Theo báo cáo của Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, tình hình thu chi ngân sách năm 2016 được đánh giá là khả quan, với dự toán là 1.014.500 tỷ đồng, tăng 9,4% so với ước thực hiện năm 2015. Bên cạnh đó, nợ công vẫn được xác định là trong giới hạn an toàn, khi đạt khoảng 61,3% GDP. Nhưng theo đánh giá của Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, ngân sách nhà nước đang đứng trước sức ép tăng chi ngày càng lớn, đặc biệt là các khoản chi cho đầu tư, các khoản nợ đã tới hạn… với tốc độ tăng chi là 11%.
Bên cạnh đó, dư nợ vay của Chính phủ tính đến 31/12/2014 là là 1.866.004 tỷ đồng, gồm nợ trong nước là 1.017.305 tỷ đồng; nợ nước ngoài 850.699 tỷ đồng; nợ trái phiếu Chính phủ chiếm khoảng 30% tổng nợ của Chính phủ, đến hạn phải thanh toán khoảng 363.116 tỷ đồng; nợ ngân hàng chính sách và Ngân hàng Phát triển Việt Nam hơn 7.300 tỷ đồng…
Trước tình hình này, Chính phủ đã đề xuất trong thời gian tới cần tập trung phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ để tăng cường huy động vốn cho ngân sách nhà nước, đồng thời từng bước thực hiện tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ. Dự kiến khối lượng phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ khoảng 3 tỷ USD để tái cơ cấu lại khoản nợ trái phiếu Chính phủ trong nước giai đoạn 2015-2016.
Báo cáo của Chính phủ đánh giá tình hình thu chi ngân sách năm 2016 khả quan so với năm 2015.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, số thu tuyệt đối trong năm 2015 là hụt so với năm 2014. Trong đó, các khoản ghi thu năm 2015 đã tăng khoản ODA giải ngân bình quân 5 năm là 50.000 tỷ đồng/năm; tiền đất 50.000 tỷ đồng, thu từ xổ số kiến thiết 26.000 tỷ đồng. Những khoản thu này năm trước không đưa vào nhưng năm nay đã cộng lại lên con số 69.300 tỷ đồng.
“Số tuyệt đối của Ngân sách Nhà nước năm 2014 là 255.750 tỷ đồng, riêng ngân sách địa phương trong cân đối là 131.200 tỷ đồng, chiếm hơn 52% do các địa phương tự quản lý, Trung ương còn 154.000 tỷ đồng. Sau khi trừ đi khoản tiền của ngân sách địa phương và các khoản khác, ngân sách Trung ương chỉ còn 45.000 tỷ đồng. Với số tiền này rất khó để điều tiết chưa nói là phải lo tiền trả nợ”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.
Cùng sự lo lắng về thu chi và cân đối ngân sách, đại biểu Bùi Đức Thụ, đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho rằng, bội chi đang có xu hướng tăng dẫn đến áp lực tăng nợ công. Theo đó, năm 2016, xét về tỉ trọng bội chi ngân sách nhà nước có giảm so với 2015 nhưng số tuyệt đối lại tăng từ 226.000 tỷ đồng lên 254.000 tỷ. Thêm vào đó, năm 2015 mới trả nợ chỉ được 150.000 tỷ nhưng lại vay bội chi ngân sách lên 226.000 tỷ đồng và vay trái phiếu chính phủ 85.000 tỷ đồng. Như vậy, khối lượng vay lớn gấp đôi so với khối lượng đã trả được.
Nhìn vào các khoản chi ngân sách, đại biểu Nguyễn Đức Kiên, đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng đưa ra nhận xét, kỷ luật ngân sách chúng ta có vấn đề. Riêng chi đầu tư phát triển, chi xây dựng cơ bản đã bội chi 7.800 tỷ đồng (vượt hơn 4%), trong khi bội chi ngân sách đang dự kiến là 5%.
Đối với đề xuất phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ, nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ đề xuất này, tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị cần cân nhắc, thận trọng, để không gây áp lực đến nợ công. Cho rằng vẫn có giải pháp khả thi hơn, đại biểu Phạm Huy Hùng, đoàn ĐBQH TP Hà Nội đề xuất, Chính phủ nên cân nhắc việc phát hành trái phiếu ra thị trường nước ngoài, bởi càng đi vay thì nợ công càng tăng và áp lực trả nợ càng lớn. Trong khi nếu có giải pháp tốt, điều chỉnh lãi suất trong nước hợp lý thì vẫn có thể huy động được 3 tỉ USD vốn nhàn rỗi trong dân mà không cần đi vay nước ngoài.
Tỏ ra lo ngại trước kế hoạch phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng có ý kiến, cần phải cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định phát hành trái phiếu. Theo đại biểu Huỳnh Ngọc Sơn, dò trái phiếu phát hành ở kỳ hạn 10 năm hay 30 năm thì các thế hệ sau cũng vẫn phải trả, càng phát hành thêm trái phiếu lại càng ẩn chứa nhiều rủi ro.
Việc Chính phủ lý giải phát hành thêm trái phiếu tái cơ cấu lại khoản nợ, không dành cho việc đầu tư cũng khiến đại biểu Nguyễn Kim Thúy, đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng băn khoăn, lo lắng. Đại biểu Thúy cho rằng, giới hạn ngưỡng nợ công đang ngày càng được đẩy lên cao, từ mức 47-48% là ngưỡng an toàn, sau đó tăng lên 54% và hiện nay lên mức 63% cũng là an toàn so với giới hạn là 65%. Bà Thúy cho rằng, không nên quan trọng ở những con số mà cốt lõi chính là phải tính đến khả năng trả nợ.
Trong phần thảo luận của mình, đại biểu Nguyễn Thạch Hồng, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương thẳng thắn cho rằng, bội chi của nước ta đang tăng cao, vay nợ và tăng nợ nhanh trong cuối nhiệm kỳ 2011 – 2015.
Đại biểu Việc vay nợ và bội chi, nghị quyết đã đề ra việc chi cho đầu tư phát triển, nhưng qua báo cáo của Chính phủ, để tái cơ cấu lại phải phát hành trái phiếu là dấu hiệu mất cân đối nghiêm trọng trong thu chi ngân sách. Nhất là khi thu chi ngân sách không phục vụ mục tiêu tái đầu tư, thực hiện chi thường xuyên rất lớn và dành vốn vay cho đảo nợ, đáo nợ ngân hàng. Do vậy cần cơ cấu lại để việc phát hành trái phiếu làm sao đảm bảo giải quyết vấn đề thu chi ngân sách.
“Chính phủ đã phải quyết định bán cổ phần tại một số doanh nghiệp và tập đoàn mạnh, làm ăn có lãi để tăng thêm nguồn thu; hoặc vay Ngân hàng Nhà nước để đáp ứng nhu cầu chi ngân sách là dấu hiệu không bình thường so với những năm trước trong việc thu chi ngân sách”, Đại biểu Nguyễn Thạch Hồng nhận định./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN