Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vũ Thị Lưu Mai phát biểu ý kiến. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Dự án Luật này đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.
Đưa các hoạt động tôn giáo đi đúng hướng
Ghi nhận sự nỗ lực của cơ quan soạn thảo, các đại biểu cho rằng đây là dự án luật có ý nghĩa quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống tinh thần của người dân, ổn định chính trị và đặc biệt là mang tính nhạy cảm cao.
Theo các đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), Trần Văn Huynh (Kiên Giang), Ni sư Thích Nữ Tín Liên (Thành phố Hồ Chí Minh), Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội), Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh), dự thảo Luật có nhiều vấn đề mới, thông thoáng, giảm bớt cơ chế xin-cho, có sự mở rộng với các tôn giáo. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người bị tạm giữ, tạm giam, phạt tù, chờ thi hành án tử hình được Nhà nước bảo đảm.
Nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trước đây được quy định rất chặt chẽ, phải đăng ký, cấp phép, đề nghị, chấp thuận thì nay chỉ cần được thông báo. Việc thành lập mới, chia tách, sáp nhập cũng thông thoáng hơn.
Nhà nước Việt Nam xác nhận, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam thông thoáng hơn trước đây, kể cả việc thuê, mượn địa điểm để sinh hoạt tôn giáo chung. Đặc biệt, điều kiện công nhận tổ chức tôn giáo trước đây là 23 năm, nay chỉ còn 5 năm.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nhìn nhận hai yêu cầu quan trọng nhất cần được chú trọng trong dự thảo Luật là các quy định để đảm bảo vai trò quản lý nhà nước, định hướng, kiểm soát các hoạt động tôn giáo để đưa hoạt động tôn giáo đi đúng hướng, hướng thiện và vấn đề tự do tín ngưỡng theo quy định của Hiến pháp, phải thể hiện được tính đặc thù tín ngưỡng là niềm tin và quyền được thực hiện niềm tin của mỗi tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng dự thảo Luật quy định phải hoạt động phải liên tục ổn định từ 5 năm trở lên, từ ngày được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, tổ chức đó mới được cấp giấy chứng nhận là tổ chức tôn giáo là bất cập.
Quy định như vậy, trong tổ chức thực hiện có thể phát sinh một số vấn đề, cụ thể, trong 5 năm đó, tổ chức chưa được công nhận là có tư cách pháp lý, chưa rõ mô hình hoạt động, quyền hạn, trách nhiệm cũng chưa rõ.
Theo đại biểu, khi tổ chức đăng ký, nếu chứng minh đủ điều kiện hoạt động, thì nên cho phép được công nhận là tổ chức tôn giáo. Trong quá trình hoạt động nếu phát hiện vi phạm có thể thu hồi, không cho phép tiếp tục hoạt động, như vậy cũng phù hợp với xu hướng hậu kiểm hơn là tiền kiểm.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng về nguyên tắc, Nhà nước phải coi sự can thiệp là thứ quan trọng nhất nhằm giúp phân biệt chính xác sự quản lý của Nhà nước với công việc của tôn giáo. Nếu không sẽ xảy ra tình trạng tranh chấp, lấn quyền. Cần quán triệt thật tốt định hướng phục vụ của nhà nước để giải quyết nhanh, thông thoáng, phục vụ nhu cầu, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, xử lý nghiêm minh cán bộ công chức Nhà nước sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn.
“Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chỉ có thể bị giới hạn bởi luật và sự giới hạn đó là cần thiết vì an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe, trật tự xã hội, bảo vệ các quyền tự do cơ bản của các chủ thể khác. Theo đó, cần thiết kế cho tốt các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại điều 5, dự thảo luật," đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đề nghị.
Theo lý giải của đại biểu, thực tiễn hiện nay còn rất nhiều lỗ hổng trong quản lý chức sắc, chức việc. Đây là nội dung quan trọng bậc nhất trong quản lý Nhà nước về tôn giáo, bởi phần lớn chức sắc, chức việc, tín đồ của các tôn giáo Việt Nam rất tốt nhưng có một số người việc lợi dụng tín đồ, đức tin, gây ra nhiều vụ việc phức tạp.
Nói đến quản lý chức sắc là nói đến quản lý hoạt động đào tạo, phong chức, phong phẩm, bãi miễn chức sắc. Do vậy, cần lưu ý vấn đề này trong Luật.
Bổ sung về cơ cấu tổ chức để bảo đảm tính đồng bộ
Liên quan đến tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo, dự thảo Luật quy định giao cho Chính phủ quy định toàn bộ nội dung, thủ tục, thời hạn công nhận ra quyết định đăng ký.
Các đại biểu cho rằng đây là nội dung quan trọng, theo đó, dự thảo Luật cần cụ thể hóa những nội dung bao gồm cơ quan có thẩm quyền công nhận ra quyết định về tổ chức có tư cách pháp nhân, thời hạn xem xét công nhận, nghĩa vụ trả lời thông báo cho đối tượng trong trường hợp không được công nhận là tổ chức có tư cách pháp nhân cũng như những nội dung liên quan đến khâu đăng ký.
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng đối chiếu với quy định về điều kiện công nhận tư cách pháp nhân trong Bộ luật Dân sự thì các quy định tại khoản 3, Điều 30 của dự thảo Luật còn thiếu một quy định rất quan trọng đó là quy định về cơ cấu tổ chức. Cần phải bổ sung về cơ cấu tổ chức để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Về tên gọi của tổ chức tôn giáo, tổ chức đăng ký hoạt động tôn giáo không trùng với tên các danh nhân, ông Cường cho rằng hiện nay chưa có định nghĩa chính xác về “danh nhân," chưa có danh sách chính thức về danh nhân. Do đó, việc quy định như dự thảo có thể gây khó khăn cho việc áp dụng. Đây cũng chính là vướng mắc khi thi hành hướng dẫn Luật doanh nghiệp khi tên doanh nghiệp không trùng với tên doanh nhân.
Bên cạnh đó, có điều cấm quan trọng nhưng dự thảo lại không quy định, đó là đặt tên tổ chức tôn giáo trùng với tên nhân vật phản diện, phản chính nghĩa, có tội với đất nước, với dân tộc. Vì vậy, nên quy định một cách chung nhất là cấm đặt tên của tổ chức là không vi phạm truyền sống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong, mỹ tục của dân tộc tương tự như cách quy định của Luật doanh nghiệp, ông Cường nêu quan điểm.
Băn khoăn về quy định đăng ký hoạt động tôn giáo tập trung
Góp ý vào vấn đề sinh hoạt tôn giáo tập trung được quy định tại Điều 16,17 của dự thảo luật, nhiều đại biểu bày tỏ nhiều băn khoăn về điều kiện sinh hoạt tôn giáo tập trung và trình tự, thủ tục đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng hoạt động tôn giáo tập trung thể hiện tự do tín ngưỡng. Để kiểm soát và đảm bảo vấn đề định hướng, việc thông tin là cần thiết nhưng nếu xin phép trong thời hạn 25 ngày sau khi được sự đồng ý mới được tổ chức hoạt động tôn giáo tập trung là chưa thể hiện rõ quan điểm tự do tín ngưỡng. Nên rút ngắn thời hạn xem xét xuống dưới 25 ngày và nên chăng chỉ mang tính chất thông báo.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương phát biểu ý kiến. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên-Huế) cho biết một số nơi không thể thành lập được tổ chức tôn giáo vì liên quan đến nơi thờ tự, điều kiện sinh hoạt, bổ nhiệm chức sắc và một số cơ sở khác. Chính vì vậy, đại biểu rất băn khoăn với quy định về việc sinh hoạt tôn giáo tập trung, bởi, địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo là rất khó.
Đại biểu đề nghị văn bản đồng ý của đại diện cơ sở tôn giáo hoặc văn bản đồng ý của tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn địa điểm để sinh hoạt tôn giáo phải được viết rõ là địa điểm hợp pháp sinh hoạt tôn giáo. Địa điểm này phải được Nhà nước cho phép.
Một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật bổ sung quy định không được sử dụng địa điểm chưa được Nhà nước đồng ý để tổ chức các hoạt động tôn giáo. Luật cần quy định chặt chẽ việc sinh hoạt tôn giáo tập trung, tránh lợi dụng.
Các đại biểu đều tán thành với quy định giao Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi cả nước và phân công cụ thể cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Chánh Phối sư Hội thánh Cao Đài Bạch y Trần Văn Huynh, đại biểu tỉnh Kiên Giang đề nghị dự thảo Luật quy định cụ thể hơn về trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo theo hướng Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi cả nước. Bộ Nội vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch quản lý nhà nước về lễ hội, trong đó có lễ hội liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban Nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn Luật quy định./.
TTXVN