Tiếng Việt | English

16/01/2025 - 13:00

Đặc sản tết vào mùa

Trong không khí tất bật những ngày cận tết, các làng nghề làm đặc sản tết như làm bánh tráng, các loại khô,... đang hoạt động hết công suất để đủ nguồn hàng cung ứng cho thị trường.

Tất bật sản xuất khô bò

Thời điểm này, nhiều người dân xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An tất bật sản xuất khô bò để chuẩn bị cho nhu cầu thị trường tết. Đây là nghề truyền thống lâu đời của người dân nơi đây.

Từ 4 giờ sáng, gần 10 lao động của Cơ sở sản xuất khô bò Tám Ben (ấp Hòa Hiệp 2, xã Hiệp Hòa) bận rộn làm khô bò với những công đoạn như xẻ thịt, ướp thịt, phơi lên giàn,...

Theo Chủ cơ sở sản xuất khô bò Tám Ben - Hồ Văn Ben, thời điểm gần tết, thị trường tiêu thụ nhiều hơn nên cơ sở tăng công suất hoạt động. Hiện trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất khoảng 100kg khô bò các loại, cao hơn gấp nhiều lần so với ngày thường.

Công nhân Cơ sở sản xuất khô bò Tám Ben (xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa) phơi thịt đã tẩm ướp gia vị lên giàn phơi

Trung bình khoảng 3kg thịt bò tươi sẽ thu được 1kg khô bò, giá bán từ 650.000-700.000 đồng/kg (tùy loại). Nhờ hương vị thơm ngon, giá cả hợp lý nên nhiều năm qua, đặc sản khô bò của Cơ sở sản xuất khô bò Tám Ben được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Không chỉ có mặt khắp các tỉnh, thành phố của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà khô bò Tám Ben còn tiêu thụ mạnh ở TP.HCM, Hà Nội,...

Cơ sở sản xuất khô bò Tám Ben có 2 loại là khô bò một nắng và khô bò khô. Cả 2 đều sử dụng thịt thăn và đùi từ đàn bò của địa phương. Sau khi lấy thịt bò về, cơ sở rửa sạch rồi xẻ miếng, ướp thêm một số loại gia vị như ớt, tỏi, sả, nước mắm và ngũ vị hương rồi mang đi phơi.

“Đối với khô một nắng, cơ sở phơi từ sáng đến khoảng 13 giờ thì đóng gói, hút chân không rồi bỏ vào tủ đông. Đối với khô bò khô, cơ sở phơi đủ 2 nắng rồi đóng gói, hút chân không và bảo quản ở điều kiện thường, không cần bỏ vào tủ lạnh hay tủ đông” - ông Hồ Văn Ben cho biết.

Được biết, từ tháng 10 Âm lịch hàng năm, Cơ sở sản xuất khô bò Tám Ben tăng công suất hoạt động so với ngày thường vì đơn hàng nhiều hơn. Hiện tại, tổng đơn đặt hàng mà cơ sở nhận cho vụ tết năm nay là khoảng 5 tấn khô.

Các sản phẩm của Cơ sở sản xuất khô bò Tám Ben đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao và là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Đây là động lực để cơ sở mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Nhộn nhịp làng bánh tráng trăm tuổi

Vào những ngày giữa tháng Chạp, không khí Làng nghề bánh tráng Nhơn Hòa (phường 5, TP.Tân An) diễn ra nhộn nhịp. Chẳng ai biết rõ nghề làm bánh tráng ở đây có từ bao giờ, chỉ biết rằng, đây là nghề “cha truyền con nối” và đã tồn tại cả trăm năm qua.

Là đời thứ 3 kế nghiệp truyền thống của gia đình, bà Nguyễn Thị Hường (khu phố Nhơn Hòa 1, phường 5, TP.Tân An) cho biết, hiện nay, một số cơ sở đã ứng dụng máy móc làm bánh tráng nhưng bà vẫn giữ nguyên cách làm truyền thống.

Chỉ với nguyên liệu đơn giản là bột gạo, pha ít muối là có thể làm ra một loại bánh tráng mang đặc trưng riêng, với độ mềm, dẻo và giá cả hợp lý, được khách hàng gần xa ưa chuộng.

Bà Nguyễn Thị Hường (khu phố Nhơn Hòa 1, phường 5, TP.Tân An) sản xuất từ 10-15kg bánh tráng mỗi ngày

Theo bà Hường, để làm ra một cái bánh tráng không mất nhiều sức nhưng phải tốn nhiều thời gian, bận rộn cả ngày với nhiều công đoạn như pha bột, nhóm lửa, tráng bánh, phơi bánh, gỡ bánh, gói thành xấp,... và đòi hỏi người thợ phải khéo tay, tỉ mỉ.

Trung bình mỗi ngày, bà Hường sản xuất từ 10-15kg bánh tráng, bán với giá từ 30.000-35.000 đồng/kg; riêng những tháng cận tết, số lượng tăng lên từ 30-40%.

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, ngoài mặt hàng bánh tráng dẻo truyền thống, bà Hường còn làm thêm loại bánh tráng mè nước cốt dừa.

Do nguyên liệu có thêm dừa, sữa và mè nên loại bánh tráng này có giá cao hơn bánh dẻo truyền thống, với giá từ 350.000-400.000 đồng/xấp 50 cái.

“Tết năm nào tôi cũng làm thêm bánh tráng mè cốt dừa để phục vụ nhu cầu thị trường những ngày tết. Có khi tôi tự làm rồi đợi khách hàng đến mua, cũng có khi tôi làm theo đơn đặt hàng hoặc khách hàng mang nguyên liệu đến để tôi làm.

Thông thường, mỗi ngày, tôi chỉ làm từ 2-3 xấp, thu nhập từ 200.000-300.000 đồng” - bà Hường cho biết thêm.

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng người dân Làng nghề báng tráng Nhơn Hòa (phường 5, TP.Tân An) vẫn luôn giữ gìn nghề truyền thống (Trong ảnh: Bánh sau khi tráng được phơi dưới ánh nắng nhẹ)

Thông tin từ UBND phường 5 (TP.Tân An), trước đây, làng nghề có gần 100 hộ làm bánh tráng. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ còn khoảng 10 hộ giữ nghề.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng những thợ làm bánh vẫn quyết tâm bám trụ và hy vọng thời hoàng kim sẽ trở lại với làng nghề vào một tương lai không xa.

Mặc dù trên thị trường không thiếu các mặt hàng đặc sản cho khách lựa chọn nhưng một số đặc sản đặc trưng của tỉnh như khô bò, bánh tráng,... vẫn đắt hàng bởi hương vị thơm ngon, độc đáo và bảo đảm an toàn, chất lượng./.

Bùi Tùng - Hoàng Tuân

Chia sẻ bài viết