “năng lực” được “tiến cử" mà gia chủ phân công.
Mà nói thật, ngày nhóm họ là ngày bận rộn nhất của những người đi phụ đám cũng như gia chủ, vì ai cũng làm hết công sức cả. Vui nhất là nhóm đi mượn bàn ghế. Trong nhóm tự phân công người cầm sổ, người ghi số vào bàn, ghế mượn, vài ba người kéo xe đi chở bàn ghế. Người cầm sổ phải là người hiểu rõ nhà nào có bàn ghế, nhà nào không có bàn ghế để đi mượn cho nhanh, tránh mất thời gian. Bàn ghế mượn xong được chất lên xe và kéo về, vừa đi, vừa hát nghêu ngao, cười giỡn vô tư, rất thoải mái.
Dây giấy đủ màu được dùng để trang trí đám cưới (Ảnh: TKTS)
Rạp cưới được dựng lên cũng từ vật dụng được mượn của bà con láng giềng như tre, lá hoặc tấm ga to đùng dùng để phủ nóc rạp. Mặt trước, mặt sau và xung quanh rạp được trang trí bằng nhánh đủng đỉnh và bông dừa. Bên trong rạp được bung dây giấy đủ màu sắc xanh, đỏ, vàng, tím và treo những chiếc lồng đèn hình tròn trông rất bắt mắt. Bàn ghế được trải ra ngay ngắn và lịch sự. Cổng rạp được các “nghệ nhân” địa phương thiết kế bằng tàu dừa, lá đủng đỉnh và hoa giấy, cửa vào có đính hình đôi chim bồ câu đậu trên trái tim, biểu tượng cho đời sống chung thủy vợ chồng.
Công việc chuẩn bị xong xuôi, gia chủ dọn cơm mời ăn và dặn dò rất kỹ về công việc cho buổi tối và ngày mai. Tối đến, rạp cưới lung linh ánh đèn, âm thanh của dàn nhạc sống trỗi lên ầm ầm, kích thích tinh thần văn nghệ của mọi người. Ai cũng muốn hát, muốn thể hiện giọng ca và phong cách ăn mặc của mình trước mọi người. Không có ca sĩ nổi tiếng, chỉ là khách đi đám hát cho nhau nghe. Nhạc công là những người hàng xóm biết đàn, biết đánh trống được chủ nhà mượn đến đàn ca miễn phí. Vậy mà đêm ca nhạc phục vụ đám cưới diễn ra vô cùng hào hứng, hấp dẫn. Tiếng hát, tiếng đàn ca ngợi đất nước, sự thay đổi của quê hương đã làm con người càng yêu thương nhau hơn, càng gắn bó nhau hơn trong “tình làng, nghĩa xóm”. Bọn thanh niên chúng tôi khoác lên mình bộ cánh ưng ý nhất, đã được chăm chút từ vài ngày trước. Quần áo ủi láng coóng, chân mang giày, áo bỏ vào quần, xức dầu thơm đậm đặc luôn! Nhóm thanh niên chúng tôi vừa là khách và cũng vừa là người phụ chạy bàn, tiếp khách với gia chủ nên chúng tôi hết đảo qua bàn này rồi lại đảo qua bàn khác.
Hồi đó, đi rước dâu hay đưa dâu trong xã thường là đi bộ, vì không có đủ xe Honda để đưa, rước. Vậy mà vui, mang rất nhiều kỷ niệm đẹp. Vui nhất là lúc rước dâu ngang chợ, bà con hai bên chợ đứng trước nhà xem đám cưới rất đông. Ai cũng muốn xem cô dâu là ai, mặt mũi như thế nào, đẹp hay không đẹp, rồi bàn tán xôn xao. Đám con nít thì rủ nhau chạy theo và hò hét inh ỏi “Cô dâu, chú rể, làm bể bình bông, đổ thừa con nít, bị đòn nát đít...”. Dứt câu, cả bọn vỗ tay, làm cho cô dâu thẹn đỏ mặt. Những nam thanh, nữ tú đưa, rước dâu có khi cũng thầm thương trộm nhớ nhau sau lần gặp mặt như vậy. Họ tìm hiểu nhau, rồi đám cưới lại được tổ chức trong niềm vui tột cùng của hai bên cha mẹ.
Cuộc lễ nào cũng chấm dứt, cuộc vui nào cũng trôi qua, chúng tôi lại phụ gia chủ dọn dẹp sân rạp, trả bàn ghế kèm theo lời cảm ơn thay cho gia chủ và được đáp lại bằng nụ cười và cái nhìn thân thiện của người hàng xóm. Thế đấy, đám cưới ngày xưa là như vậy, mang rất nhiều cung bậc cảm xúc! Đám cưới ở giai đoạn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống nhưng luôn đầy ắp tình người. Ai đã từng trải qua thời kỳ đó thì không thể nào quên đám cưới ngày xưa cũng như nhiều câu chuyện tốt đẹp khác mà mọi người đem đến cho nhau./.
Ngô Trọng Nghĩa