Tiếng Việt | English

09/12/2020 - 19:39

Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc: Những tấm gương lay động trái tim

Về dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X có những bà Mẹ Việt Nam Anh hùng lưng đã còng, tóc đã bạc, cả đời hy sinh cho Tổ quốc và giờ đây, các mẹ vẫn tiếp tục cống hiến tâm sức cho xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương với các đại biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Hơn 2.000 đại biểu là những tấm gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua, giai tầng xã hội đã tề tựu về Thủ đô Hà Nội dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

Trong số ấy, có những đại biểu nhỏ tuổi, mới chỉ là học sinh lớp 4 như em Phan Nguyễn Thái Bảo (10 tuổi, học sinh trường Tiểu học Bình Phong, huyện Châu Thành, Tây Ninh), nhưng cũng có những Mẹ Việt Nam Anh hùng lưng đã còng, tóc đã bạc trắng, cả đời hy sinh cho Tổ quốc và giờ đây, các mẹ vẫn lao động, cống hiến tâm sức cho các phong trào thi đua.

Những người Mẹ Anh hùng tận tâm, tận lực

Hẳn nhiều người còn nhớ hình ảnh Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt, ở khu phố 6, phường 5, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, cặm cụi ngày đêm bên chiếc máy khâu may khẩu trang tặng người nghèo, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Hình ảnh ấy làm rung động hàng triệu trái tim người Việt.

Tháng 3/2020, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người người, nhà nhà vào cuộc, góp công, góp của chung sức với đất nước vượt qua đại dịch, mẹ Ngô Thị Quýt đã đi đến các tiệm may gom từng miếng vải thừa về may khẩu trang.

Dẫu một bên mắt đã bị hỏng hoàn toàn, bên còn lại không còn tinh tường, nhưng mẹ vẫn cắt tạo dáng, lần hồi từng đường kim, mũi chỉ, đôi chân nhịp nhàng bên chiếc bàn đạp máy khâu… làm ra những chiếc khẩu trang hai lớp.

Ở tuổi 95, Mẹ Ngô Thị Quýt vẫn rất minh mẫn, thao tác cắt, may thuần thục, khéo léo.

Mẹ tâm sự, thấy chị em trong khu phố may khẩu trang tặng người nghèo, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, Mẹ cũng ngỏ ý tham gia. Mắt kém đã có tay rờ, mỗi ngày Mẹ cắt, may được vài chục chiếc.

“Mình không có tiền thì mình đóng góp bằng tâm, bằng tinh thần trách nhiệm giúp người dân. Mấy chục năm mình làm từ thiện rồi, giờ cũng cứ làm vậy,” Mẹ Ngô Thị Quýt chia sẻ.

Suốt 21 năm qua, mẹ Ngô Thị Quýt hàng ngày vẫn đi xin vải vụn về may chăn, quần áo tặng người dân ở các vùng khó khăn. Mẹ không nhớ đã may, tặng được bao tấm chăn, bao chiếc quần áo, chỉ biết rằng, khi còn khỏe, may xong, Mẹ lại tìm đến trao cho từng hộ dân.

Nay sức đã yếu, lưng đã còng, không thể đi xa, Mẹ gửi các hội từ thiện mang trao giúp. May vá là niềm vui để mẹ sống vui, sống khỏe.

Tấm gương lao động, cống hiến của Mẹ Ngô Thị Quýt được tôn vinh trên báo chí, mạng xã hội, làm lay động trái tim mọi người.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt may hàng trăm khẩu trang hỗ trợ người nghèo phòng, chống dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: TTXVN phát)

Mẹ tâm niệm, chồng và con đã hy sinh trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, bản thân Mẹ cũng tham gia cách mạng, 3 lần bị giặc bắt và tra tấn dã man, lần thứ 4 bị đày ra nhà tù Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), mắt phải bị mù do những trận tra tấn đòn roi của địch, giờ đây, còn khỏe ngày nào, Mẹ còn cống hiến.

Trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua, có biết bao Mẹ Việt Nam Anh hùng được nhắc đến là tấm gương sáng cho con cháu, cộng đồng xã hội noi theo.

Mẹ Lê Thị Đấu (sinh năm 1931) ở ấp Bình An, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, luôn là công dân mẫu mực, trách nhiệm, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đã đóng góp rất nhiều cho địa phương trong xây dựng quê hương, nhất là trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới.

Năm 2014, mẹ Lê Thị Đấu đã đóng góp 75 triệu đồng để xây dựng cầu tuyến đường Trần Văn Cuộc, ấp Bình An, xã Châu Bình, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vận chuyển hàng hóa và học sinh đến trường được dễ dàng hơn.

Tháng 7/2019, thấy Đền thờ liệt sỹ xã Châu Bình có biểu hiện xuống cấp, Mẹ đóng góp 150 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp.

Một tháng sau đó, mẹ Lê Thị Đấu lại tặng 100 triệu đồng để tôn tạo đình xã Châu Bình, góp phần làm phong phú nét văn hóa, tín ngưỡng dân gian của người dân trong xã.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới,” Mẹ cùng gia đình đã hiến đất, hoa màu để giải phóng mặt bằng xây dựng các tuyến đường nông thôn, với tổng số tiền trên 150 triệu đồng.

Những đóng góp của mẹ Lê Thị Đấu là cả gia tài của Mẹ, kết tinh từ tình thương yêu bao la, từ những ngày tháng gian khổ, chắt chiu, tần tảo.

[Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc: Thủ lĩnh của người Việt ở Odessa]

Đóng góp của Mẹ không chỉ là số tiền, là hiện vật, mà đó còn là một nghĩa cử cao đẹp, giá trị tinh thần to lớn về đức hy sinh, tấm lòng bao la của người Mẹ, luôn nghĩ và làm vì việc chung, vì hạnh phúc của bao người.

Tri ân, tôn vinh những hành động cao cả và ý nghĩa của mẹ Lê Thị Đấu, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho Mẹ.

Điểm hương sắc cho vườn hoa thi đua

Trong phong trào thi đua giai đoạn 2016-2020, nhiều tấm gương là người dân tộc thiểu số nổi lên về tinh thần khởi nghiệp, phát triển kinh tế, như điểm thêm hương, thêm sắc cho vườn hoa thi đua yêu nước.

Tráng A Chu là chàng trai người Mông đầu tiên ở Hua Tạt (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) khởi nghiệp bằng mô hình làm du lịch cộng đồng.

Những năm gần đây, bản Hua Tạt được nhiều du khách biết đến là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn với các homestay mang phong cách hiện đại, độc đáo, nhưng vẫn đậm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông vùng cao Tây Bắc. Tiêu biểu trong số đó là mô hình “A Chu Homestay” của anh Tráng A Chu.

Ngay khi huyện Vân Hồ được thành lập vào năm 2013, nhận thấy hướng phát triển du lịch nơi đây, Tráng A Chu và bố là ông Tráng A Súa đã phá bỏ vườn mận, đào, vay vốn cùng anh em dựng ngôi nhà sàn gỗ to nhất bản, bắt đầu làm du lịch cộng đồng.

Ngôi nhà sàn độc đáo, kết hợp những nét truyền thống của ngôi nhà Mông, nhưng lại tăng thêm những tiện ích hiện đại, tạo sự thoải mái cho du khách. Tất cả những vật dụng nhỏ nhất của ngôi nhà đều tạo ra vẻ hài hòa với không gian của miền cao nguyên.

A Chu Homestay hiện có 2 phòng nghỉ cộng đồng với sức chứa gần 30 người, 5 phòng nghỉ riêng và đang xây dựng thêm 5 phòng nghỉ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.

Gia đình anh cũng dành hơn 1.200m2 để nuôi gà, lợn, trồng rau, lấy nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho bếp của A Chu Homestay.

Bình quân mỗi tháng A Chu Homestay thu hút khoảng 400-500 lượt khách tới tham quan, nghỉ dưỡng. Năm 2019, homestay đón gần 7.200 lượt khách, đem về cho gia đình anh mức lợi nhuận trên 300 triệu đồng.

Trên cuốn sách “Những câu chuyện về du lịch Việt Nam” do Tổ chức Du lịch thế giới phát hành, A Chu Homestay được nhắc đến như một nơi cần phải đến, một điểm du lịch sinh thái tiêu biểu.

Không chỉ làm thay đổi cuộc sống gia đình mình, Tráng A Chu còn hướng dẫn, giúp đỡ anh em, họ hàng, bà con trong bản và các bản khác cùng phát triển mô hình này.

“Mình làm thành công thì cần phải chia sẻ, hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm cùng bà con. Bà con ở bản phải đoàn kết nâng cao chất lượng các homestay để thu hút du khách đến đông hơn nữa, cùng nhau quyết tâm vượt đói nghèo từ làm du lịch,” Tráng A Chu tâm sự.

Đến nay, bản Hua Tạt đã xây dựng được 5 homestay. Mô hình này không chỉ giúp bà con trong bản phát triển kinh tế, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của cả cộng đồng.

Nhìn vào những bằng khen, giấy khen mà Tráng A Chu vinh dự được các cấp, ngành trao tặng, có thể thấy rõ những đóng góp của anh trong việc góp phần đưa bản Hua Tạt trở thành điểm sáng du lịch cộng đồng của huyện Vân Hồ.

Anh được bầu chọn là một trong bốn gương mặt trẻ tiêu biểu khởi nghiệp thành công của Sơn La, được tặng Bằng khen của Ban Chấp hành Tỉnh đoàn Sơn La vì những thành tích xuất sắc trong phong trào thanh niên sáng tạo năm 2018 và tại Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ X này, Tráng A Chu sẽ là một trong những tấm gương điển hình lan tỏa ý chí vượt khó làm giàu cho các thế hệ trẻ./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết