Với sự phát triển của công nghệ, thói quen mua sắm của người tiêu dùng cũng dần thay đổi. Nếu trước đây, hầu hết giao dịch mua - bán diễn ra tại các siêu thị, chợ truyền thống thì hiện nay, nhiều người chuyển qua mua sắm online bởi sự tiện lợi từ kênh mua sắm này.
Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội không chỉ mang đến những thông tin giải trí mà còn mở ra cơ hội buôn bán cho nhiều người, trong đó có nông dân. Ngày càng có nhiều nông dân nổi lên trên mạng xã hội thông qua các clip phản ánh cuộc sống đời thường ở vùng quê. Từ đó, họ livestream trên trang cá nhân, trực tiếp tương tác, “chốt đơn” với khách hàng. Cũng có nhiều nông dân liên kết những người sáng tạo nội dung để đưa nông sản đến gần hơn với người tiêu dùng. Đây được xem là một trong những giải pháp quảng bá nông sản hiệu quả bởi những người sáng tạo nội dung có sẵn độ nổi tiếng và người theo dõi khá đông.
Họ lại có khả năng sử dụng ngôn ngữ nên có thể giới thiệu nông sản của các địa phương đến với nhiều người. Vừa qua, tỉnh Bắc Giang mời hơn 70 người sáng tạo nội dung giúp tỉnh tiêu thụ vải thiều cho nông dân. Và chỉ trong 4 giờ livestream vào ngày 24-6 tại huyện Lục Ngạn, những streamer này đã thực hiện được 26 phiên live, gần 1,7 triệu lượt xem, bán được 5.182 đơn hàng với khoảng 23 tấn vải thiều, doanh thu 1,2 tỉ đồng.
Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc livestream thì vẫn là một hình thức “giải cứu” nông sản như trước đó nhiều địa phương đã làm khi vào mùa thu hoạch rộ lại gặp điệp khúc "được mùa, mất giá". Muốn tạo đầu ra ổn định, quảng bá nông sản địa phương cần có sự vào cuộc không chỉ của nông dân mà còn của địa phương và ngành chức năng, từng bước đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử (TMĐT). So với các phương thức bán hàng truyền thống thì bán hàng qua các sàn TMĐT có nhiều ưu thế hơn, giúp nông dân có thể giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng mà không bị giới hạn về mặt không gian. Thông qua sàn TMĐT, nông sản đến với người tiêu dùng khắp cả nước, thậm chí là nước ngoài.
Tuy nhiên, khó khăn nhất của việc đưa nông sản lên các sàn TMĐT là nông dân chưa quen với hình thức bán hàng này, chưa có kỹ năng sử dụng thiết bị số và chưa tạo được sự quan tâm của người dùng trên không gian mạng. Những kỹ năng này không thể trang bị trong “ngày một ngày hai” mà phải có thời gian và sự thay đổi tư duy của nông dân. Sẽ hiệu quả hơn rất nhiều khi nông dân trực tiếp giới thiệu, tư vấn sản phẩm bởi hơn ai hết, nông dân mới hiểu rõ sản phẩm của mình ra sao và chính người mua cũng muốn được sự tư vấn từ người làm ra sản phẩm.
Theo thống kê của Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông), từ khi Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn được triển khai, từ tháng 8/2022 đến tháng 6/2023, đã có trên 5,4 triệu tài khoản hoạt động trên 2 sàn TMĐT: Voso và Postmart; đã có 7.637 sản phẩm OCOP của các địa phương được “lên sàn”. Số giao dịch qua các sàn TMĐT đạt gần 1 triệu giao dịch với tổng giá trị 217,1 tỉ đồng. Giá trị 1 giao dịch/sản phẩm khoảng 220.000 đồng.
Tại Long An, đến nay, có trên 50.000 tài khoản đăng ký trên các sàn TMĐT, với tổng số trên 2.400 sản phẩm, chủ yếu là rau an toàn, mít, thanh long, gạo Nàng Thơm, chanh không hạt,... Nhằm hỗ trợ nông dân, Sở Công Thương đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn nông dân, hộ sản xuất những kỹ năng cần thiết để đưa hàng nông sản lên các sàn TMĐT. Đồng thời, tiếp tục kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản lên các sàn TMĐT: Postmart, Voso, Sendo, Tiki,...
Ngoài sự hỗ trợ của địa phương và ngành chức năng, nông dân cần thay đổi tư duy để có thể trở thành nông dân công nghệ số, biết các kỹ năng sử dụng thiết bị điện tử, kỹ thuật livestream, phát sóng và “chốt đơn”, biên tập video, đóng gói, giao dịch online,... Từ sàn TMĐT, nông sản dễ tiếp cận với thị trường, mở ra nhiều cơ hội mới cho nông dân thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái./.
Tâm Yên