Tiếng Việt | English

16/03/2022 - 09:01

Cuộc sống người dân chuyển biến từ Chương trình nước sạch

Những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, nhiều dự án, công trình cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh Long An được xây mới, nâng cấp. Qua đó, góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch cũng như cải thiện điều kiện sống, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Người dân phấn khởi

Trước đây, người dân vùng hạ (Cần Đước, Cần Giuộc) thường xuyên sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt, nhất là vào mùa khô do nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn, phèn không thể khai thác. Thế nhưng, nỗi lo thiếu nước sinh hoạt không còn nữa khi những năm qua có nhiều dự án, công trình cấp nước sạch cho các xã vùng hạ được triển khai.

Xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc là một trong những địa phương gặp nhiều khó khăn về vấn đề nước sạch phục vụ sinh hoạt của người dân. Những năm trước, cứ vào thời điểm nắng nóng và hạn kéo dài, nguồn nước ngọt dự trữ không đủ sử dụng khiến cuộc sống của người dân nơi đây càng khó khăn khi phải đổi nước ngọt với giá khá cao hoặc sử dụng nước sông chưa qua xử lý để dùng trong sinh hoạt. Từ khi có nguồn nước sạch về đến từng hộ dân, người dân không còn lo lắng nguồn nước sinh hoạt hàng ngày.

Ông Trần Văn Năm (ấp Nam, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc) chia sẻ: “Lúc trước thiếu nước, người dân chủ yếu sử dụng nguồn nước mưa dự trữ hoặc nước sông không bảo đảm vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe. Giờ nguồn nước sạch đã về đến các hộ dân, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân địa phương”.

Nhiều công trình cấp nước được đầu tư phục vụ người dân

Chia sẻ niềm vui với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Đông Thạnh - Trần Văn Mé cho biết: “Khi chưa có chương trình nước sạch về nông thôn, người dân địa phương thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Gần đây, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, xã được thụ hưởng chương trình, dự án nên người dân có nước sạch sử dụng, ai cũng phấn khởi. Hiện trên địa bàn xã có 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, 96% hộ dân sử dụng nước sạch”.

Những năm trước, Cần Đước và Cần Giuộc là 2 địa phương xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng nhất của tỉnh. Để giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân, tỉnh đã thực hiện nhiều dự án cấp nước có quy mô tại các xã vùng hạ như dự án cấp nước cho huyện Cần Giuộc và Cần Đước; dự án cấp nước cho xã Phước Lại và Long Hậu (huyện Cần Giuộc); dự án cấp nước cho 4 xã vùng hạ huyện Cần Giuộc; dự án cấp nước cho 4 xã vùng hạ huyện Cần Đước,...

Bên cạnh đó, giải pháp quan trọng mang tính lâu dài là đầu tư tuyến ống chính dẫn nước từ Nhà máy Cấp nước Nhị Thành (huyện Thủ Thừa) để đưa nước sạch về khu vực Chợ Trạm (huyện Cần Đước). Từ điểm cấp nước Chợ Trạm, nguồn nước tiếp tục được các đơn vị cung cấp đến các hộ dân thuộc thị trấn Cần Giuộc và các xã vùng hạ của huyện Cần Giuộc, Cần Đước. Nhờ đó, đã giải quyết được tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở các xã vùng hạ.

Người dân an tâm khi có nước sinh hoạt

Tại huyện Tân Trụ, người dân cũng vô cùng phấn khởi khi được đầu tư đường ống cấp nước về đến từng hộ dân vùng sâu, vùng xa. Hiện huyện có 99,89% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, 76,8% hộ dân sử dụng nước sạch. Hàng năm, vào mùa khô, rất nhiều hộ dân xã Tân Phước Tây gặp khó khăn về nước sinh hoạt nhưng nay người dân không phải lo thiếu nước.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phước Tây - Lê Trung Hậu cho biết: “Để bảo đảm người dân đủ nước sinh hoạt, xã được đầu tư đường ống dẫn đưa nguồn nước từ Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Long An cấp nước đến từng hộ dân. Hiện toàn xã có 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có trên 98% hộ sử dụng nước sạch đạt chuẩn”. Phấn khởi khi được lắp đặt hệ thống nước sinh hoạt để sử dụng, bà Đặng Thị Dung (ấp 3, xã Tân Phước Tây) nói: “Trước đây, vào mùa khô, để có nước sinh hoạt, gia đình tôi phải dự trữ nước mưa. Tuy nhiên, nguồn nước này không bảo đảm vệ sinh. Bây giờ, có nước sạch về đến tận nhà, nhờ đó mà bảo vệ sức khỏe cho gia đình, không phải lo thiếu nước”.

Trên 99% hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc, việc đưa nước sạch về vùng nông thôn trên địa bàn huyện được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm như đầu tư xây dựng các trạm cấp nước, đường ống dẫn nước về phục vụ người dân. Bên cạnh đó, huyện Cần Giuộc đấu thầu giao các trạm cấp nước cho doanh nghiệp quản lý; truyền tải nước từ Nhà máy Nước Nhị Thành (huyện Thủ Thừa) về địa bàn huyện với trữ lượng cấp khoảng 15.000m3/ngày đêm để bổ sung nguồn nước cho Công ty Cổ phần Công trình đô thị Cần Giuộc và Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Băng Tâm, góp phần cung cấp nước cho các trạm cấp nước trung chuyển đã được đầu tư tại các xã vùng hạ phục vụ người dân. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch nông thôn đạt 77%, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,66%. Hộ dân sử dụng nước sạch ở các xã vùng hạ đạt trên 65%, đặc biệt những xã thường thiếu nước mùa khô như Phước Vĩnh Đông đạt 87,9%, Phước Vĩnh Tây đạt 75%, Tân Tập đạt 70%, Đông Thạnh đạt 96%.

Tại huyện Tân Trụ, hiện trên địa bàn có 85 trạm cấp nước, trong đó, 80 trạm do xã quản lý, 5 trạm do tư nhân quản lý. Ngoài ra, huyện còn truyền dẫn nước từ Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Long An và 2 trạm cấp nước do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh đầu tư phục vụ nước sạch cho người dân. Hầu hết trạm cấp nước đang vận hành theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, cấp nước cho người dân sử dụng đạt tiêu chuẩn nước sạch. Đến nay, toàn huyện có 99,89% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, 76,8% hộ dân sử dụng nước sạch.

Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 66%

Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh - Hà Văn Thiệp cho biết, thời gian qua, công tác đầu tư cấp nước sạch và nước hợp vệ sinh cho người dân nông thôn đạt một số kết quả tích cực, đời sống của người dân từng bước được nâng lên, người dân có ý thức cao về sử dụng nước sạch và bảo vệ nguồn nước, giảm thiểu các bệnh liên quan đến nguồn nước, tạo điều kiện phát triển KT - XH tại địa phương. Đặc biệt, tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại các địa phương vùng hạ cơ bản đã được khắc phục. Hiện toàn tỉnh có khoảng 1.400 trạm cấp nước nông thôn, cấp nước cho hơn 250.000 hộ dân. Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,3%; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 66%.

“Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường, để người dân hiểu biết và hưởng ứng, tham gia cùng với Nhà nước thực hiện đầu tư, xây dựng, nâng cấp công trình cấp nước; đẩy mạnh các hoạt động giám sát, kiểm tra chất lượng nước, các công trình cấp nước nông thôn do doanh nghiệp, tư nhân quản lý, hướng dẫn quy trình xử lý nước, khử trùng nước để đạt chất lượng nước sạch; từng bước xóa bỏ các công trình quy mô nhỏ, chất lượng nước kém, hạn chế mô hình UBND xã và cộng đồng quản lý, chuyển từ cơ chế phục vụ sang cơ chế dịch vụ.

Trung tâm triển khai điều chỉnh quy hoạch cấp nước vùng của tỉnh, tập trung vào các nội dung bảo đảm sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội, bảo đảm cấp nước an toàn, ưu tiên khai thác các nguồn nước mặt, từng bước giảm khai thác nước ngầm; tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư các dự án cấp nước có quy mô lớn, cấp nước liên huyện, liên tỉnh.

Đồng thời, Trung tâm tranh thủ các nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào cấp nước để từng bước hoàn chỉnh hạ tầng cấp nước nông thôn, tiến tới thực hiện chủ trương cấp nước an toàn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu” - ông Thiệp thông tin./.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết