Tiếng Việt | English

19/08/2015 - 20:14

Cứu sống một thiếu niên bị ong đốt trên 150 mũi

BV Nhi đồng 1 vừa thực hiện lọc máu liên tục để kịp thời cứu sống một thiếu niên 15 tuổi bị ong đốt trên 150 mũi khiến sức khỏe nguy kịch.

Cháu N. T. M. T, 15 tuổi ở huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An được bệnh viện địa phương chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng nguy kịch do bị tổn thương đa cơ quan, đã xuất hiện các biến chứng do sốc phản vệ như rối loạn tri giác, sưng phù mặt, tay chân lạnh, huyết áp tụt, lơ mơ, suy hô hấp.


Cháu M. T. N. T bị suy đa cơ quan sau khi bị ong đốt hơn 150 mũi(Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Qua thăm khám, các bác sĩ đếm được trên người cháu bé này có đến hơn 150 vết ong đốt ở đầu, mặt, cổ, tay chân, ngực và lưng. Các xét nghiệm cho thấy cháu bé bị tổn thương gan, men gan tăng cao, bị tổn thương thận, hủy cơ, tán huyết, tiểu ra máu… Thiếu niên này nhanh chóng được cho thở oxy và các bác sĩ tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 quyết định phải thực hiện kỹ thuật lọc máu liên tục. Sau 36 giờ lọc máu liên tục, sức khỏe của cháu bé đã được cải thiện dần như tỉnh táo hơn, giảm bớt suy hô hấp, nước tiểu bớt đỏ…

Hiện tại, sức khỏe thiếu niên đã bình phục và được xuất viện. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc cho biết: “Khi bị ong đốt thì dùng thuốc sát khuẩn bôi lên chỗ ong đốt. Nếu không có sẵn thuốc thì dùng nước xà phòng pha loãng. Mỗi lần sát khuẩn thì đếm luôn có bao nhiêu vết. Nếu chỉ có vài đốt thì có thể ở nhà theo dõi, chườm lạnh để giảm đau. Còn trên 10 vết thì nên đưa đến bệnh viện. Trong trường hợp khi ở nhà tay chân lạnh, mệt, ngất xỉu, đi tiểu ra màu đỏ là những dấu hiệu nặng, nên đưa ngay đến bệnh viện”.

Người nhà cho biết, trong khi đi ra vườn chặt cây tràm về làm củi, cháu T. và người cậu vô tình làm động tổ ong vò vẽ và bị ong đốt khắp người. Thiếu niên khi bị ong đốt đã không bỏ chạy nên bị ong đốt khắp người. Đây là một trong những trường hợp bị ong đốt rất nặng mà các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã từng tiếp nhận. Với những trường hợp nặng như thế này, nếu không thực hiện kỹ thuật lọc máu liên tục thì sẽ rất khó cứu sống được bệnh nhân. Đây là trường hợp bị ong đốt thứ 5 mà Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận được trong mùa hè năm nay./.

Hiếu Hiền/VOV-TP HCM

Chia sẻ bài viết