Tiếng Việt | English

09/11/2024 - 05:51

Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An tham gia góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo  

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 08/11, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận Tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, phát biểu thảo luận tại buổi họp Tổ 11

Tham gia thảo luận, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, tán thành sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo với các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và thực tiễn, nhất là hiện nay quảng cáo là một nhu cầu cần thiết cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ cùng sự phổ biến của mạng xã hội đã tạo ra bước phát triển vượt bậc của ngành quảng cáo, làm thay đổi cả về tổ chức, quy trình, phương thức quảng cáo, cách tiếp cận thông tin của người dân; đồng thời cũng đặt ra những thách thức trong việc quản lý nội dung quảng cáo cũng như sự phù hợp với các quy định pháp luật mới hiện hành như Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Báo chí năm 2016, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2022), Luật Giao dịch điện tử 2023.

Bên cạnh đó, đại biểu Mỹ Dung đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Công Thương, vì thực tiễn, Bộ Công Thương đang quản lý một mảng rất lớn về xúc tiến thương mại, hàng gian, hàng giả và quản lý xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, trong đó có điều chỉnh rất lớn là quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ cho người tiêu dùng. Đồng thời, đề nghị xem xét bổ sung trách nhiệm của Bộ Công an trong việc xử lý các vi phạm trong hoạt động quảng cáo liên quan đến an ninh mạng, an ninh, trật tự xã hội.

Quang cảnh phiên họp tại Hội trường sáng 08/11

Về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (Điều 15a bổ sung) và hoạt động chuyển tải sản phẩm quảng cáo của người có ảnh hưởng (Điều 15b bổ sung), tại Điều 15a quy định: “Cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo, doanh thu, tên sản phẩm, số lượng của từng sản phẩm phát sinh từ hoạt động quảng cáo định kỳ theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu… Khi quảng cáo trên mạng xã hội cùng với hoạt động khác thì phải tự đưa ra dấu hiệu hoặc sử dụng tính năng được mạng xã hội cung cấp để phân biệt nội dung quảng cáo với nội dung, thông tin chia sẻ, đăng tải thông thường”.

Theo đại biểu Mỹ Dung, việc quy định này là ngoài phạm vi khả năng chịu trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, sẽ thiếu khả thi khi thực hiện, khi họ chỉ là người thực hiện quảng cáo; còn tài liệu, chất lượng, số lượng, các tiêu chí, tiêu chuẩn sản phẩm, dịch vụ bảo đảm theo quy định để được quảng cáo theo quy định pháp luật cũng như doanh thu, sản phẩm phát sinh do hoạt động quảng cáo thì người này làm sao có được, mà các trách nhiệm này thuộc về đơn vị doanh nghiệp, cá nhân đưa sản phẩm, dịch vụ ra quảng cáo. Cũng như quy định "...phải tự đưa ra dấu hiệu hoặc sử dụng tính năng được mạng xã hội cung cấp để phân biệt nội dung quảng cáo với nội dung thông tin chia sẻ, đăng tải thông thường…", tuy nhiên, chưa rõ cách thức như thế nào là xác định dấu hiệu để người sử dụng mạng xã hội có thể phân biệt được đây là nội dung quảng cáo.

Bên cạnh đó, tại khoản 5 quy định: “Trường hợp người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì có nghĩa vụ quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều này và các nghĩa vụ sau đây: Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm”.

Đại biểu Mỹ Dung cho rằng, quy định này là không phù hợp, vì không có cơ sở khoa học cho quy định này, cứ cho là người có ảnh hưởng này trực tiếp sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung có thể có hiệu quả đối với họ, nhưng chưa hẳn là phù hợp hiệu quả với người dùng khác, mặt khác hiệu quả của các sản phẩm này phải được kiểm chứng qua một thời gian dài; chưa kể sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, đại biểu Mỹ Dung đề nghị nên hướng quy định ràng buột trách nhiệm của người đưa các sản phẩm này ra quảng cáo bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định.

Về quy trình ngăn chặn gỡ bỏ quảng cáo vi phạm trên mạng, dự thảo quy định trách nhiệm của các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong việc thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật; tiếp nhận thông báo và gửi giấy xác nhận cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng.

Tuy nhiên, theo đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, dự thảo chỉ mới xác định trách nhiệm tự gỡ bỏ của người quảng cáo, trách nhiệm cụ thể của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong khi chưa rõ cơ quan chức năng có thẩm quyền là những cơ quan. Trong khi đó, liên quan đến quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng thì ngoài các cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo, còn trách nhiệm của các cơ quan quản lý hệ thống mạng, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.

Quang cảnh buổi thảo luận tại Tổ 11 (gồm đại biểu các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, Sơn La, Tây Ninh và TP.Đà Nẵng) chiều 08/11

Cùng tham gia góp ý tại buổi thảo luận chiều 08/11, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An, đồng tình và ủng hộ rất cao đối với đề xuất Quốc hội thông qua và triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 nhằm góp phần giữ vững an ninh, trật tự, tạo môi trường lành mạnh để người dân phát triển một cách toàn diện. Đồng thời, đại biểu có một số góp ý cụ thể:

Đối với mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của chương trình, đại biểu Hoàng Uyên thống nhất và đánh giá rất cao quan điểm là đấu tranh, ngăn chặn tội phạm ma tuý từ sớm, từ xa, từ nơi sản xuất, giảm tác động của tội phạm ma tuý trên mọi mặt.

Song đại biểu kiến nghị trong mục tiêu cụ thể về giảm cung cần xem xét và bổ sung thêm nội dung “kiểm soát tốt những điểm có nguy cơ phát sinh về ma tuý”. Theo đại biểu, thực tế thời gian qua trong các báo cáo của Chính phủ, ngành Giáo dục, ngành Công an, báo chí thông tin cho thấy trong 10 năm trở lại đây Việt Nam có thêm khoảng 100 ngàn người nghiện ma tuý. Điều đáng lưu ý, trong số đó có khoảng 70% số người nghiện dưới 30 tuổi; 5% người sử dụng ma túy ở tuổi chưa thành niên (dưới 18 tuổi), riêng trẻ em dưới 16 tuổi chiếm đến 50% đối với người nghiện ở tuổi chưa thành niên.

Thực trạng trên cho thấy môi trường xung quanh các điểm trường học (trường THCS, THPT) luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố tội phạm về ma tuý, các chất tiền ma tuý dưới các dạng bánh, kẹo, nước uống, thức ăn,… bán trôi nổi trước cổng trường mà chưa có cơ chế kiểm soát, quản lý chặt chẽ. Do đó, rất cần bổ sung nội “kiểm soát tốt điểm có nguy cơ phát sinh về ma tuý” vào trong mục tiêu giảm cung để tăng cường công tác quản lý, giám sát, hạn chế tác hại của ma tuý, tạo môi trường lành mạnh cho thanh thiếu niên, học sinh phát triển một cách toàn diện.

Đối với các nội dung mục tiêu về giảm cầu, đại biểu Hoàng Uyên đánh giá rất cao sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ sở cai nghiện đáp ứng tốt nhiệm vụ theo quy định. Để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ mà mục tiêu đề ra, đại biểu đề nghị Chính phủ trong các giải pháp triển khai, thực hiện chương trình cần có và sớm ban hành những chính sách đặc thù một cách toàn diện và khắc phục những bất cập trong thời gian qua như cơ chế đặc thù cho biên chế, chế độ đãi ngộ về thu nhập, tiền công, bồi dưỡng, hỗ trợ đào tạo thu hút nguồn nhân lực cho các đơn vị công lập về cai nghiện ma tuý.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An, đề nghị cần phải tăng cường từ tổ chức bộ máy các tuyến, đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực khoa học điều trị nghiện ma túy

Cuối cùng, để bảo đảm được tính khả thi trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể được đề ra trong Chương trình liên quan đến chỉ tiêu về giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy trong Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma túy, đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đề nghị rà soát, cân nhắc, phân tích rõ hơn về cơ sở xác định, tính khả thi tại các nhóm chỉ tiêu đạt 100%, 80% đối với dự thảo Nghị quyết.

Ngoài ra, cần xác định cụ thể về thời gian thí điểm, tổng kết, đánh giá và xem xét, nhân rộng để bảo đảm hiệu quả của chương trình bởi vì một số dự án đề ra trong chương trình có nhiều nội dung thực hiện thí điểm trước khi nhân rộng nhưng chưa thể hiện cụ thể mốc thời gian thí điểm cũng như tổng kết đánh giá.

Sáng cùng ngày, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; sau đó Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dữ liệu./.

ND

Chia sẻ bài viết