Tiếng Việt | English

20/08/2021 - 08:48

Củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai

Thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai (PCTT), thời gian qua, các địa phương trong tỉnh Long An tích cực kiện toàn đội xung kích cấp xã, sẵn sàng tham gia xử lý các sự cố, ứng phó với các tình huống thiên tai.

Lực lượng xung kích giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai (Ảnh tư liệu)

Linh hoạt, cơ động

Góp phần bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân trong mùa mưa, bão, xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng xác định công tác PCTT là nhiệm vụ quan trọng, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng lực lượng xung kích PCTT tại địa phương, sẵn sàng xử lý các sự cố cũng như ứng phó các tình huống thiên tai xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh - Phan Văn Oanh cho biết: Thực hiện Luật PCTT, văn bản chỉ đạo của các cấp, thời gian qua, xã thành lập lực lượng xung kích PCTT với hơn 100 người. Lực lượng này được tuyển chọn từ đoàn viên, thanh niên, dân quân, công an,… và được tập huấn, hướng dẫn các kỹ năng về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Trong thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, lực lượng này đóng vai trò nòng cốt, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, hỗ trợ khắc phục sự cố do giông lốc làm tốc mái nhà, vỡ đê,...

Theo Chủ tịch UBND xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng - Tô Văn Đẹp, Tuyên Bình là một trong những xã vùng trũng của huyện, chịu nhiều ảnh hưởng của mưa, lũ. Hàng năm, xã đều xây dựng kế hoạch kiện toàn đội xung kích PCTT (hiện xã có 5 đội với gần 80 thành viên), phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Ngoài ra, xã còn tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai.

Cần củng cố, kiện toàn đội xung kích bảo đảm về số lượng, chất lượng (Ảnh tư liệu)

Tiếp tục phát huy tinh thần xung kích

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh - Võ Kim Thuần cho biết, nhằm thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, thời gian qua, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, đôn đốc việc triển khai xây dựng và củng cố đội xung kích PCTT cấp xã theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Hiện đội xung kích hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ và sự tham gia của các thành viên từ các cơ quan, đoàn thể ở xã, ấp như công an, dân phòng, chữ thập đỏ, đoàn viên, thanh niên, cựu chiến binh, phụ nữ, nông dân và một số công chức chuyên môn địa chính - nông nghiệp - xây dựng, văn phòng - thống kê, y tế,...

Ngoài nhiệm vụ chung, mỗi đội xung kích được phân công theo từng nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với đặc thù từng vùng, khu vực như kiểm tra, phát hiện nguy cơ mất an toàn đối với nơi ở của người dân, các công trình, kết cấu hạ tầng trên địa bàn, chủ động xử lý và kịp thời thông báo đến người dân và trưởng ban chỉ đạo xã để xử lý; kiểm tra, đôn đốc các tổ chức chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị chủ động ứng phó khi có thiên tai; hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân chuẩn bị dụng cụ, nhu yếu phẩm bảo đảm nhu cầu sinh hoạt khi thiên tai xảy ra; kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, kịp thời báo cáo chính quyền, cơ quan chuyên môn để xử lý khi có các hành vi vi phạm pháp luật về PCTT;...

Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Tân Thạnh - Lê Thanh Đông cho biết, hiện 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thành lập các đội xung kích PCTT (74 đội, 861 thành viên). Các đội xung kích đã và đang tích cực tuyên truyền về PCTT, trực tiếp tham gia ứng phó khi thiên tai xảy ra và hỗ trợ khắc phục hậu quả ban đầu. Tuy nhiên, trong quá trình củng cố, xây dựng lực lượng xung kích cho thấy, lực lượng này còn hạn chế kiến thức, thông tin về thiên tai, thiếu kỹ năng về ứng phó các tình huống thiên tai nên trong quá trình thực hiện còn gặp một số hạn chế. Thời gian tới, cơ quan chuyên môn cần quan tâm tập huấn cho lực lượng này.

Theo ông Võ Kim Thuần, hiện lực lượng xung kích PCTT tại các địa phương còn một số tồn tại, hạn chế do có thay đổi nhân sự tại cấp xã sau đợt bầu cử đại biểu HĐND vừa qua, chưa tập trung củng cố lực lượng xung kích PCTT. Thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, củng cố các đội xung kích PCTT ở cơ sở, không chỉ phát huy hiệu quả trong công tác PCTT&TKCN mà còn giúp địa phương trong việc đáp ứng yêu cầu tiến tới mô hình cộng đồng an toàn và đúng quy định về PCTT tại chỗ theo tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhằm nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó thiên tai từ cấp cơ sở, các địa phương cần tiếp tục quán triệt đầy đủ, kịp thời chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn; trong đó, chú ý việc giải quyết đầy đủ các chế độ, chính sách đối với lực lượng xung kích PCTT; rà soát, rút kinh nghiệm củng cố, kiện toàn, duy trì bảo đảm về số lượng, chất lượng lực lượng xung kích PCTT cấp xã, xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng, bảo đảm khả năng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ PCTT&TKCN ngay tại cơ sở, góp phần giảm nhẹ rủi ro do thiên tai gây ra./.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết