Tiếng Việt | English

18/02/2022 - 08:26

COVID-19 thế giới ngày 18/2: WHO theo dõi biến thể mới lây nhanh, đề xuất giảm thời gian cách ly

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết ở những nước có số ca mắc COVID-19 cao có thể rút ngắn thời gian cách ly so với 14 ngày như khuyến nghị trong một số trường hợp. Cơ quan này cũng đang theo dõi 1 biến thể phụ đang lây nhanh.

Các bệnh nhân COVID-19 nằm trên giường bệnh đặt ngoài trời tại một bệnh viện ở Hong Kong ngày 16-2 - Ảnh: AFP

Ngày 17-1, WHO nói rằng hướng dẫn mới sẽ giúp giảm áp lực cho các nước. Cụ thể, nếu người cách ly không có triệu chứng thì chỉ cần cách ly 10 ngày và nếu có kết quả âm tính thì thời gian giảm còn 7 ngày. Trong trường hợp không thể xét nghiệm để xác định thời gian cách ly thì có thể căn cứ vào triệu chứng.

"Với sự lây lan nhanh chóng của các ca nhiễm biến thể Omicron trên toàn thế giới, năng lực truy vết của nhiều quốc gia đã bị kéo dãn nhanh chóng.

Trước tình hình này, các quốc gia có thể xem xét một cách tiếp cận dựa trên thực tế, vì các yêu cầu về truy vết và cách ly trong cộng đồng có thể dẫn đến sự gián đoạn đáng kể của các dịch vụ thiết yếu, bao gồm cả dịch vụ y tế", WHO cho biết trong thông báo mới.

Tổ chức này cũng khuyến nghị nới lỏng việc truy vết trong một số trường hợp. Theo đó, cần ưu tiên những người tiếp xúc với bệnh nhân mắc COVID-19, đối tượng có nguy cơ cao nhất như nhân viên y tế, người có bệnh nền hoặc chưa tiêm ngừa.

Một số nước như Mỹ, Đức, Thụy Sĩ hiện đã rút ngắn thời gian cách ly để đối phó với làn sóng dịch do biến thể Omicron gây ra.

Người đi xem phim trình thông tin tiêm ngừa và xét nghiệm COVID-19 tại Berlin - Ảnh: AFP

Trên toàn cầu, số ca mắc COVID-19 đang giảm. Theo thống kê của WHO, số ca mới trên toàn cầu trong tuần từ 7 đến 13-2 giảm 19% so với tuần trước đó. Dù vậy, tổ chức này cảnh báo số ca bệnh có thể không phản ảnh đúng tình hình dịch bệnh trong bối cảnh tỉ lệ xét nghiệm giảm.

WHO cũng đang theo dõi biến thể phụ BA.2 được cho là có khả năng lây nhiễm cao và đang dần thống trị tại một số nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Philippines, theo báo New York Times. Theo các nhà khoa học, chưa có bằng chứng cho thấy BA.2 gây chết người hơn biến thể phụ BA.1 và các loại vắc xin hiện có vẫn khống chế được các biến thể phụ của Omicron.

Nhiều nước tiếp tục nới lỏng các biện pháp chống dịch. Tại Israel, ngày 17-2, Thủ tướng Naftali Bennett thông báo nước này sẽ không tiếp tục áp dụng hệ thống Thẻ Xanh COVID-19 sau ngày 1-3 tới, trong bối cảnh tỷ lệ bệnh nhân và các ca nặng đang giảm mạnh. “Chúng ta là quốc gia đầu tiên đóng cửa biên giới trước biến thể Omicron và đã đến lúc bắt đầu dần nới lỏng các quy định hạn chế", ông nói.

Cùng ngày, Bồ Đào Nga cũng quyết định bỏ hầu hết các quy định phòng dịch còn lại, trong đó có yêu cầu trình giấy thông hành COVID-19 để được lưu trú tại khách sạn hay phải có xét nghiệm âm tính mới được đến các câu lạc bộ giải trí ban đêm.

Người dân Hong Kong được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 - Ảnh: AFP

Tại châu Á, Hong Kong đang gấp rút chuẩn bị đối phó với làn sóng dịch dâng cao. Thách thức của Hong Kong là tháo gỡ nút thắt hạ tầng khi các cơ sở cách ly không còn chỗ và số giường bệnh trống chỉ còn 10%.

Lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam đã kêu gọi các khách sạn hỗ trợ thêm khoảng 10.000 phòng cách ly. Nhằm đẩy nhanh tiến độ luân chuyển giường bệnh, từ ngày 17-2, các bệnh nhân COVID-19 có thể được xuất viện khi có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 sau 7 ngày kể từ khi được chẩn đoán. Bệnh nhân tại các cơ sở cách ly cộng đồng có thể về nhà khi có kết quả âm tính sau 7 ngày kể từ khi được chẩn đoán và phải làm xét nghiệm sau 14 ngày.

Hong Kong dự kiến sẽ xét nghiệm toàn dân và các nhân viên y tế Trung Quốc đại lục sẽ được đưa đến đặc khu để xét nghiệm khoảng 1 triệu người dân mỗi ngày.

Một số nước vẫn đang chứng kiến số ca mắc COVID-19 rất cao, như Đức và Nga với lần lượt là 235.626 ca và 180.622 ca mỗi ngày.

Tại châu Á, Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới cao chưa từng thấy trong một ngày, với 93.135 ca./.

Theo TTO (BĐT tổng hợp)

Chia sẻ bài viết