Cựu chiến binh Trần Văn Rồng tham gia thực hiện mô hình tuyến đường của Hội Cựu chiến binh xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành
Vượt khó vươn lên
Với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, CCB Trần Văn Rồng (SN 1965, ngụ ấp 4, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành) vượt khó vươn lên, trở thành điển hình trong phong trào CCB làm kinh tế giỏi tại địa phương.
Từ năm 1984-1986, ông Rồng nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Không may trong một trận đánh tại tỉnh Xiêm Riệp (Campuchia), ông bị thương và được đưa về huyện Đức Hòa điều trị. Đến tháng 4/1987, ông trở về quê và bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình.
Những ngày đầu, ông gặp không ít khó khăn. Cả gia đình khi ấy chỉ trông chờ vào số tiền ít ỏi từ việc đánh bắt cá của ông. Dù vợ chồng ông vất vả làm lụng nhưng cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống. Suy nghĩ về việc lựa chọn hướng phát triển phù hợp để đưa kinh tế gia đình đi lên luôn khiến ông trăn trở hàng đêm.
Không đầu hàng trước khó khăn, ông Rồng xin đi làm phụ hồ, vừa làm, vừa học nghề, sau đó ông lên làm thợ chính rồi trở thành chủ thầu, chuyên nhận xây nhà cấp 4. Bên cạnh đó, ông còn trồng 180 gốc thanh long và trồng xen ớt để có thêm thu nhập. Sau nhiều năm kiên trì, đến nay, kinh tế của gia đình ông đã ổn định.
Ông Rồng cho biết: “Thợ xây là một nghề nặng nhọc, đối với người mang vết thương chiến tranh như tôi lại càng khó khăn. Tuy nhiên, nghề này đã giúp tôi nuôi sống gia đình và giúp các con tôi được đến trường. Đến nay, 2 người con của tôi đã trưởng thành và có việc làm ổn định”.
Không chỉ sản xuất giỏi, ông Rồng còn là CCB gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của địa phương. Khi được địa phương vận động hiến đất làm đường, ông đã nhanh chóng đồng ý và hiến 175m2 đất để làm đường giao thông liên xã Phước Tân Hưng - Hiệp Thạnh.
Chủ tịch Hội CCB xã Phước Tân Hưng - Trương Hoàng Đầy cho biết: “Với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, CCB Trần Văn Rồng đã không ngừng nỗ lực vượt khó vươn lên phát triển kinh tế gia đình và trở thành hội viên CCB điển hình, gương mẫu tại địa phương. Bên cạnh đó, ông luôn năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động công tác xã hội, được nhiều người tin tưởng và quý trọng”.
Nỗ lực làm giàu chính đáng
Theo Chủ tịch Hội CCB huyện Tân Thạnh - Trần Văn Lành, CCB Nguyễn Thanh Tùng (SN 1969, ngụ ấp Bùi Thắng, xã Nhơn Hòa Lập) được biết đến không chỉ bởi sự nhiệt tình trong công tác Hội, hỗ trợ đồng đội phát triển kinh tế gia đình mà còn bởi sự cần cù, chịu khó vươn lên làm giàu chính đáng.
Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Tùng (ấp Bùi Thắng, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh) có thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm nhờ trồng lúa và mít Thái
Năm 1990, sau khi bị thương tại mặt trận 479 (Campuchia), ông Tùng được đưa về nước điều trị, sau đó, ông xuất ngũ và trở về địa phương trồng lúa nhưng kinh tế gia đình vẫn thiếu trước, hụt sau. Không nản chí, ông mạnh dạn thuê thêm đất để sản xuất và tích cóp dần, từ 0,4ha đất trồng lúa ban đầu do cha mẹ ông để lại, đến nay, ông đã có 4ha đất trồng lúa và mít Thái. Thu nhập hàng năm hơn 300 triệu đồng.
Ông Tùng chia sẻ: “Khi xuất ngũ trở về địa phương, vừa mang thương tích trên người, vừa ít đất sản xuất nên cuộc sống gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm, tôi mạnh dạn thuê thêm đất để canh tác. Đến nay, cuộc sống gia đình tôi đã ổn định”.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, CCB Nguyễn Thanh Tùng còn là hội viên CCB gương mẫu, nhiệt tình tham gia các phong trào, hoạt động của Hội; giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ giống, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn trong xã.
Cần cù lao động, sản xuất, ông Tùng không những làm giàu cho gia đình mà còn góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và phát triển KT-XH.
Góp sức xây dựng quê hương
Sau khi thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, CCB Nguyễn Văn Hoàng (SN 1964, ngụ xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa) trở về quê hương, tiếp tục với cuộc sống đời thường và bắt tay vào làm kinh tế, góp phần xây dựng quê hương.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hoàng (xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa) bên vườn mai hơn 2 năm tuổi của gia đình
Với tinh thần ham học hỏi và sự nỗ lực của bản thân, năm 2003, ông trở thành một trong những người đầu tiên chuyển đổi từ cây lúa sang cây mai vàng. Theo ông Hoàng, cây mai vàng mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với cây lúa, do đó, nhiều người dân địa phương đã chuyển sang trồng mai. Đến nay, xã Tân Tây có gần 500ha mai vàng.
Tháng 7/2020, UBND tỉnh công nhận làng mai xã Tân Tây là làng nghề với tên “Làng mai vàng Tân Tây”, ông Hoàng vinh dự được chính quyền và người dân địa phương tin tưởng chọn làm Trưởng ban Đại diện làng nghề. Đến tháng 11/2023, Hợp tác xã Mai vàng Tân Tây được thành lập, ông được tín nhiệm bầu làm Giám đốc hợp tác xã.
Ông Hoàng cho biết: “Hợp tác xã được thành lập nhằm liên kết sản xuất, tạo mối quan hệ trong kinh doanh, sản xuất giữa các thành viên; chủ động liên kết với công ty, doanh nghiệp để tổ chức tốt việc cung ứng dịch vụ của hợp tác xã; đồng thời, làm “cầu nối” chuyển giao khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”.
Hàng năm, gia đình ông đều tiên phong, gương mẫu trong đóng góp kinh phí cho các hoạt động của địa phương như hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, làm đường giao thông nông thôn, lắp đặt đèn đường,...
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tây - Nguyễn Thanh Hải chia sẻ: “CCB Nguyễn Văn Hoàng luôn phát huy các phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua và nhiệt tình với công tác xã hội ở địa phương. Những đóng góp của ông đã góp phần giúp xã Tân Tây trở thành xã nông thôn mới nâng cao đầu tiên của huyện Thạnh Hóa”.
Dù với vai trò nào, các CCB trên địa bàn tỉnh vẫn phát huy tinh thần gương mẫu, quyết tâm vượt khó và cống hiến hết sức mình để xây dựng quê hương./.
Bùi Tùng