Tiếng Việt | English

04/05/2022 - 18:51

Covid-19 làm trầm trọng thêm tình trạng hen suyễn ở trẻ em

Các bác sĩ cảnh báo rằng bệnh hen suyễn ở trẻ em có thể trở nên trầm trọng hơn sau khi mắc Covid-19.

Dưới đây là kết quả một số nghiên cứu mới nhất về Covid-19. Những phát hiện này cung cấp thêm bằng chứng về ảnh hưởng lâu dài của đại dịch đối với sức khỏe và phản ứng của vaccine với biển thể lưu hành nhất hiện nay. Tuy nhiên, các kết quả vẫn cần thêm thời gian và nghiên cứu để khẳng định.


Ảnh minh họa: CiH

Covid-19 làm trầm trọng thêm tình trạng hen suyễn ở trẻ em

Các bác sĩ cảnh báo rằng bệnh hen suyễn ở trẻ em có thể trở nên trầm trọng hơn sau khi mắc Covid-19.

Họ đã tiến hành xét nghiệm PCR cho gần 62.000 trẻ em Mỹ mắc bệnh hen suyễn trong năm 2020 – năm đầu tiên bùng phát dịch bệnh. Kết quả cho thấy có tới hơn 7.700 trẻ dương tính với Covid-19.

Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng, thực tế chứng minh những đứa trẻ mắc Covid-19 có số lần khám hen suyễn, nhập viện, sử dụng ống hít hen suyễn khẩn cấp và điều trị bằng steroid nhiều hơn đáng kể trong 6 tháng sau khi bị lây nhiễm.

Kết quả của các nghiên cứu trước đó chứng minh sự cải thiện khả năng kiểm soát bệnh hen suyễn trong giai đoạn đầu của đại dịch có thể là do việc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa Covid-19 như hạn chế ra khỏi nhà và đeo khẩu trang nơi công cộng. Điều này giúp hạn chế quá trình tiếp xúc với các tác nhân gây hen suyễn.

Như vậy, mặc dù nhìn chung trẻ em mắc bệnh hen suyễn đã phục hồi và cải thiện tốt trong năm đầu tiên của đại dịch, nhưng nghiên cứu mới đây vẫn cho thấy Covid-19 có thể ảnh hưởng lâu dài đến việc kiểm soát tình trạng hen suyễn ở trẻ em.

Hiệu quả mũi vaccine thứ ba đối với người đã mắc Covid-19

Với những người trước đó đã bị mắc Covid-19, liều thứ ba của vaccine mRNA từ Pfizer/ BioNTech hoặc Moderna có thể không làm tăng cường khả năng bảo vệ của họ khỏi biến thể Omicron.

Theo nghiên cứu gần đây trên trang MedRxiv, một nhóm tác giả đã tập hợp gần 130.000 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 ở Connecticut (Mỹ) từ tháng 11/2021 đến tháng 1/2022. Trong đó, có 10.676 người nhiễm biến chủng Omicron. Khoảng 6-8% nhiễm các biến thể trước đó của virus.

Chuyên gia từ Đại học Yale Margaret Lind cho biết: Hai liều vaccine mRNA đầu tiên vẫn có khả năng giúp những người bị lây nhiễm trước đó phòng ngừa biến thể Omicron. Tuy nhiên, "chúng tôi không phát hiện ra khả năng tăng cường bảo vệ của liều vaccine thứ ba đối với nhóm người này".

Tuy vậy, bà Lind vẫn nhấn mạnh mọi người nên tiêm đầy đủ cả hai liều vaccine mRNA. Những người chưa từng mắc Covid-19 nên tiêm thêm một liều bổ sung để tăng cường hệ miễn dịch. Riêng với những người từng bị lây nhiễm, mặc dù mũi tăng cường không có khả năng bảo vệ mạnh mẽ như hai mũi tiêm trước đó, nhưng chuyên gia vẫn khuyên họ nên xem xét về liều bổ sung này, đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao./.

CTV Khánh Linh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết