Từ những khảo sát ý kiến trong loạt bài Cưới hỏi thời nay 2024, có đến 59% người chọn phương án chi tiền mừng cưới cho cô dâu chú rể từ 500.000 – 1 triệu đồng, 30% chọn mức tiền từ 300.000 – 500.000 đồng…
Đây là một số khảo sát nhỏ, Báo Thanh Niên khi thực hiện đăng tải loạt bài về việc đám cưới và một số vấn đề tế nhị xoay quanh chuyện cưới của những người trẻ ngày nay. Qua đó, ít nhiều cũng khái quát được tâm tư, tình cảm của những người đã, đang và chuẩn bị tổ chức đám cưới thời nay.
Theo đó, trong khảo sát "Nhận được thiệp mời bạn sẽ mừng cưới bao nhiêu tiền" của bài báo "Nhận thiệp cưới, bỏ phong bì 500.000 đồng ngại bị nói: Tiền mừng cưới bao nhiêu là hợp lý?" cho thấy số người chọn phương án chi cho tiền mừng cưới 500.000 – 1 triệu đồng là cao nhất với 59 %. Tiếp đến chỉ có 8% người bình chọn cho việc chi từ 1 – 2 triệu đồng; 2% bình chọn chi từ nửa chỉ đến 1 chỉ vàng.
Bên dưới bài viết về tiền mừng cưới, bạn đọc Diệp Tử Nhi bình luận: "Theo tôi nghĩ tiền mừng đám cưới đừng để nó là gánh nặng cho chủ hôn về sau, miễn là vui vẻ là chính, vì khi đám cưới xong thường thì tiền đó họ để trang trải cho đám cưới đó, phần còn lại để mua vật dụng cho đôi bạn trẻ, chính vì thế mà đi nhiều sau này họ phải đi trả thì sẽ là một gánh nặng. Quan điểm của tôi là chỉ mừng hơn một suất ở bàn tiệc một chút là đủ, vì không phải kinh doanh".
Bạn đọc Chính Mai Hồng chia sẻ tiền mừng cưới nhiều hay ít là tùy tâm và khả năng của từng người. Đã đám cưới là tốn kém rồi nhưng cả đời có một lần cưới nên tổ chức sao cho phù hợp nhất với điều kiện của mình và gia đình.
Bạn đọc Tuong Van thì lại nhắc khéo cho cô dâu chú rể: "Thấy đồng nghiệp mừng 500 thì gia chủ tự hiểu đây là mối quan hệ bình thường!". Chốt hạ vấn đề, bạn đọc Thanh Tân Lam nêu ý kiến: "Thấy khó quá thì đừng dự. Người ta quý mình lắm họ mới mời. Ở đó mà tính với toán...".
Còn với bài viết "Cần bao nhiêu tiền l àm đám cưới tại TP.HCM ?" thì có đến 57% người bình chọn phải mất vài trăm triệu mới có thể tổ chức đám cưới. Xếp thứ hai là 32% số người bình chọn cần khoảng 100 triệu, tiếp theo là 7% cho số tiền 50 triệu và 4% cho ý kiến khác.
Bạn đọc Nguyễn Lê Duy, ở Gia Lai phân tích: "Ví dụ như sau: đặt 30 bàn cỗ (ở nhà 250.000 đồng, nhà hàng 350.000 đồng) khách đi tiền mừng cưới bình quân 500.000 đồng. Đặt 30 bàn hết 90 triệu. Quan khách mừng cưới 150 triệu. Nói chung trừ qua trừ lại thì cũng không phải mất chi phí nhiều đâu, tốn ở khâu đi lại, khách sạn, và của hồi môn cho con thôi...".
Trong khi đó, từ phần thăm dò ý kiến về việc "Bạn sẽ làm gì nếu nhận được thiệp cưới từ những người không thân thiết, xã giao" thì có đến 65% người chọn phương án không tham dự và không gửi tiền mừng cưới; 24% người bình chọn không tham dự nhưng sẽ gửi tiền mừng cưới vì giữ lịch sự; còn lại 11% sẽ tham dự tiệc cưới vì họ nhớ đến mình là vui rồi.
Bày tỏ nỗi niềm trên, bạn đọc Giang Chan chia sẻ: "Tất cả cũng vì chữ ngại mà băn khoăn, không ngại nữa là có quyết định dễ dàng thôi". Còn bạn đọc Diệp Tử Nhi nói: "Ý kiến cá nhân của tôi là khi không thân thiết thì họ mời chắc chắn vì lý do khác hơn là tình bạn bè, cho nên mình cũng không cần phải đi đám cưới. Có nhiều người khi họ hoặc gia đình họ tổ chức đám cưới, thì họ mời cả những người quen sơ sơ, không thân thiện, hay bạn học nhưng lâu không gặp, không liên lạc, việc đó mang tính chất kinh doanh hơn là bạn bè".
Một bình luận cảm động, bạn đọc Dân Dân cho biết: "Tôi cũng vừa nhận được thiệp mời đám cưới. Một học sinh cũ mà tôi chủ nhiệm hơn 30 năm trước giờ làm sui. Khi đến nhà gửi thiệp mời , em ấy có nói với tôi: em có để sẵn tiền mừng cưới trong thiệp mời nha thầy. Tôi từ chối nhưng em ấy không chịu. Khi em ấy về rồi, mở thiệp ra tôi thấy có 1 triệu đồng (em này ngày trước học chưa xong lớp 11 thì nghỉ, do gia cảnh khó khăn, giờ chỉ buôn bán nhỏ thôi). Tôi băn khoăn: ngày dự đám cưới, mình cứ đi với số tiền có sẵn trong phong bì, hay để thêm vô?".
Còn về tục thách cưới và tiền thách cưới, một bạn đọc bình luận: "Liệu có thể vận động người dân bỏ hủ tục tiền sính lễ bên đàng trai hoặc đàng gái (tuỳ vùng). Tôi thấy đám cưới hôn nhân là việc vui thiêng liêng mà một số nơi đòi hỏi tiền thách cưới, tiền sính lễ cao giống như là bán con cái lấy tiền. Nếu cha mẹ dòng họ tốt thì chỉ nên cho đôi trẻ của hồi môn sẽ tốt hơn rất nhiều".
Cũng từ khảo sát về tiền thách cưới có 27% số người bình chọn không cần tiền thách cưới; 19% chọn tiền thách cưới từ 20 – 30 triệu đồng; 16% chọn từ 10 – 20 triệu đồng; 15% chọn từ 30 -50 triệu đồng; 12% chọn trên 50 triệu đồng và 11% chọn từ 5 – 10 triệu đồng tiền thách cưới trong một đám cưới./.