Tiếng Việt | English

07/04/2018 - 14:12

Công tác phòng cháy, chữa cháy chợ: Cần quyết liệt

Thảm họa cháy chợ không chỉ thiệt hại nghiêm trọng về tài sản mà còn ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Hiện nay, ở nhiều chợ, hệ thống điện xuống cấp chưa được thay mới, ý thức của các hộ tiểu thương trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) còn hạn chế nên nguy cơ xảy ra cháy là rất cao.

Hệ thống điện tại chợ bách hóa Vĩnh Hưng xuống cấp nghiêm trọng rất dễ chạm, chập gây cháy

Có quan tâm PCCC

Chợ bách hóa huyện Vĩnh Hưng (tỉnh Long An) có diện tích gần 3.000m2, hiện có 67 hộ mua bán. Trong thời gian qua, công tác PCCC được Ban quản lý chợ (QLC) chủ động quán triệt đến từng hộ kinh doanh. Đội PCCC thường xuyên củng cố với 9 thành viên, trong đó lãnh đạo đội là người của Ban QLC, số còn lại được cơ cấu từ tiểu thương. Mỗi năm, lực lượng này được dự các lớp tập huấn công tác PCCC do tỉnh và huyện tổ chức, thường xuyên tổ chức huấn luyện tại chỗ. Do đó, lực lượng này đều nắm kỹ các thao tác chữa cháy và sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có cháy xảy ra.

Trưởng Ban QLC Vĩnh Hưng - Nguyễn Văn Cường cho biết: “Chúng tôi luôn xem công tác PCCC là khâu quan trọng, nhất là vào thời điểm mùa khô như hiện nay. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các hộ tiểu thương trong công tác PCCC. Hiện, hệ thống chữa cháy được trang bị 1 máy bơm với 300m ống dẫn nước, ngoài ra bên trong chợ còn bố trí 21 bình chữa cháy lớn, nhỏ được thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ và đặt tại những chỗ thuận tiện khi có sự cố cháy xảy ra kịp thời ứng cứu”.

Chợ Tân Hưng có gần 100 hộ kinh doanh, chủ yếu bán các mặt hàng quần áo may sẳn, giày dép, tạp hóa. Ban QLC luôn xem công tác PCCC là nhiệm vụ hàng đầu. Chợ Tân Hưng có đội PCCC gồm 12 thành viên là nhân viên Ban QLC, công an và các tiểu thương kinh doanh tại chợ. Nhiệm vụ của đội là tham mưu giúp UBND thị trấn chỉ đạo, điều hành, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động tiểu thương trong công tác PCCC. Dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chợ được trang bị gồm: 1 máy chữa cháy, 400m ống dẫn nước, 12 bình chữa cháy và 6 vòi chữa cháy. Các tiểu thương đều cam kết bảo đảm an toàn khi sử dụng điện, không nấu, chế biến thức ăn, thờ cúng trong nhà lồng chợ,... hàng hóa trong nhà lồng chợ được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, có lối thoát hiểm, sẵn sàng cơ động sơ tán tài sản và chữa cháy khi có tình huống xảy ra.

Theo Trưởng QLC Tân Hưng - Trần Văn Châu, hầu hết các tiểu thương đều ý thức rất tốt việc PCCC. Hàng tháng, các tiểu thương ký cam kết thực hiện các quy định về phòng cháy như không thắp hương thờ cúng, nấu ăn tại quầy, cúp điện trước khi rời khỏi quầy,… Việc quản lý hệ thống điện rất chặt chẽ, có cầu dao riêng cho từng hộ tiểu thương, đến 17 giờ hàng ngày, đóng cửa nhà lồng và toàn bộ hệ thống điện trong nhà lồng được ngắt bởi cầu dao tổng”.

Bà Trương Thị Bé Tư - tiểu thương chợ Tân Hưng, nói: “Tài sản của mình thì phải có ý thức bảo vệ. Nếu mọi người đều có ý thức như nhau thì chợ sẽ an toàn. Nếu một người bất cẩn, không chấp hành nguyên tắc PCCC, lỡ có cháy xảy ra thì tài sản sẽ mất hết, rồi còn ảnh hưởng đến tài sản của cả chợ nữa”.

Nhưng chưa triệt để

Mặc dù công tác PCCC tại các chợ được quan tâm, tuy nhiên một số chợ qua thời gian dài sử dụng đã xuống cấp, nhất là hệ thống điện không được đầu tư thay mới, nguy cơ chập điện xảy ra cháy là rất cao, mặc khác ý thức tự giác một số tiểu thương trong công tác PCCC chưa cao nên nguy cơ cháy rất dễ xảy ra.

Hộ tiểu thương còn câu móc điện tùy tiện

Được xây dựng từ năm 1992, chợ bách hóa Vĩnh Hưng hiện xuống cấp, diện tích kinh doanh nhỏ, lối đi chật hẹp, nhất là hệ thống điện không được bảo đảm an toàn, cũ kỹ, giăng mắc như mạng nhện rất dễ chạm, chập gây cháy, nhiều hộ tiểu thương tự ý câu móc thêm các phụ tải làm cho dây dẫn, các thiết bị đóng cắt quá tải so với công suất thiết kế ban đầu. Bên cạnh đó, trong chợ còn có hiện tượng lấn chiếm lòng đường làm nơi buôn bán gây mất an toàn giao thông và hạn chế cho công tác chữa cháy khi có sự cố xảy ra. Theo quan sát của phóng viên tại chợ, để mở rộng không gian, các hộ tiểu thương tự cơi nới quầy sạp, làm mái che bằng vật liệu dễ cháy, dây điện được cuốn trực tiếp lên xà kim loại, nhiều mối nối không bảo đảm an toàn, dễ gây ra hiện tượng chập điện và cháy nổ.

“Mặc dù, thường xuyên được nhắc nhở, nhưng còn một số tiểu thương vẫn cố tình vi phạm trong công tác PCCC. Cụ thể trong năm 2017, chúng tôi lập biên bản xử lý 13 trường hợp buôn bán lấn chiếm lối đi công cộng, câu móc điện không an toàn” - Trưởng Ban QLC Vĩnh Hưng - Nguyễn Văn Cường cho hay.

Dù công tác tuyên truyền về PCCC được Ban QLC Tân Hưng quan tâm nhưng vẫn còn một vài tiểu thương ý thức trong công tác PCCC chưa cao, tình trạng chế biến thức ăn, thờ cúng tại các quầy, sạp vẫn còn. “Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở các tiểu thương về công tác PCCC, tuy nhiên, vẫn còn vi phạm, trong năm nhắc nhở 11 trường hợp nấu nướng, đốt nhang thờ cúng trong chợ. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền các tiểu thương ý thức hơn trong công tác PCCC, đồng thời kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình vi phạm”, Trưởng Ban QLC Tân Hưng - Trần Văn Châu cho biết.

Phòng cháy hơn chữa cháy, các hộ kinh doanh cần thực hiện triệt để các quy định về PCCC. Với những chợ xuống cấp, các địa phương, ngành chức năng và Ban QLC cần thường xuyên kiểm tra công tác PCCC, đầu tư trang thiết bị cho công tác này và thường xuyên nhắc nhở, xử lý kịp thời các trường hợp có nguy cơ xảy ra cháy nổ./.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết