Theo những con số của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đưa ra, trong quý 1 2016, cả nước ta có khoảng 1,070 triệu người đang trong độ tuổi lao động thất nghiệp. Trong đó có 190.900 người là các cử nhân và trên cử nhân, chiếm 3,93%.
Cập nhật thị trường lao động mới nhất của Bộ này đưa ra trong quý 1 còn cho thấy một thực tế là học càng cao thì nguy cơ thất nghiệp càng lớn. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp ở trình độ đại học cao hơn hẳn so với tỷ lệ những người không có chuyên môn kỹ thuật, bằng cấp, chỉ chiếm 1,75%; tỷ lệ có chứng chỉ nghề dưới 3 tháng chiếm 1,29%; sơ cấp nghề chiếm 1,99%.
Tình trạng sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường trở thành nỗi lo lớn của toàn xã hội ( Ảnh minh họa).
Câu chuyện về việc thạc sỹ, cử nhân thất nghiệp đang trở nên đáng lo ngại trong những năm gần đây. Cử nhân ra trường đi bán trà đá, phụ hồ, giao hàng... đã là chuyện không còn lạ ở Việt Nam. Tại nhiều khu công nghiệp, hiện nay có một lượng lớn cử nhân đến xin làm công nhân. Nhưng khi nộp hồ sơ xin việc họ lại phải giấu tấm bằng đại học để được bổ sung vào lực lượng lao động phổ thông.
Thiếu kỹ năng mềm, sẽ “muôn đời” thất nghiệp
Nhiều bạn sinh viên sau khi ra trường không xin được việc nhưng vẫn loay hoay với câu hỏi tại sao?
Giải đáp vấn đề này, một số doanh nghiệp cho rằng kỹ năng của nhiều sinh viên mới ra trường chưa hình thành, hay chưa có.
Quả thật, nhiều sinh viên hiện nay có kiến thức chuyên môn nhưng lại quá thiếu kỹ năng, đặc biệt là những kỹ năng cần thiết cho công việc. Một số bạn trẻ cho rằng chỉ cần giỏi chuyên môn là không lo thất nghiệp, các bạn đổ xô đi học các khóa học về tin học, ngoại ngữ, đầy đủ chứng chỉ, bằng cấp, nhưng lại chưa mấy mặn mà với việc trau dồi kỹ năng cần cho công việc.
Ông Huỳnh Minh Khôi, giám đốc Compass Education, cựu sinh viên Đại học Brighton, chia sẻ : “Có những bạn khi mới vào công ty, không biết cả photo văn bản, sử dụng máy in,... Khi mới vào các cơ quan, đó là những công việc đơn giản nhất các bạn cần biết nhưng lại không thể làm được. Bên cạnh đó kỹ năng giao tiếp của các bạn cũng còn rất kém”.
Bà Nguyễn Thị Minh Khuê, Phó Tổng giám đốc công ty Cổ phần Công nghệ DKT, cho rằng: “Thái độ và kỹ năng khi đi tìm việc còn yếu, đây là điều rất nhiều bạn trẻ thời nay vấp phải. Những lỗi cơ bản như gửi email đến nhà tuyển dụng không có tiêu đề, trình bày xấu, gửi cùng lúc nhiều nơi hay khi phỏng vấn hoàn toàn không tìm hiểu về công ty đang dự tuyển khiến các bạn bị loại trước khi kịp chứng tỏ chuyên môn của bản thân”.
Chưa làm thợ đã muốn làm thầy
Theo Phó tổng giám đốc DKT, nguyên nhân thứ hai khiến sinh viên ra trường không xin được việc nằm ở vấn đề tương xứng giữa năng lực hiện có và kỳ vọng khi xin việc. Đặc biệt một số sinh viên ở nhóm trường có chất lượng chuyên môn tốt, khi ra trường muốn có ngay những công việc lương cao, danh vọng, có khả năng khẳng định bản thân ngay lập tức. Tuy nhiên, với người kinh nghiệm chưa có, năng lực nghiệp vụ ít được đào tạo (chỉ có kiến thức chuyên môn) có được một công việc hoàn hảo rất khó.
Các nhà tuyển dụng cũng khuyên sinh viên nên bắt đầu bằng những công việc đơn giản, cố gắng làm giàu kinh nghiệm của bản thân bằng việc thực tập không lương .
Theo bà Lan Hương, Phó giám đốc trung tâm Anh ngữ GLN, việc thực tập không lương tại các công ty thực chất là việc các bạn đang được học hỏi kinh nghiệm thực tế từ những người đi trước. Trong khi các bạn đang phải học quá nhiều kiến thức trên giảng đường, nhưng không phải tất cả những thứ đó đều hữu dụng cho công việc, thì đây là điều các bạn ưu tiên thực hiện.
Chưa có thái độ và mục tiêu làm việc rõ ràng
Theo bà Minh Khuê, hiện nay có khá nhiều bạn trẻ không có việc làm, hoặc đã xin được việc, nhưng sau đó lại mất việc do thiếu thái độ đúng đắn trong công việc. “Với DKT, khi tuyển dụng, chúng tôi cần nhất ở ứng viên thái độ tích cực trong công việc, có mục tiêu và cam kết với mục tiêu. Các yếu tố về kinh nghiệm và nghiệp vụ, DKT sẵn sàng đào tạo kỹ lưỡng”.
Giám đốc Compass Education cũng nhận định rằng, tuyển được một người làm việc thực sự nhiệt tình, có trách nhiệm, có tinh thần cống hiến là việc không hề dễ dàng. Ở vị trí của nhà tuyển dụng, ông đánh giá rất cao những ứng cử viên có thái độ nhiệt tình trong công việc.
Ông chia sẻ: “Tôi làm việc với rất nhiều bạn du học nước ngoài về, các bạn bị ảo tưởng quá nhiều vào bản thân, mà không biết rằng sau khi du học về các bạn đang hòa nhập vào một môi trường mới, đã có rất nhiều thay đổi. Việc hòa nhập và làm quen, thích ứng, cũng như học hỏi từ xung quanh là điều cần thiết để các bạn phát huy hết khả năng. Tuy vậy, khi tuyển dụng, những bạn này lại tỏ ra khá kiêu chảnh. Do vậy mà không ít sinh viên du học về nước vẫn không có việc làm”.
Sinh viên cần làm gì để không thất nghiệp?
Để giải quyết vấn đề thất nghiệp của cử nhân, nhiều nhà tuyển dụng cho rằng, giáo dục nên gắn liền với thực tế. Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp bị động ngồi đợi ứng viên đến ứng cử, sinh viên mới ra trường cũng còn rất bỡ ngỡ. Nên có nhiều hơn nữa sự gắn kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo, để có thể chọn lọc và hướng dẫn nghiệp vụ, tạo điều kiện cho sinh viên được làm quen với môi trường làm việc ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Hơn thế nữa, ngay từ bước xác định chọn trường chọn nghề khi thi đại học cũng cần hết sức chính xác, tránh việc học một đằng, ra làm một nẻo, gây lãng phí lớn cho gia đình và xã hội./.
CTV Nguyễn Trang/VOV.VN