Tiếng Việt | English

30/12/2023 - 15:46

Đặc sản Tết vào mùa

Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 sắp đến, các cơ sở kinh doanh, hộ sản xuất đặc sản như lạp xưởng, khô cá, bánh, mứt,... đang tất bật vào mùa, chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ thị trường tết.

Nhộn nhịp sản xuất lạp xưởng

Những tháng cuối năm, không khí tại các cơ sở sản xuất lạp xưởng trên địa bàn tỉnh nhộn nhịp hẳn. Lạp xưởng Kim Huệ (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) là sản phẩm truyền thống được nhiều nơi biết đến.

Mỗi khi tết đến, lạp xưởng Kim Huệ được nhiều người dùng làm món ăn, làm quà biếu.

Lạp xưởng Kim Huệ (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) đạt chuẩn OCOP 3 sao và thường được người tiêu dùng lựa chọn để làm quà biếu mỗi dịp tết đến, xuân về

Nắm bắt được nhu cầu tăng cao vào dịp tết, Cơ sở Lạp xưởng Kim Huệ chủ động chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ thị trường. Bà Lê Thị Huệ - chủ Cơ sở Lạp xưởng Kim Huệ, chia sẻ, gia đình làm nghề này hơn 40 năm.

Lúc đầu, sản lượng lạp xưởng không nhiều nhưng tăng dần lên do nhu cầu thị trường tăng. Ngày thường, cơ sở sản xuất khoảng 100kg lạp xưởng thành phẩm nhưng đến đợt tết, sản lượng tăng lên gấp nhiều lần.

“Cũng như những năm trước, năm nay, cơ sở lên kế hoạch chuẩn bị các sản phẩm phục vụ thị trường tết từ rất sớm. Theo đó, bắt đầu từ tháng Chạp, mỗi ngày, cơ sở sản xuất khoảng 400kg lạp xưởng và nem nướng. Thay vì làm thủ công, hiện tại, tôi sử dụng máy móc trong một số công đoạn.

Ngoài mua để dùng trong gia đình, các sản phẩm của cơ sở còn được dùng làm quà tặng. Do đó, chúng tôi chú trọng đầu tư về bao bì, mẫu mã để đáp ứng nhu cầu của khách hàng” - bà Huệ chia sẻ thêm.

Lạp xưởng Cô Châu (thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước) vừa được Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam công nhận là 1 trong 121 món ngon Việt Nam năm 2022

Theo một số cơ sở, hộ sản xuất lạp xưởng trên địa bàn tỉnh, những năm gần đây, tình hình sản xuất cũng như tiêu thụ lạp xưởng có xu hướng tăng nên nhiều khả năng, việc tiêu thụ năm nay sẽ khả quan.

Chủ Cơ sở Lạp xưởng Cô Châu (thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước) - Lưu Thị Kim Châu có nhiều năm kinh nghiệm làm lạp xưởng, cho biết: Cơ sở sản xuất lạp xưởng hoạt động quanh năm nhưng tập trung cao độ nhất vào mùa tết. Mùa sản xuất tết bắt đầu từ đầu tháng Chạp đến tận những ngày giáp tết.

Bình thường, trung bình mỗi tháng, cơ sở sản xuất khoảng 500-700kg lạp xưởng thành phẩm. Nhưng vài ngày tới, cơ sở sẽ tăng số lượng lên khoảng 100-200kg mỗi ngày. Đặc biệt, từ đầu tháng Chạp, nhất là từ rằm tháng Chạp đến tết, cơ sở sản xuất khoảng 500kg lạp xưởng thành phẩm/ngày.

“Ước tính cả đợt tết, cơ sở sản xuất khoảng 7-10 tấn lạp xưởng. Hiện nay, nhiều nơi trong và ngoài tỉnh đã gọi điện thoại đặt hàng tết và sẽ tăng mạnh vào những ngày tới” - bà Châu nhẩm tính.

Hối hả chuẩn bị các loại khô cá

Các cơ sở hối hả phơi khô, chuẩn bị nguồn hàng để cung ứng cho thị trường tết

Tết là thời điểm các mặt hàng khô cá, tôm khô, khô bò, khô trâu,... được tiêu thụ mạnh. Nắm bắt nhu cầu thị trường, ngay từ đầu tháng 10 Âm lịch, các hộ, cơ sở sản xuất khô cá trên địa bàn tỉnh chủ động chuẩn bị nguồn hàng. Không khí làm việc tại các cơ sở, hộ sản xuất vì thế cũng sôi động hẳn lên.

Tân Hưng là địa phương làm cá khô ngon có tiếng trong tỉnh và các vùng lân cận. Nơi đây chuyên cung cấp các loại khô cá đồng như khô cá lóc, cá trê, cá chốt, cá lau kiếng, cá trèn, cá chạch,...

Nhiều gia đình đã mấy đời làm nghề khô và sống nhờ nghề này nhưng mỗi người đều có bí quyết riêng và chỉ làm một số mặt hàng nhất định để bỏ mối cho các chợ trong, ngoài tỉnh.

Khô cá lóc, cá trê là những loại được khách hàng ưa chuộng trong dịp tết Nguyên đán

Chị Dương Thị Gái - hộ chuyên kinh doanh khô cá tại chợ Tân Hưng (thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng), cho biết, để sản phẩm có mùi vị thơm ngon, đạt yêu cầu về vệ sinh thực phẩm, người làm cá khô phải tỉ mỉ trong nhiều công đoạn từ khâu chọn nguyên liệu đến quy trình thực hiện như sơ chế, tẩm ướp,… Hầu hết đều được làm thủ công và phơi trực tiếp dưới ánh nắng.

“Thời điểm này, chúng tôi đã chuẩn bị phục vụ thị trường tết với đủ các mặt hàng như khô cá lóc, cá sặt, cá trê,... Từ đầu tháng 10 Âm lịch đến nay, đơn đặt hàng rất nhiều.

Nếu như ngày thường, tôi chỉ làm khoảng vài chục kilôgam để giao cho khách quen thì vào mùa giáp tết như hiện nay, phải tăng số lượng gấp đôi, gấp ba lần mới đủ cung cấp” - chị Gái cho biết thêm.

Chị Lương Thu Thùy - chủ Cơ sở sản xuất khô, mắm Cô 6 Chung (xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa), chia sẻ: “Nghề làm khô của gia đình chủ yếu phục vụ nhu cầu của người dân ở địa phương, tuy nhiên thời gian gần đây, sản phẩm phát triển mạnh do nhu cầu của người tiêu dùng tăng.

Khô cá lóc, cá trê đã trở thành “đặc sản” làm quà mỗi khi tết đến. Khách hàng là doanh nghiệp, hộ dân đến đặt hàng làm quà tết và mấy năm gần đây cung cấp thị trường ngoài tỉnh như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương,... Tết năm trước, gia đình làm gần 2 tấn khô các loại để bán ra thị trường”.

Mặc dù trên thị trường ngày càng có nhiều sản phẩm khô cá đến từ những địa phương khác, mang tính cạnh tranh nhưng các loại khô cá đồng của tỉnh vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng. Theo một số chủ cơ sở kinh doanh khô cá các loại, năm nay, lượng cá đồng không nhiều do lũ không lớn, trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng nên giá thành sẽ nâng lên, tuy nhiên cũng không đáng kể. Cụ thể, khô cá lóc loại từ 7-10 con/kg có giá 200.000 đồng/kg; khô cá trê 10-15 con/kg có giá 130.000 đồng/kg; khô cá chốt, cá lau kiếng từ 220.000-230.000 đồng/kg; khô cá trèn, cá chạch dao động từ 300.000-450.000 đồng/kg.

Ngày nay, các loại khô cá đồng của tỉnh đã có mặt ở nhiều nơi trong, ngoài tỉnh và được khách hàng tin dùng. Bên cạnh việc phát triển thị trường, tăng năng suất chế biến để phục vụ nhu cầu ngày càng nhiều của người tiêu dùng, các hộ dân, cơ sở kinh doanh, chế biến khô còn đặc biệt chú ý vấn đề an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Đồng thời, quan tâm xây dựng thương hiệu, cải thiện bao bì, nhãn mác,... qua đó, góp phần giúp sản phẩm khô cá của tỉnh khẳng định được vị thế trên thị trường./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết